Khái quát đặc điểm kinh tế xã hội của tỉnh Tuyên Quang

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục pháp luật từ thực tiễn tỉnh tuyên quang (Trang 35 - 37)

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, cách Thủ đô Hà Nội 165 km, có diện tích đất tự nhiên là 5.868 km2. Dân số tỉnh Tuyên Quang năm 2013 có 746.669 người, thành thị 98.693 người, nông thôn 647.976 người. Trong đó dân số trong độ tuổi lao động là 377.314 người, chiếm 55,80% dân số toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Kinh có 326.033 người; dân tộc Tày có 172.136 người; Dao có 77.015 người; Sán Chay có 54.095 người; H’Mông có 14.658 người; Nùng có 12.891 người; Sán Dìu có 11.007 người; còn lại là các dân tộc khác.

Toàn tỉnh có 6 huyện và 01 thành phố, gồm: thành phố Tuyên Quang và các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và Lâm Bình. Đơn vị hành chính cơ sở có 141 xã, phường, thị trấn (03 phường, 7 thị trấn); 2.096 thôn, bản, tổ nhân dân, tổ dân phố, trong đó có 761 thôn bản đặc biệt khó khăn, 32 xã vùng cao, 02 xã vùng sâu, vùng xa; 61 xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, 245 thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực I và khu vực II thuộc diện đầu tư Chương trình 135.Các tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh là tuyến quốc lộ 02 dài 90 km từ Phú Thọ lên Hà Giang, tuyến quốc lộ 37 từ Thái Nguyên đi qua huyện Sơn Dương, Yên Sơn đi Yên Bái, nối liền Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ với Tuyên Quang và Hà Giang, Quốc lộ 2C từ Vĩnh Yên lên Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang [7, tr. 2-3].

Địa hình Tuyên Quang bao gồm vùng núi cao, dốc chiếm trên 50% diện tích toàn tỉnh. Ðiểm cao nhất là đỉnh núi Chạm Chu (Hàm Yên) có độ cao 1.587m so với mực nước biển. Hệ thống sông ngòi của tỉnh bao gồm 500 sông suối lớn nhỏ chảy dồn về các sông chính như sông Lô, sông Gâm và sông Phó Ðáy [36, tr. 1].

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Tuyên Quang được xác định là Trung tâm của cách mạng cả nước, là nơi bảo vệ An toàn khu (ATK); bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận cùng nhiều bộ, ban, ngành Trung ương, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Về văn hóa, Tuyên Quang vừa là cái nôi, điểm hội tụ văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tạo nên một nền văn hóa phong phú, đa dạng. Mỗi dân tộc có tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán riêng như lễ cưới, tang, thờ cúng, lễ hội. Văn hóa tinh thần thể hiện qua những quan niệm, nghi lễ thờ cúng tổ tiên, chữa bệnh, cưới hỏi, câu truyện cổ tích, truyện thơ, ca dao, tục ngữ, kho tàng dân ca, dân vũ đặc sắc, các trò chơi dân gian, như: đánh pam, đánh yến, đẩy gậy, chọi gà, bắn nỏ, vật dân tộc. Lễ hội Lồng Tông (lễ hội xuống đồng) của người Tày, Lễ cầu mùa, Lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn… mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tâm linh sâu sắc của cộng đồng, cầu mong một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, bình an, thịnh vượng.

Về phát triển kinh tế, thời gian qua, Tuyên Quang đang có những bước tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế trên các lĩnh vực nông, lâm, công nghiệp và dịch vụ, xu hướng chuyển dịch tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Sự hình thành các khu, cụm công nghiệp như: Long-Bình-An, Nhà máy bột giấy An Hoà, Nhà máy Xi măng Tân Quang, Thủy điện Tuyên Quang, Nhà máy may SESHINVN2, Nhà máy may xuất khẩu MSA-YB, Nhà máy đường Bình Xa… đã làm tăng giá trị sản xuất năm 2013 đạt 3.431,4 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2012, tạo việc làm và thu nhập cho 36.000 người lao động trong tỉnh.

Khó khăn, thách thức của Tuyên Quang trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn ổn định an ninh chính trị, quốc phòng chính là tỉnh miền núi, các yếu tố địa hình chia cắt, phức tạp, núi cao, suối sâu, đồi núi dốc, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội còn hạn hẹp, đời sống kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều, tình trạng di cư tự do, du canh du cư, phá rừng làm rẫy còn phổ biến, chưa ổn định. Tình hình an ninh trật tự có lúc, có nơi diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, dụ dỗ, lôi kéo người dân tộc thiểu số xuất cảnh trái phép tìm việc làm. Một số đối tượng của lực lượng phản động ở nước ngoài về nước, lợi dụng vấn đề tôn giáo, vận động, lôi kéo người H’Mông các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa âm mưu thành lập “Nhà nước H’Mông” thông qua các hoạt động tín ngưỡng bất hợp pháp Dương Văn Mình (Hùng Lợi, Trung Minh và Minh Hương) và tuyên truyền, phát triển Đạo Tin lành trái pháp luật [50, tr.20].

Nâng cao trình độ văn hoá, dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trang bị kiến thức pháp luật, hướng dẫn nhân dân chấp hành pháp luật và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không để các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để chống phá, Tuyên quang cần thiết phaair đẩy mạnh CSGDPL cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục pháp luật từ thực tiễn tỉnh tuyên quang (Trang 35 - 37)