B. NỘI DUNG
2.2.4. Kiểu “trẻ em đường phố” chịu nhiều “giông tố” cuộc đời
Một tỉ sáu là một sự khám phá trải nghiệm về cuộc sống và con người của xã hội Trung Quốc đương đại. Trương Hiền Lượng đã có một hành trình rất dài để có thể có một cái nhìn sâu sắc về kiểu con người trong cuộc sống hiện nay. Chúng ta cũng có thể nhận ra một điều rằng: tuy xã hội đang phát triển rất mạnh mẽ và đời sống của mọi con người đều được chú trọng nâng cao, nhưng ở ngoài kia, trên từng con đường nhỏ, dưới bóng đèn hiu hắt ấy vẫn còn có những mảnh đời trái ngang không có may mắn. Các em bé tâm hồn còn non nớt nhưng đã phải lang thang khắp nơi, thèm khát một sự quan tâm dù nhỏ thôi, mong được nhận sự yêu thương của những con người kia. Nhưng có lẽ hi vọng đó thật quá mong manh.
Nhị Bách Ngũ (Ngũ Tiểu Hạng) là hiện thân cho kiểu: trẻ em đường phố chịu nhiều “giông tố” cuộc đời. Đây có thể nói là nhân vật tiêu biểu đặc trưng cho kiểu con người này trong tác phẩm Một tỉ sáu.
Sinh ra không biết mặt bố mẹ, bị bỏ rơi hay bị bắt cóc điều đó cũng không biết được chính xác, chỉ biết rằng cuối cùng Nhị Bách Ngũ được đôi vợ chồng già nhận nuôi. Cô bé sống với ông bà rất ngoan ngoãn, ông bà thương lắm. Nhưng số phận của Nhị Bách Ngũ cũng không được thay đổi chút nào, vẫn được đi học như chúng bạn nhưng cô bé luôn bị mọi người xa lánh. Hơn ai hết Nhị Bách Ngũ thèm khát được hoà đồng với bạn bè nhưng không thể, ai cũng đều xa lánh em. Nhị Bách Ngũ được gửi vào trường trung học cơ sở nội trú, mơ ước được một lần chơi đùa cùng đám bạn của cô bé ngày càng trôi xa. Ai cũng khinh thường và miệt thị cô bé. Cuộc sống của cô bé tội nghiệp này ngày càng tệ hại hơn. Cảnh sống cô đơn không ai yêu thương chia sẻ đã đẩy Nhị Bách Ngũ rơi vào những đau thương.
Xã hội nhiều cạm bẫy đang rình rập. Cô bé mới lớn không được dạy dỗ một cách nghiêm túc. Nhà trường chỉ lo phần dẹp trật tự trong giờ học với những bài giảng khô cứng trong khi vấn đề lớn của xã hội là những bài giáo dục về giới tính thì không được lưu ý. Thiếu hiểu biết, Nhị Bách Ngũ đã bị Khỉ Quậy, một tên lưu manh ở vùng đó lợi dụng hãm hiếp và bắt cô bé đi làm “tiểu thư”. Một cô bé với tâm hồn non nớt không hề nghĩ rằng mình đang bị lợi dụng thân xác để kiếm tiền cho kẻ lưu manh. Lần đầu tiên trong cuộc đời cô đơn lẻ loi giữa dòng đời xô bồ ấy,
Nhị Bách Ngũ mới có được sự quan tâm của người khác. Cô bé cảm thấy vui vì được ai đó nói chuyện và càng vui hơn khi mình có thể giúp đỡ người bạn của mình. Với sự thiếu hiểu biết về cuộc sống, về xã hội và về giới tính của cô gái mới lớn này, khiến em trở thành nạn nhân của sự lừa lọc mà không hề hay biết.
