Kiểu “chân dài” rơi vào “bước đường cùng”

Một phần của tài liệu Vấn đề con người trong một tỉ sáu của trương hiền lượng (Trang 29)

B. NỘI DUNG

2.2.2. Kiểu “chân dài” rơi vào “bước đường cùng”

Một tỉ sáu là thế giới của những đại gia, những “chân dài”, cuộc sống với đầy rẫy những biến động lớn. Xã hội phát triển đi lên, các “đại gia”, “chân dài”

ngày càng chứng tỏ vị thế của mình. Trương Hiền Lượng đã xây dựng hình ảnh các cô gái “chân dài” bởi cuộc sống mưu sinh đã đưa đẩy họ vào những rối ren của cuộc đời, chân lún sâu vào bùn đen của xã hội. Các “tiểu thư” thời @ đầy rẫy trên phố. Họ là những cô gái tuổi thanh xuân đã bán đi cuộc đời mình cho các “đại gia”

để lo cho cuộc sống, “tiểu thư” trở thành nghề hái ra tiền trong thời hiện đại. Với các nhân vật như Lục Thư, San San, Nhị Bách Ngũ, những cô gái ở quán cắt tóc

Phượng Thư, những cô gái trong quán bar chỗ San San làm trước khi gặp Vương Thảo Căn, Hoàng Tiểu Mai,….Những cô gái đến từ những vùng miền khác nhau, mỗi cô một nét đẹp riêng, và cái đẹp chính là đặc điểm chung của họ.

Các chân dài có nhan sắc nhưng lại gặp hoàn cảnh không may mắn, kế sinh nhai, miếng cơm manh áo đã đẩy họ đến những “bước đường cùng” bán thân, cho những kẻ thừa tiền ăn chơi.

Bằng con mắt quan sát rất tinh tế về thực tại xã hội, Trương Hiền Lượng đã xây dựng khá thành công về con người và cuộc đời của những “chân dài” này. Phải chăng là “hồng nhan bạc phận” hay tự chính họ đã đưa họ đến gần với cuộc sống ấy, cuộc sống của những phấn son. “Đồng tiền” đã chi phối tất cả, từ tình cảm con người cho đến vật chất. Tất cả gói gọn trong một chữ “tiền”. Có tiền mới có địa vị, vậy thì thử hỏi làm thế nào ở giữa chốn thị thành nhiều cám dỗ này có chỗ dung thân cho những “chân dài” này?

Chính cái xã hội luôn tồn tại những vấn đề băng hoại về đạo đức, nên cuộc sống con người cũng bị kéo theo guồng quay đó. “Có ai muốn làm tiểu thư đâu hả ông? Nhưng lên thành phố mà không làm tiểu thư thì em biết làm gì? Em chả nói với ông đó rồi, trong thành phố rộng lớn này làm gì có chỗ dung thân cho em! Em không làm việc đó thì sao giúp đỡ cho bố em và em trai em được?”[20,89]

Những lời tâm sự ấy rất chân thật. Đâu phải ai cũng muốn mình rơi vào cảnh làm “tiểu thư” như thế, nhưng số phận trớ trêu giữa một xã hội hiện đại buộc cũng phải như vậy thôi. Suy cho cùng tất cả cũng chỉ vì “đồng tiền” mà gây nên mọi chuyện phức tạp, buộc con người ta phải sa vào “bước đường cùng”.

Không phải những “chân dài” đều có số phận giống nhau, hoàn cảnh như nhau, có những người vì nghèo nên phải lên thành phố để kiếm kế sinh nhai nhưng cũng có những cô có gia đình đàng hoàng, nhưng vì cái nghiệt ngã của cuộc đời đã đẩy họ vào thân “bướm đêm”. Hoàng Tiểu Mai một nhân vật tuy chỉ được nhắc đến rất ít nhưng cô là hiện thân cho một số phận nghiệt ngã. Một thời xinh đẹp, nhan sắc lẫy lừng, lập gia đình sinh con nhưng hoàn cảnh khó khăn, con cái bệnh tật, chị phải đi thắt ống dẫn trứng, rồi chồng đòi li dị để kiếm con riêng, chị phải lưu lạc lên thành phố, bị tên ma cô ép làm “bướm đêm”, bị bắt vì tội mại dâm.

Cuộc đời chị tưởng chừng sẽ hạnh phúc khi có anh quản giáo nơi trại giam đã cưới chị, nhưng chị lại rơi vào cảnh tù tội vì đã không cứu được đứa con chồng. Quá phũ phàng cho kiếp người phụ nữ này, dường như không có điều gì là công bằng trong xã hội hiện đại này cả.

