B. NỘI DUNG
2.2.3. Kiểu “quan tham” sống nhờ vào “đồng hào có ma”
Đứng giữa vòng quay của thời đại mới, khi những điều kiện vật chất càng chứng tỏ vị thế của mình, con người rơi vào sự bon chen tầm thường. “Đại gia”
ngày càng nhiều thì các “quan tham” cũng nhiều. Quy luật cung cầu ngàn đời vẫn thế. Kiểu nhân vật này không mới nhưng nó chính là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự xuống cấp của xã hội, đồng thời cũng là một yếu tố làm cho thế giới nhân vật trong Một tỉ sáu thêm phần đa dạng, phong phú.
Kiểu “quan tham” sống nhờ vào “đồng hào có ma” là một kiểu con người khá phổ biến trong văn học từ các thời kì trước. Việc khai thác kiểu con người trong giai đoạn văn học đương đại của Trung Quốc cho thấy một cái nhìn bao quát
về bức tranh cuộc sống của xã hội Trung Quốc. Trương Hiền Lượng đã lột tả được bộ mặt của những tên “quan tham” này. Đại diện cho kiểu “quan tham” sống nhờ vào “đồng hào có ma” trong Một tỉ sáu cũng không có gì khác lạ, chủ yếu là những ông to bà lớn, những kẻ chỉ biết “ngồi mát ăn bát vàng”. Đó là tên trưởng thôn ở miền quê nghèo của Vương Thảo Căn cho đến những quan chức trên thành phố C, từ bác sĩ đến cảnh sát, cho đến vị sư trụ trì tại chùa,….mà dường như tất cả mọi lĩnh vực trong xã hội đều tồn tại những con người như thế.
Một trưởng thôn nhỏ nhoi ở một miền quê nghèo nhưng đã nuôi trong lòng một sự tham lam. Lấy lí do “mượn cớ sửa đường, mảnh ruộng cỏn con được khoán bị thôn đòi lại không bồi thường”, trưởng thôn muốn tiệt đường sinh sống của người dân, vét cho đầy túi tham của chính mình, đẩy Vương Thảo Căn phải sa vào cảnh “lang thang ở ngoài đồng kiếm cái ăn như gà bới thóc”.[20,55].
Ở một miền quê nhỏ bé nghèo nàn còn như vậy nữa là ở thành phố, “quan tham” sống nhờ vào đồng tiền của người khác sẽ càng nhiều hơn. Từ những bon chen trong kinh doanh ta nhận ra một điều rằng chỉ có “tiền” mới giải quyết được tất cả. Và những điều đen tối trở nên sáng sủa, con người dường như chỉ chú trọng vào tiền, vào địa vị. Một bên cần tiền còn một bên lại cần địa vị, quy luật tất yếu sản sinh ra những “quan tham”. Và các “đại gia”, “tiểu thư” ngày càng tăng thì
“quan tham” ngày càng nhiều theo.
Thực trạng “quan tham” sống nhờ vào “đồng hào có ma” tồn tại một cách tự nhiên và phát triển ngày càng mạnh. Mọi việc kinh doanh nếu không biết cách dàn xếp công việc với những quan chức thì công việc khó mà thuận lợi. Nhưng chỉ cần biết quan tâm các quan chức hậu hĩnh thôi thì mọi chuyện sẽ thành công rất nhanh chóng. Vương Thảo Căn đã nhận ra điều đó như một quy luật tất yếu. “Ông phát hiện những xí nghiệp quốc doanh này chả khác gì phế liệu. Cũng giống như mua đất, chỉ cần có quan hệ tốt với giám đốc và bí thư nhà máy, thoã mãn yêu cầu của họ thì cấp trên và cấp trên của cấp trên của họ sẽ ra mặt thu xếp. Khi đã gia cố mọi mắt xích trên sợi xích lợi ích là nhà máy đáng giá hai mươi triệu nhân dân tệ thì bỏ ra nhiều nhất hai, ba triệu chỉ công khai và cửa sau tổng cộng không tới bốn triệu tệ là xong”[20,14]. Nói chung chỉ cần có tiền hậu hĩnh thì mọi vấn đề đều sẽ
thuận lợi, kể cả việc thế chấp ngân hàng. Có tiền trong tay, ngân hàng cũng giống như của chính mình mở ra, điều đó cho thấy một sự suy đồi về đạo đức của những quan chức nhà nước như thế nào.
