III. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI FDI Ở NƯỚCTA 1 Sự sụt giảm của dòng FDI vào Việt Nam
2. Sự gia tăng hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoà
Hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài là hình thức đầu tư mà chủ đầu tư người nước ngoài bỏ toàn bộ vốn thiết lập cơ sở sản xuất kinh doanh trên đất Việt Nam, trực tiếp nắm quyền điều hành và quản lý các cơ sở này, chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh nhưng phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam. Hình thức này phù hợp với các dự án có khả năng rủi ro cao, nhu cầu vốn lớn mà đối tác trong nước không đủ khả năng liên doanh hay hợp tác sản xuất.
Như đã chỉ ra ở các phần trên, trong giai đoạn 1988-1999, liên doanh là hình thức phổ biến nhất của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, chiếm tới khoảng 60% số dự án và 70% vốn đăng ký. Tuy nhiên, hiện nay trong số các dự án còn hiệu lực thì hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn về số dự án với 1530 dự án tương đương 56,64% tổng số dự án còn hiệu lực, với lượng vốn đầu tư
10962,091 triệu USD, chiếm 30,17% tổng vốn đầu tư FDI. Nguyên nhân của sự gia tăng này đã được giải thích một phần ở mục cơ cấu FDI theo hình thức đầu tư. Ở đây ta sẽ xem xét sâu hơn về thực chất nội dung của sự gia tăng đó và định hướng chiến lược của chúng ta đối với các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong thời gian gần đây hình thức liên doanh đã bộc lộ nhiều nhược điểm về việc quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh dự án. Bên cạnh đó, Nhà nước ta đã thực sự cởi mở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cho các dự án 100% vốn nước ngoài và đối xử công bằng như đối với hình thức liên doanh nên đã khuyến khích các đối tác đầu tư vào hình thức này. Mặt khác, sau một thời gian đầu tư tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư đã có hiểu biết về pháp luật, chính sách, phong tục tập quán và cách thức hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Do đó, các dự án mới được cấp phép thời gian gần đây chủ yếu là dự án 100% vốn nước ngoài (VNN). Tuy nhiên, rất nhiều liên doanh lớn ở Việt Nam cũng đã hoặc đang xin chuyển sang 100% VNN. Đây là một vấn đề cần được quan tâm xem xét nghiêm túc. Điển hình là P&G Việt Nam (liên doanh giữa công ty P&G Mỹ và công ty bột giặt Phương Đông), công ty Coca-Cola Việt Nam (liên doanh giữa Coca-Cola Mỹ và công ty nước giải khát Chương Dương) đang lỗ lớn và đề nghị giải pháp chuyển sang 100% VNN. Công ty P&G Việt Nam đã được phép thay đổi tỷ lệ góp vốn, phía nước ngoài từ 70% lên 93%. Công ty Coca-Cola Việt Nam đang trong thời gian xem xét song cũng đang có xu hướng thay đổi cơ cấu vốn đầu tư các bên. Công ty BGI Việt Nam sản xuất bia và nước giải khát, liên doanh giữa công ty BGI Pháp với một công ty của Tiền Giang cũng lỗ nặng và đã chuyển sang công ty 100% VNN của BGI và nay thuộc công ty Foster của Úc. Công ty Prezioso chuyên hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ xây dựng của Pháp, cũng bắt đầu ở Việt Nam năm 1992 bằng liên doanh với một công ty Việt Nam. Sau đó, năm 1995 công ty đã xin và được phép chuyển sang 100% VNN. Mới đây, công ty A&B là liên doanh của công ty Đài Loan và công ty Việt Nam thông báo lỗ gần 6 triệu USD, cũng xin chuyển thành 100% VNN. Như vậy, đã xuất hiện xu hướng các liên doanh đang hoạt động chuyển sang hình thức 100% VNN.
