Định hướng đẩy mạnh phân cấp ngân sách cho địa phương ở nước ta trong thời gian tới nên tập trung vào các nội dung sau:
- Thực hiện sự phân tách rõ ràng hơn giữa các cấp ngân sách, hướng đến xây dựng một hệ thống phân cấp ngân sách đầy đủ hơn, trong đó các cấp chính quyền địa phương có sự tự chủ và quyền quyết định lớn hơn về ngân sách cấp mình và độc lập với chính quyền Trung ương. Theo định hướng này, nên tách biệt giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, theo đó Quốc hội sẽ quyết định ngân sách Trung ương và khoản bổ sung cho ngân sách địa phương, còn ngân sách của mỗi tỉnh sẽ do Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định.
- Trao cho địa phương quyền tự chủ cao hơn trong quyết định và quản lý nguồn thu. Đểđịa phương có thể tự chủ về ngân sách, cần trao quyền cho chính quyền địa phương trong việc quyết định và quản lý nguồn thu để địa phương có khả năng tăng và giảm quy mô ngân sách địa phương thông qua sử dụng nguồn thu của riêng mình, kể cả về thuế. Có thể cho phép địa phương quyết định thuế suất đối với một vài loại thuế có tính đặc thù, ngoài ra có thể cho phép địa phương có quyền nhiều hơn trong việc quyết định và thu các loại phí và lệ phí trong phạm vi của địa phương.
- Mở rộng quyền tự chủ của địa phương quyết định chi tiêu. Đồng thời, cần cho phép địa phương được quyền quyết định các chế độ, định mức chi tiêu trong khung do Trung ương quy định. Việc mở rộng quyền tự chủ của địa phương sẽ dựa tên nguyên tắc chi tiêu được thực hiện ở cấp chính quyền nào cung ứng dịch vụ có hiệu quả nhất.
- Trao quyền nhiều hơn cho các cấp chính quyền bên dưới, đặc biệt là chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp cung cấp cho dân nhiều loại dịch vụ thiết yếu. Vì thế, Trung ương cần thống nhất phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi cho đến cấp huyện và cấp
xã, tạo ra mỗi cấp chính quyền có quyền chủ động nhất định trong thu, chi ngân sách, dồng thời phát triển năng lực tài chính của mỗi cấp tương xứng với vai trò của mỗi cấp trong quản lý hành chính nhà nước ở địa phương.
- Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài chính ở địa phương. Cần có cơ chế để tăng cường tính minh bạch, công khai trong quản lý ngân sách ở các cấp chính quyền, đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan thẩm quyền nhằm đảm bảo tính hiệu quả của quản lý ngân sách, trong đó cần đề cao vai trò của cơ quan dân cử và kiểm toán nhà nước.