Huy động nội tệ

Một phần của tài liệu phân tích hoạt động tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn huyện trà ôn tỉnh vĩnh long (Trang 25 - 26)

Nguồn vốn huy động nội tệ có thể xem là bộ phận chủ yếu trong tổng nguồn vốn huy động của NHNo & PTNT huyện Trà Ôn, luôn chiếm tỷ trọng rất cao trên 98% trong tổng vốn huy động của ngân hàng và tỷ trọng không ngừng tăng lên qua các năm. Thực hiện việc chỉ đạo của NHNo & PTNT Việt Nam mà trực tiếp là NHNo & PTNT tỉnh Vĩnh Long về việc đẩy mạnh hoạt động huy động vốn nội tệ trên địa bàn. Trong thời gian qua việc huy động nội tệ của ngân hàng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận khi lượng vốn nội tệ huy động ngày càng gia tăng. Năm 2011 đạt 494.478 triệu đồng, sang năm 2012 đạt 643.794 triệu đồng (tăng 149.316 triệu đồng với tốc độ tăng trưởng đạt 30,20% so với năm 2011) và tiếp tục tăng lên 644.672 triệu đồng năm 2013 (tương ứng tăng 878 triệu đồng với tốc độ tăng trưởng đạt 0,14% so với năm 2012).

Tiền gửi kho bạc: khi ngân sách nhà nước tạm thời nhàn rỗi chưa sử dụng thì kho bạc nhà nước huyện thường gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên đây là lượng tiền không ổn định cho ngân hàng vì kho bạc có thể rút ra bất cứ lúc nào để sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tiền gửi kho bạc từ năm 2011 đến năm 2013 tăng giảm không ổn định (tăng từ 7.263 triệu đồng năm 2011 lên 27.831 triệu đồng năm 2012 và giảm xuống còn 22.180 triệu đồng năm 2013). Nguyên nhân sụt giảm là do trong năm 2013 nền kinh tế huyện chỉ mới được phục hồi sau cuộc khủng hoảng nhưng phải đối mặt với các khó khăn như giá xăng dầu tăng, lạm phát,… từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân và doanh nghiệp dẫn đến công tác thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó ngân sách huyện được lấy ra để đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn và hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới của huyện.

Tiền gửi thanh toán: đây là loại tiền gửi không ổn định cho ngân hàng vì khách hàng có thể rút ra bất cứ lúc nào. Nhìn chung tiền gửi thanh toán không ngừng tăng lên qua các năm (từ 13.545 triệu đồng năm 2011 tăng lên 22.666 triệu đồng năm 2013). Nguyên nhân loại tiền gửi này có xu hướng ngày càng tăng lên là do kinh tế huyện ngày càng phát triển kéo theo số lượng doanh nghiệp đi vào hoạt động trên địa bàn ngày càng nhiều nên nhu cầu giao dịch, thanh toán và sử dụng dịch vụ của ngân hàng ngày càng tăng.

Tiền gửi tiết kiệm: là bộ phận quan trọng nhất trong nguồn vốn tự huy động của ngân hàng do đặc điểm kinh tế của huyện chủ yếu là hộ gia đình và cá nhân nên họ thường lựa chọn việc gửi tiền nhàn rỗi của mình vào ngân hàng dưới hình thức gửi tiết kiệm. Nền kinh tế của huyện trong thời gian gần đây đang phát triển nên lượng tiền gửi tiết kiệm luôn tăng qua các năm tăng từ 473.670 triệu đồng năm 2011 tăng lên đến 599.826 triệu đồng năm 2013. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ trong cơ cấu tiền gửi tiết kiệm thì lượng tiền gửi tiết kiệm tăng lên chủ yếu là do sự tăng lên của lượng tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn, trong khi đó kỳ hạn trung – dài hạn có sự tăng giảm không ổn định.

- Tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn (dưới 12 tháng): là bộ phận chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng. Loại tiền gửi này luôn tăng qua các năm, năm 2011 đạt 461.460 triệu đồng sang năm 2012 đạt 597.867 triệu đồng và năm 2013 đạt 599.227 triệu đồng. Nguyên nhân loại tiền gửi này tăng liên tục là do:

+ Khách hàng chủ yếu của ngân hàng là nông dân nên thường lựa chọn kỳ hạn ngắn để gửi thay vì lựa chọn các kỳ hạn dài khó rút vốn ra khi có nhu cầu.

+ Trong giai đoạn 2011 - 2013 tình hình lãi suất có sự biến động phức tạp, việc gửi tiết kiệm ngắn hạn có nhiều kỳ hạn với những chính sách linh hoạt khi khách hàng rút vốn nên được khách hàng ưa chuộng.

+ Ngân hàng thường triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, tiết kiệm dự thưởng mang thương hiệu riêng của Agribank.

- Tiền gửi tiết kiệm trung – dài hạn (từ 12 tháng trở lên): có sự thay đổi không ổn định, năm 2011 đạt 12.210 triệu đồng, sang năm 2012 giảm xuống còn 118 triệu đồng và trong năm 2013 tăng lên 599 triệu đồng. Lượng tiền gửi này chiếm tỷ trọng rất thấp so với tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn là do tâm lý người dân thường thích kỳ hạn ngắn để có thể linh hoạt hơn trong việc rút tiền. Trong năm 2012 lượng tiền gửi này giảm mạnh là do tình hình khó khăn của nền kinh tế, lạm phát cao nên người dân không gửi kỳ hạn dài vì sợ tiền bị mất giá, thêm vào đó lãi suất ngắn hạn hấp dẫn hơn dài hạn nên khách hàng đã chuyển từ gửi trung – dài hạn sang gửi ngắn hạn.

Một phần của tài liệu phân tích hoạt động tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn huyện trà ôn tỉnh vĩnh long (Trang 25 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(58 trang)