Trong vòng 3 năm trở lại đây, có hiện tượng các liên doanh có vốn FDI liên tục khai lỗ, trong khi liên doanh lại là hình thức đầu tư nước ngoài chủ yếu ở nước ta. Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, địa phương có vốn FDI cao nhất nước, tỷ lệ này lên đến 70- 80%. Số liệu dưới đây cho thấy rõ nét tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua:
Số DN \ Năm 1996 1997 1998
Lãi 200 284 279
Lỗ 481 576 702
Nguồn : Thời báo kinh tế Việt Nam, Số 100, 15/12/1999
Không ít ý kiến cho rằng các công ty nước ngoài đã lợi dụng thậm chí lừa gạt bên Việt Nam, để từ chỗ liên doanh, làm cho lỗ nặng rồi lại xin chuyển sang 100% VNN. Công ty Việt Nam mất cả chì cả chài. Họ giúp phía nước ngoài lo các thủ tục pháp lý để liên doanh, lập văn phòng, xin phép khuyến mãi, giúp làm quen với thị trường Việt Nam. Khi liên doanh rồi không được quyền điều hành, lúc lỗ không có vốn góp thêm, đành bán hết phần hùn vốn và cuối cùng là bị xoá sổ doanh nghiệp, cả uy tín và có thể cả vốn. Phía nước ngoài cậy thế góp nhiều vốn đã thao túng hoạt động của liên doanh, chi phí không theo kế hoạch của Hội đồng quản trị, kế hoạch đã được nhà nước duyệt trước khi cấp giấy phép. Họ lợi dụng chiêu bài lỗ do các chính sách tiếp thị, quảng cáo, chi tiền lương cho người nước ngoài với các chi phí rất lớn để gạt bỏ dần sự có mặt của các đối tác Việt Nam. Nổi bật như liên doanh Coca-Cola Chương Dương, chi phí quảng cáo, khuyến mại, phân phối sản phẩm, quản lý hành chính chiếm tới 41,77% doanh thu. Tiền chi cho quảng cáo là của liên doanh nhưng sản phẩm quảng cáo lại là sản phẩm của công ty mẹ. Nguyên liệu nhập khẩu của liên doanh hầu như mua theo địa chỉ đã định của phía nước ngoài nên không thể tin vào chi phí đầu vào, có thể liên doanh lỗ mà công ty mẹ của đối tác lại lời. Nên khi chuyển sang 100% VNN đương nhiên họ thu được vốn vô hình là sản phẩm đã được người Việt Nam biết tới nghĩa là họ chiếm được một phần thị trường Việt Nam bằng chi phí quảng cáo khuyến mại, tổ chức thị trường của liên doanh. Chưa kể họ đã tích lũy được kinh nghiệm kinh doanh ở Việt Nam và lại loại được hẳn một doanh nghiệp Việt Nam, với những thương hiệu đã từng có một phần thị trường ra khỏi cuộc cạnh tranh. Hiện tượng bán phá giá sản phẩm để loại bỏ đối tác cạnh tranh, gạt bỏ đối tác liên doanh cũng khá phổ biến mà điển hình là liên doanh Coca-Cola. Một thời gian dài, giá một két Coca-Cola chỉ là 26.000 đồng, thậm chí trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt với Pepsi giá còn hạ xuống 17.000 đồng/két nhưng hiện nay khi đã chiếm được thị phần đáng kể trên thị trường Việt Nam và liên doanh đã trở thành công ty 100% VNN thì mức giá này nhanh chóng được điều chỉnh lên 46.000 đồng/ két. Như vậy các nhà đầu tư nước ngoài đã bắn một mũi tên trúng hai đích.
Tất nhiên, cũng không thể không thừa nhận rằng, nhiều liên doanh thực sự bị lỗ do nhiều nguyên nhân khách quan như nạn hàng nhái, hàng lậu, chính sách không phù
hợp của Chính phủ, yếu kém của các bên liên doanh, sai sót trong quá trình lập luận chứng kinh tế-kỹ thuật của dự án...Phẩm chất đạo đức, trình độ của các cán bộ Việt Nam trong liên doanh cũng là một nguyên nhân gây ra thực trạng trên ở các liên doanh. Nhiều cán bộ Việt Nam thiếu kiến thức chuyên môn, không nắm vững pháp luật cũng như thương trường kinh doanh, lại chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân, im lặng để mặc phía đối tác thao túng vận hành liên doanh.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã không phủ nhận ý định loại bỏ các đối tác Việt Nam từ trước. Theo một số chuyên gia ngành hóa mỹ phẩm cho biết, phía nước ngoài thừa biết vốn đầu tư cho một doanh nghiệp ngành này để đủ sức cạnh tranh trên thị trường không thể là 10 hay 40 triệu USD như một số liên doanh ở Việt Nam đang lỗ và đang xin chuyển sang 100% VNN, mà vốn thực sự cần gấp 2, 3 hoặc 5 lần như vậy. Song khi làm luận chứng ban đầu nếu đưa ra số vốn đó thì phía Việt Nam sẽ không đủ tiềm lực để góp 30% vốn, nên họ đành “gửi từng chân một”. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, thời gian đó chúng ta chưa cho phép các DN nước ngoài đầu tư 100% VNN kinh doanh ngành bia, nước ngọt, mỹ phẩm, dược phẩm..