Không chỉ những quan chức mới là những “quan tham” mà chính những nhà sư, người được xem như hình mẫu cho sự từ bi cứu khổ cứu nạn cũng là một trong những nhân vật biểu trưng cho kiểu “quan tham” trong Một tỉ sáu. Lợi dụng lòng tin của mọi người, sư trụ trì nơi Vương Thảo Căn đến xin quẻ đã làm mọi cách để lấy tiền của dân mà không bị ai ca thán. “Đặc biệt ông hoá duyên, dùng danh tiếng của Phật mà làm điểm bán, lấy lịch sử miếu cổ làm thương hiệu, sản phẩm chủ yếu là thẻ. Một tờ giấy xấu mỏng tang ít nhất cũng vài trăm tệ, nhiều hơn thì cả nghìn tệ…”. Vị sư này chủ yếu là tiếp các quan lớn. Bằng con mắt sỏi đời của mình
“nhà sư đáng kính” có thể nhận ra ai là đại gia thực sự.
Không chỉ có thế, chính đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện cũng là những nhân vật đại diện cho kiểu “quan tham”. Họ nhận tiền và chữa bệnh, không nhận được tiền thì bệnh nhẹ cũng thành nặng, bệnh nặng thành bệnh không chữa được. Có tiền thôi chưa đủ, phải có địa vị, danh tiếng thì may ra mới được ưu ái trong mọi trường hợp đến khám chữa bệnh.
Trương Hiền Lượng đã chỉ ra một cách chi tiết kiểu “quan tham” trong xã hội đương đại Trung Quốc. Những tên bảo vệ tại khách sạn, nếu như các “tiểu thư” muốn được yên thân để hoạt động thì phải dúi cho chúng một đồng bạc lẽ, đảm bảo việc gì cũng giải quyết được hết. Đó là lời mà cảnh sát Đào đã cho Lục Thư biết khi cô bị hai tên bảo vệ tại khách sạn mà cô vừa hành nghề bắt giữ. Người ta đã phải bán mình để làm “tiểu thư” nhưng bọn người quen vơ vét ấy vẫn không chịu buông tha, chúng muốn lấp cho đầy cái miệng tham lam thì chúng mới có thể để cho các “tiểu thư” hoạt động êm xuôi. “Nếu cô ném vài đồng bạc lẽ cho bọn bảo vệ thì dù có chuyện gì cũng giải quyết được hết mà có khi bọn chết tiệt đó còn dắt mối cho cô nữa đấy”. Một sự thật không thể ngờ đến nhưng nó lại diễn ra trước mắt chúng ta. Những bọn quan tham luôn nghĩ đến việc sẽ làm thế nào để có thể lấy tiền của người khác mà mình không mất đi một chút công sức nào là vậy. Một thực trạng về thế giới con người đã được phơi bày ra trước mắt, dưới ngòi bút điêu luyện
tài năng của Trương Hiền Lượng, Một tỉ sáu đã thể hiện thành công ý đồ của tác giả khi xây dựng con người trong tác phẩm của mình.
Con người thực tại trước mắt nhà văn là những con người chỉ ham danh lợi, sống với những âm mưu và thủ đoạn nhằm làm đạt được mục đích của mình. Một bước may mắn ai cũng có thể trở thành “đại gia”, một chút thủ đoạn, các “tiểu thư” đều có thể trở thành nữ doanh nhân trọng vọng. Tất cả cứ thế diễn ra một cách kì lạ nhưng lại có thực. Con người chỉ sống trong vòng hào quang mà “đồng tiền”
mang lại. Còn về nhân tính, phẩm giá và đạo đức chỉ là những thứ rẻ tiền không cần phải quan tâm. Xã hội càng hiện đại thì lại sản sinh ra nhiều những con người như thế. Một con người được xem là sự toàn vẹn về đạo đức, phẩm giá của một người tu hành như nhà sư trong Một tỉ sáu mà cũng sống vì danh lợi, vì đồng tiền, lợi dụng sự tin tưởng của chúng sinh, mang trong mình cái mác “cứu khổ cứu nạn”
để thu về cho mình những lợi nhuận khác.