Lục Thư xinh đẹp và có một cuộc sống bình yên ở miền quê cùng với gia đình. Mẹ cô mất sớm nên mọi việc trong gia đình Lục Thư đều một tay cô lo liệu. Vì cuộc sống nghèo khổ, vì thương em trai và muốn em được học hành đàng hoàng, cô đã từ bỏ ước mơ của mình, tạm biệt quê hương lên thành phố kiếm việc làm. Thành phố xa hoa lộng lẫy, nhưng đầy rẫy những cám dỗ, đã đưa Lục Thư đến với nghiệp “tiểu thư”- con đường cùng buộc cô phải lựa chọn. Vừa đặt chân đến mảnh đất kinh kì này cô đã gặp được Phượng Thư, tuy là người đàn bà được xem là Tú Bà nhưng là một con người rất tốt và yêu thương cô chân thành, xem cô như chị em vậy. Ở lại tiệm làm tóc của Phượng Thư, Lục Thư cũng kiếm được chút ít từ công việc dọn dẹp, giặt giũ, để gửi về quê cho người cha.

Những tháng ngày ở thành phố, chứng kiến cuộc sống của các cô gái ở tiệm làm tóc, Lục Thư quyết định sẽ đi tìm công việc khác. Cô không muốn sống mãi ở cái chốn phức tạp ấy. Trời chẳng chịu chiều lòng người. Những tưởng sẽ có công việc ổn định là làm thư kí tại một công ty, nhưng đó chỉ là cái mác giả danh, thư kí chẳng qua là bồ nhí cho giám đốc. Thất vọng, cô trở về quán Phượng Thư tiếp tục công việc lâu nay của mình. Nhưng cuộc sống này không chịu buông tha cho cô. Giữa lúc không tìm được một công việc gì để kiếm tiền thì gia đình cô lại gặp chuyện. Trận mưa lịch sử ở quê đã đẩy Lục Thư đến bờ vực thẳm. Nhà sập, bố bị thương phải nằm viện. Những sóng gió trong cuộc sống này đã đẩy Lục Thư vào bước đường cùng. Cô lấy đâu ra một lúc nhiều tiền như vậy để gửi về quê cho bố chứ? Không còn lựa chọn nào khác, cô buộc phải “bán trinh” cho “đại gia” để lấy tiền. Từ đây cô đã chính thức bước chân vào thế giới của các “tiểu thư”. Lần “bán trinh” mang lại cho cô rất nhiều tiền nhưng cũng đẩy cô vào cái nghề không thể bước ra được.

San San không giống với Lục Thư. Là một cô gái thành thị được ăn học tử tế, nhưng sự phản bội của người chồng khi cô có mang đã đẩy liên tục cô đến với

những trớ trêu trong cuộc sống . Cuối cùng cô vào làm tiếp viên tại quán bar. Chính cái xã hội băng hoại đã đẩy những cô gái này vào “bước đường cùng” của cuộc sống.

Bởi thế mà San San đã đúng khi nhìn nhận về thực tại xã hội mình đang sống: “xã hội hiện nay, cơm áo gạo tiền cũng không xuềnh xoàng được nữa, phải không nào? Nhìn thấy các cô gái mặt mũi, dáng dấp không bằng mình mà làm gái, tiền kiếm được một đêm nhiều hơn tiền lương mà mình vất vả làm cả tháng trời; rồi người ta mặc hàng hiệu, cho dù là hàng hiệu rởm thì cũng vẫn là hàng hiệu, lại được cùng khách ra vào nhũng khu vui chơi….”[20,77]

Vậy thì không việc gì phải “gìn vàng giữ ngọc tấm thân”. Trong cái xã hội này, mấy ai còn coi trọng việc ngọc vàng nữa mà giữ đây? Trương Hiền Lượng đã vạch ra cho chúng ta thấy rất rõ số phận của những cô gái “chân dài”, để từ đó họ nói lên được tiếng nói của chính mình. Xã hội băng hoại ngày nay đã dồn con người đến bước đường cùng, muốn được sống bình yên như người bình thường mà đâu có được.

Có thể nói cuốn tiểu thuyết Một tỉ sáu của Trương Hiền Lượng là một thế giới không tình yêu. Con người lãnh cảm với mọi thứ. Họ chỉ biết sống và làm theo bản năng, việc lấy vợ, lấy chồng sinh con dường như cũng chỉ là nhiệm vụ, là trách nhiệm cần phải làm. Họ không cần giữa hai trái tim có cùng chung một chí hướng hay không, chỉ cần thoả mãn sự ham muốn thể xác, thì mọi chuyện có thể được giải quyết. Thương cho số phận của những “tiểu thư”, họ làm cái nghề mua vui cho những kẻ lắm tiền, có tiền họ sẵn sàng lao vào như những con thiêu thân, không biết cảm giác sau những lần chung đụng thể xác với bao nhiêu đàn ông, sẽ như thế nào. Những “đại gia” luôn hào phóng, sẵn sàng vứt cả chục triệu tệ để “mua trinh”, và họ chỉ gặp nhau khi cần đến nhu cầu sinh lý, xong việc xem như không biết nhau.