Để có thể tham gia vào hoạt động liên doanh một cách có hiệu quả thì việc tìm hiểu mục tiêu mà các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm ở đối tác Việt Nam là rất cần thiết. Dưới đây là kết quả điều tra về động cơ mà các hãng tìm kiếm ở đối tác Việt Nam đối với 35 công ty Australian đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó thang điểm được sử dụng là từ 1 đến 5:
Nguyên nhân tìm kiếm đối tác Việt Nam Điểm
Vị trí chiến lược của đối tác 4. 2 Hiểu biết về thị trường nội địa 4.0 Hiểu biết về văn hóa, chính trị, xã hội 3.9 Đòi hỏi của Chính phủ Việt Nam 3.8 Tham gia vào hệ thống tiếp thị, phân phối 3.3 Mối quan hệ trước đó 3.1
Nguồn: Maitland, E., “Foreign Investors in Vietnam: An Australian Case Study”
Một nguyên nhân đặc biệt quan trọng nữa của các hiện tượng trên là sự chưa hoàn thiện của hành lang pháp lý, sự “vắng bóng” của một hệ thống văn bản hoàn chỉnh để quản lý các doanh nghiệp liên doanh nói riêng và các doanh nghiệp FDI nói chung. Đây cũng chính là “lỗ hổng” mà các nhà đầu tư nước ngoài tha hồ vũng vẫy, thao túng doanh nghiệp.
Như vậy, phải thấy rằng sự gia tăng hình thức đầu tư 100% VNN cũng như việc chuyển các liên doanh sang 100% VNN đang trở thành một xu thế. Các nhà hoạch định chính sách đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm đối tác liên doanh, các đối tác Việt Nam đang trong liên doanh cần phải suy nghĩ và rút ra những kinh nghiệm cho riêng mình.
Nên chăng nhà nước có thể khuyến khích hơn nữa hình thức đầu tư 100% VNN. Hình thức này có ưu điểm là các nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm trực tiếp về hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình, giá trị vốn cố định được xác định đúng với giá trị thực của nó. Tuy nhiên, ta khó có thể học tập được kinh nghiệm quản lý kinh doanh và tiếp thu công nghệ hiện đại của đối tác nước ngoài, đồng thời cũng khó mà kiểm soát được đúng thực chất hoạt động của nó.
Đồng thời, tạo mọi điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp liên doanh khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động như thay đổi mục tiêu hoạt động, điều chỉnh thuế suất, áp dụng các biện pháp hỗ trợ sản xuất hợp lý...Đối với các doanh nghiệp liên doanh không nằm trong danh mục đầu tư có điều kiện, được phép chuyển sang hình thức 100% vốn nước ngoài thay vì giải thể hoặc tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, cần lưu ý đàm phán chuyển đổi hình thức đầu tư để bảo vệ lợi ích tổng thể của phía Việt Nam. Hình thức liên doanh có những lợi ích mà các hình thức đầu tư khác không thể có được nhưng chỉ nên tham gia vào những liên doanh mà bên Việt Nam có đủ năng lực về quản lý và tài chính để hoạt động có hiệu quả, đảm bảo được vị thế trong liên doanh. Ta phải có một nguồn nhân lực đủ mạnh để có thể góp tiếng nói có trọng lượng trong điều hành quản lý công ty, trong công tác kiểm tra tài chính của công ty từ các khoản chi phí về quảng cáo, tiếp thị đến lương bổng của người lao động, kể cả cán bộ nhân viên nước ngoài... nâng cao năng lực giám định vốn đầu tư, giám định máy móc thiết bị mà đối tác nước ngoài đưa vào Việt Nam góp vốn.
Mỗi hình thức đầu tư có những ưu nhược điểm riêng, chúng đan xen và bổ sung cho nhau. Vấn đề quan trọng là các nhà quản lý phải xem xét từng lĩnh vực, từng điều kiện cụ thể, có các quyết định phù hợp đối với từng đối tác đầu tư của cả bên nước ngoài lẫn bên Việt Nam để đảm bảo hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam thực sự góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.