Cũng thật kì lạ, khi một ngôi chùa có phong cách “kinh doanh” hợp với thời đại thì mọi chúng sinh thập phương lũ lượt kéo nhau về. Suy cho cùng người ta chỉ nghĩ đến việc đi cúng lễ những ngôi chùa nào lớn, chùa đó có mang lại lợi nhuận gì không chứ không phải đến chùa là vì lòng thành kính dâng hương lễ phật. Và nhà sư trụ trì đã nhận thấy được cơ hội, ngàn năm khó kiếm đó. Ngồi không mà tiền tự nhảy vào túi ai mà chẳng tham. Vậy nên mọi việc trong chùa đều dần dần được thay đổi theo chiều hướng đi lên khác xa so với lúc vị Cao tăng đầu tiên đến trụ trì.
Khi Vương Thảo Căn cùng tài xế của mình đến, chỉ cần nhìn qua cái xe vị hoà thượng đã có thể đánh giá được đẳng cấp hai bên: “Đừng tưởng người xuất gia không để ý gì đến sự đời, hoà thượng này biết rất rõ về các loại xe con. Xe vị quan lớn chẳng qua chỉ là con Audi, lại là sản xuất trong nước, còn xe mới đến là Benz S600 mà dân chơi thường gọi là Ben lớn”. Chừng đó thôi cũng đủ thấy hoà thượng đáng kính của chúng ta là người như thế nào - rất sành điệu và rất chịu chơi. Hoà thượng này đã đánh vào lòng tin, sự mê tín của các quý ông, quý bà lắm tiền để bòn rút tiền của họ. Thấy tiền tất yếu sự quan tâm sẽ khác đi rất nhiều so với những người không có tiền. Đồng thời ta cũng thấy được một xã hội toàn những “đại gia”. Xã hội hiện đại nhưng con người lại rất mê tín, vì họ làm nhiều điều tham lam
nên ai cũng lo sợ. Trước khi quyết định làm việc gì đó họ lại cuống cuồng lo việc cúng bái, ma chay. Họ có thể bàn luận việc đi lễ chùa nào, quỷ thần ở mọi lúc mọi nơi.
Xã hội toàn những con người như thế, mê tín và chỉ dựa vào những vận may, phó thác số phận cho những quẻ bói bốc được, không có chút niềm tin cho bản thân tự vận động, thử hỏi làm sao có thể chống để cho tương lai của đất nước được chứ. Nhưng tất cả đã hiện ra trước mắt một cách chân thực và rõ nét. Sự thất vọng càng đậm nét hơn khi Trương Hiền Lượng cho các nhân vật tự nhìn nhận về chính mình, về chính những con người trong xã hội mà họ đang sống, không chỉ là nhà sư, mà cả bác sĩ, y tá, tất cả đều giống một khuôn đúc ra. Các bác sĩ, y tá tại các bệnh viện lớn nhỏ đều như nhau, “đồng tiền” luôn đi trước, “đồng tiền” trở thành lời chào hợp lý nhất trong mọi trường hợp. Bằng một giọng điệu hết sức mỉa mai Trương Hiền Lượng đã cho chúng ta thấy được một xã hội hiện đại, có tiền thần thánh cũng như con người. Con người thì ăn nói một cách rất thoải mái, tục tỉu nhưng cũng không thấy phải xấu hổ, nói chuyện một cách bản năng, tuỳ tiện cho thấy những con người không ra làm sao của xã hội Trung Quốc đương đại. Bác sĩ, cảnh sát, giáo viên, tất cả cũng chỉ vì đồng tiền mà họ có thể kiếm được và họ sẽ được gì sau những mối quan hệ, trong những công việc đã qua.
Một tỉ sáu thực sự là một thế giới của những con người xuống cấp về đạo đức, nhân cách trầm trọng, một xã hội mà nhìn đâu cũng thấy tiền, đâu cũng thấy lợi nhuận kinh doanh là hàng đầu. Trương Hiền Lượng đã thể hiện rõ thái độ của mình trước những con người của thực tại - một sự thất vọng về hành vi và về cả nhân cách con người. “Đại gia” nhiều bao nhiêu “chân dài”, các “quan tham” lại càng tăng theo xu thế của thời đại. Nhìn nhận vấn đề một cách sắc sảo, nhà văn đã phần nào nói lên được quan điểm của chính mình, thất vọng về con người trước thực tại, lo lắng cho tương lai của đất nước. Liệu rồi đây con người có thể sản sinh được những thế hệ mới được hay không? Lo âu cho số phận của con người Trung Quốc không biết sẽ đi về đâu, trôi dạt về phương nào?