Tên Khỉ Quậy đó đã lợi dụng tâm hồn non trẻ kia để kiếm chác cho mình. Sau bao nhiêu lần Nhị Bách Ngũ phải ngủ với người khác nhưng hắn ta vẫn chưa trả hết nợ, và Nhị Bách Ngũ phải làm “chuyện ấy” cho đến năm mười tám tuổi. Có người lái xe thấy Nhị Bách Ngũ là một con người rất thú vị, anh ta muốn cô bé sẽ đi cùng mình trên những chuyến xe. Cô bé đồng ý cùng người lái xe đi ra thành phố. Nếu như hôm đó người lái xe không đi giải quyết chuyện gia đình thì có lẽ đời cô bé sẽ khác đi. Vừa thoát khỏi “sóng gió” này cô lại rơi vào sóng gió khác. Tất cả ập đến với cô gái này một cách nhanh chóng. Thoát khỏi Khỉ Quậy, Nhị Bách Ngũ lại bị tên lưu manh già ép tiếp khách ở thành phố, lợi dụng thân xác của cô gái ngây ngô này để kiếm tiền cho chúng hút chích. Cảnh “làm đĩ” luôn bị giày vò về thể xác lẫn cả tâm hồn khiến cô thèm khát được nghe nói “anh yêu em”, một nỗi niềm khát khao cháy bỏng. Một đoạn hội thoại ướt át trong phim cổ trang hài hước của Châu Tinh Trì lại khiến Nhị Bách Ngũ “nói người mà nghĩ đến mình”, buồn bã như đánh mất cái gì đó. Nỗi thèm khát được yêu đương trỗi dậy trong Nhị Bách Ngũ. Ngẫm lại cuộc đời mình đã trải qua bao nhiêu người đàn ông, nhưng cô chỉ toàn nhận được sự đau đớn về thể xác và nhục nhã cho thân con điếm của mình, chưa một lần được nghe những lời ngọt ngào dù là giả dối. “Từ nhỏ Nhị Bách Ngũ chỉ quẩn quanh bên những con ngựa, con voi, hình nhân bằng giấy bồi, lớn lên cũng gặp người này người nọ, nhưng người sống cũng không khác gì người giấy, chẳng ai đem lại cho cô sự ấm cúng và thân tình. Những gã đàn ông ăn nằm với cô, giày vò thân thể cô nếu không im lặng chẳng nói câu nào thì cũng gào rú những thứ tởm lợm như “tao đ. Mày”, “tao thịt mày”…Có những gã còn bồi thêm chữ “chết” phía sau mấy động từ đó, cứ như có thù oán với cô, khiến cho phần dưới của cô rất đau, tâm tư cũng không thoải mái”[20,318].
Bằng sự trải nghiệm của mình, Trương Hiền Lượng đã cho chúng ta thấy được một sự thật về số phận của những “trẻ em đường phố”. Đó là những cuộc
sống đầy rẫy những “sóng gió”. Bao nhiêu tai hoạ đều có thể xảy ra với cuộc đời của các em. Xây dựng nên kiểu con người này nhà văn muốn chúng ta hãy có những cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống, về con người trong xã hội đương đại Trung Quốc nói riêng và cho toàn nhân loại nói chung. Nếu như xã hội quan tâm nhiều hơn nữa đến những mảnh đời bất hạnh, những trẻ em cơ nhỡ, thì đâu có những số phận con người có thể bị lãng quên. Những đứa trẻ lang thang đầu đường ngõ hẹp không tên tuổi, không quê quán. Cuộc sống của các em luôn bị đe doạ bởi những màn đêm đen tối. Các em cần có sự chở che của xã hội, của những tình thương, niềm khao khát được như bao đứa trẻ khác có một căn nhà ấm êm.
Một tỉ sáu đã phơi bày trước mắt chúng ta những số phận nghiệt ngã ấy Những đứa trẻ như Nhị Bách Ngũ đang tồn tại đầy trong xã hội kia. Mấy ai có thể hiểu hết được nỗi lòng của nó. Trương Hiền Lượng đã sẽ chia một cách rất chân thành, bằng cái nhìn cảm thông đối với những đứa trẻ bất hạnh.
Đọc Một tỉ sáu ta có thể thấy được ở đó những số phận con người khác nhau đã được nhà văn khai thác một cách triệt để. Mỗi nhân vật trong tác phẩm là đại diện cho mỗi kiểu con người của xã hội. Có thể nói rằng, khám phá những kiểu con người trong Một tỉ sáu ta sẽ có được một sự nhìn nhận đánh giá khách quan hơn về xã hội Trung Quốc đương đại.