Lục Thư đến với cảnh sát Đào cũng xem là một tình yêu. Nhưng Đào đã có vợ và họ sống với nhau chỉ là với danh nghĩa người tình, ở bên nhau trong tình yêu và cả sự ham muốn thể xác. Dành cả sự trân trọng và rung động của con tim mình cho viên cảnh sát đã bao lần cứu nguy cho sự nghiệp “tiểu thư” của cô, Lục Thư

can tâm tình nguyện làm người tình của viên cảnh sát nổi tiếng này. Đằng sau cái tâm hồn nhỏ bé của người phụ nữ này là cả những bầu trời của lo âu, lo một ngày nào đó anh sẽ không yêu cô nữa. Tình yêu của cô và anh như một sợi chỉ mong manh. Ở bên anh, cô luôn có những thèm khát dục vọng mãnh liệt. Phải chăng tình yêu mà nhà văn đề cập đến nó chỉ dừng trong sự ham muốn của bản thân, đầy tròn tác phẩm là sự ham muốn làm tình cả trong mọi suy nghĩ và trong mọi hành động. May ra chỉ có Nhất Ức Lục là ngây thơ trong sáng, cậu thiểu năng nên mọi vấn đề về giới tính, về tình dục cậu chưa một lần nghĩ đến. Nhưng tận sâu trong những giấc mơ hằng đêm, Nhất Ức Lục vẫn có sự ý thức về giới tính của mình, cậu chậm hiểu về thế giới bên ngoài nên chưa hiểu biết về cuộc sống và con người trên trái đất này. Những lần bị “dị mộng tinh” trong giấc ngủ sâu cho ta thấy rằng chính cậu bé thiểu năng này cũng có những ham muốn bản năng làm người của mình.

San San đến với Vương Thảo Căn cũng không phải là xuất phát từ tình yêu không giới hạn tuổi tác. Cô đến với vị “đại gia” này cũng chỉ vì hai con người có được sự hiểu biết về nhau. Họ có thể thông cảm cho cuộc sống của nhau. Và hơn thế cái San San cần là chỗ dựa và cái mà Vương Thảo Căn cần là có một đứa con trai để nối dõi sự ngiệp của mình. Vì San San trẻ nên ông ta nghĩ rằng chỉ cần thoả mãn trên thân xác của nhau, với kinh nghiệm làm tình của San San họ sẽ có được một đứa con trai như ý. Có ai trong tác phẩm này đến với nhau mà không hề vụ lợi của cá nhân, họ không toan tính điều này thì cũng suy xét điều kia, tất cả đều vì mục đích thoả mãn cho bản năng làm người của chính họ.

Nếu như có những nhân vật không có sự toan tính thì họ lại sống âm thầm và lặng lẽ như một cái bóng, không có tiếng nói, không có mục đích tiến thân như bà cả và bà hai của Vương Thảo Căn. Tất cả dường như trở nên mơ hồ trong cuộc sống của họ. Tình cảm cha con cũng trống rỗng, không có giá trị trong cuộc sống này. Một người cha chỉ lo cho bản thân mình mà không quan tâm đến việc con cái mình sống ra sao, chỉ biết nhận tiền và thế là đủ, khi về già vẫn chỉ muốn có một người phụ nữ ở bên, không nghĩ ngợi điều gì cho con cái – thế mà vẫn xứng đáng làm cha ư? Thật là một thế giới con người kì lạ. Đó liệu có phải là sự phán xét cho xã hội loài người ngày hôm nay không? Vậy thật ra, điều mà nhà văn muốn nói đến

là gì khi mà một thế giới con người chỉ sống trong bản năng ham muốn làm tình, không có một tình yêu thuần khiết.

Con người trong xã hội này sống theo bản năng của chính họ. Trước lúc ra đi đến với một thế giới khác thường là những lời trăng trối cho người thân, nhưng ông già bé nhỏ bạn với Lục Thư lại muốn ngắm cái thân hình đẹp của Lục Thư. Trước lúc chết trong ông vẫn tồn tại những ham muốn nhục dục: “Này! Em hãy cởi áo để tôi có thể ngắm nhìn cơ thể tuyệt đẹp của em, như thế là tôi mãn nguyện lắm rồi!...Mặt ông già sáng lên, ông nhếch mép rộng hơn vui mừng tràn trề bên nữa mặt chưa bị liệt của mình”[20,239]

Đọc Một tỉ sáu không thể không thấy xót thương cho số phận của những

“chân dài”, có nhan sắc nhưng muốn tồn tại trong xã hội thời @ này phải biết chấp nhận, chấp nhận số phận của chính mình trong dòng đời lưu lạc, chốn hồng quần nhiều thị phi, cũng đành phó mặc cho số phận mà thôi. Họ biết phải làm gì nữa đâu. Họ chỉ có cách duy nhất để tồn tại đó là phải dựa vào thế lực của các “đại gia”. Sự nâng đỡ của các đại gia sẽ là chỗ dựa vững chắc cho sự tồn tại của chính họ. Không phải ai cũng may mắn được các đại gia bao, cái may mắn đó chỉ có thể đến với một số trường hợp như Lục Thư và San San mà thôi. Cuộc sống của họ trong nhung lụa, có tiền ắt hẳn sẽ có địa vị, tự nhiên thế lực của họ cũng được nâng cấp lên tầng cao mới. Một sự thật phũ phàng nhưng như thế mới đúng là xã hội đương đại Trung Quốc mà Trương Hiền Lượng đã lột tả một cách sắc nét trong Một tỉ sáu.

Một phần của tài liệu Vấn đề con người trong một tỉ sáu của trương hiền lượng (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)