Trên cơ sở tìm hiểu yếu tố ca dao trong thơ lục bát Đồng Đức Bốn ở ba bình diện: thể thơ, giọng điệu và hệ thống đề tài, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:
Trên bình diện thể thơ, về cơ bản, Đồng Đức Bốn vẫn sử dụng thể thơ lục bát truyền thống, không có ngoại lệ. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng nhà thơ cũng hết sức cố gắng tạo nên một diện mạo mới cho thơ lục bát thông qua cách ngắt nhịp và sử dụng thanh điệu phá cách, điều này đã tạo nên một nét mới lạ trong thơ lục bát của anh. Có nhiều lúc người đọc còn cảm thấy khó chịu, bởi những vần thơ cứ trúc trắc, gập ghềnh nhưng yếu tố này lại tạo nên hiệu ứng nghệ thuật rõ nét và khiến những điều nhà thơ muốn nhấn mạnh đã thực sự được người đọc chú ý. Không những thế chính sự khó chịu ấy làm nên cái "chất" Đồng Đức Bốn và khi quen ta lại thấy ấn tượng.
Trên bình diện giọng điệu thì Đồng Đức Bốn đã kế thừa giọng điệu thở than tê tái trong ca dao và đây cũng là giọng điệu chủ đạo trong thơ anh. Khi đọc Đồng Đức Bốn người ta như bước vào một thế giới riêng. Thơ lục bát của Đồng Đức Bốn không nhịp nhàng nối tiếp mà cứ như cái gì ngắc lại nghèn nghẹn. Chính cảm giác ấy góp thêm vào cái cảm giác hoang dại quê mùa nói chung.
Nội dung cảm xúc trong thơ Bốn ở giọng điệu này là nỗi buồn đau và cả hờn oán riêng tư nhưng được kìm nén nên tê tái, hậm hực. Sử dụng lối nặng nề hoá, cường điệu hoá của ca dao và Thơ mới, Đồng Đức Bốn đã sáng tạo ở chỗ, nhân thêm mức độ qua những giả định cực tả. Khác với lối đay đả chì chiết của ca dao, Đồng Đức Bốn không hướng vào đối tượng cụ thể nên có tính khái quát và đậm màu sắc triết lí, có tính độc thoại để tạo nên đối thoại ngầm là nét độc đáo trong điệu than Đồng Đức Bốn. Kế thừa kiểu câu định nghĩa trong ca dao và thơ mới, nhà thơ cũng tổ chức kiểu câu
“Danh từ là danh từ” và sáng tạo ở chỗ tạo ra nhiều biến thể làm cho giọng than tăng thêm tính lí sự. Về giọng điệu thơ, Đồng Đức Bốn chuyên chú sử dụng lục bát điệu nói, phá vỡ các nhịp điệu nhẹ nhàng êm ái chuyển sang nhịp điệu trục trặc tắc nghẽn để diễn tả nỗi buồn đau oán hận bị kìm nén. Để tổ chức ngữ điệu nhà thơ cũng phát huy lối láy, lối lặp dán cách của ca dao và lối láy liên tiếp của Thơ mới; Sử dụng các hình tượng nhỏ bé biểu tượng cho thân phận lam lũ với tần xuất cao. Chúng ta thấy rằng, sắc thái giọng điệu trong thơ Đồng Đức Bốn là một trong những yếu tố tạo nên sức sống của thơ anh. Đồng Đức Bốn đã kế thừa triệt để những tinh hoa của ca dao truyền thống và làm nên một phong cách thơ đặc trưng của mình.
Trên bình diện hệ thống đề tài, chúng tôi thấy hệ thống đề tài thơ lục bát Đồng Đức Bốn có rất nhiều điểm tương đồng với ca dao. Trước Đồng Đức Bốn thì Nguyễn Bính, Nguyễn Duy cũng rất thành công khi lấy cảm hứng từ ca dao truyền thống. Đến Đồng Đức Bốn thì có nhiều phá cách, những hình ảnh xưa nay ta quen thấy ở ca dao nay lại hiện ra với một dáng vẻ mới trong thơ lục bát của Đồng Đức Bốn, chẳng hạn như cây trúc xinh mọc ở bờ ao trong ca dao nay là cây trúc tương tư, lẳng lơ trong những câu thơ của Đồng Đức Bốn. Anh đã đem đến cho cái nhìn về văn hóa truyền thống, đó là những điều độc đáo, có thể nói đó là những thứ mới lạ nhưng không xa lạ. Vẫn là khung cảnh làng quê, những con người nơi thôn quê nhưng trong thơ Đồng Đức Bốn nó mang dấu ấn thời đại đậm nét. Và đặc biệt là những hình ảnh đó vẫn thân thuộc đối với chúng ta nhưng chúng ta không có cảm giác chúng từ đời thường bước ra nữa mà là từ thế giới của nhà thơ bước ra. Cá tính sáng tạo của nhà thơ là ở chỗ đó, những điều mà ta thấy rất quen thuộc nay lại được khoác một dáng vẻ mới, khó hình dung, khó nắm bắt hơn.
Đồng Đức Bốn là nhà thơ sử dụng nhiều lối nói dân gian, có cái gì vừa thô mộc, vừa hoang dại lại rất ý tứ, ẩn chứa những triết lí sâu xa. Nhà thơ và những dòng lục bát của mình đã lại một lần nữa cho thấy thể thơ lục bát
quả thực là ưu thế của tiếng Việt. Những vần thơ của anh cứ như từ ca dao, dân ca mà đi ra, nó khiến người đọc như bị bỏ bùa, bởi sự giản dị và gần gũi đầy lôi cuốn. Thơ lục bát đúng là hồn Việt và Đồng Đức Bốn là một thi sĩ Việt Nam đến tận cùng sâu thẳm. Những câu thơ lục bát của anh cứ đọng lại và vang vọng trong tâm hồn đến nỗi ta cứ có cảm giác đã nghe chúng ở một nơi nào đó, và khi đã nghe rồi thì nó cứ dư ba mãi trong lòng người.
Chính nhờ biết cách khai thác mạch nguồn truyền thống mà Đồng Đức Bốn đã tạo nên một phong cách riêng cho mình, không lẫn với bất cứ ai. Có nhiều nhà thơ cũng lấy cảm hứng thi ca từ ca dao, dân ca, nhưng cách thể hiện thì có lẽ Đồng Đức Bốn mộc mạc hơn cả, quê mùa hơn cả và cũng vì thế thơ của anh cũng hồn nhiên hơn cả nhưng chúng tôi cũng xin nhấn mạnh đó là cái hồn nhiên không dễ gì mà học được. Anh đã biết khai thác triệt để những ưu thế của thể thơ lục bát dân tộc và làm cho nó thăng hoa nhờ tài năng của người nghệ sĩ. Thơ anh vẫn giữ được hồn của thơ lục bát, vẫn rất giản dị, dân dã, trong sáng nhưng anh đã thổi một luồng gió mới cho thể loại này. Ta thấy thể lục bát thể hiện sự linh hoạt đầy biến ảo trong thơ lục bát Đồng Đức Bốn. Có thể khẳng định rằng thơ lục bát Đồng Đức Bốn đã kế thừa những tinh hoa của thể thơ lục bát dân tộc, không những thế anh đã đem đến cho ngôn ngữ của thể thơ vốn mềm mại uyển chuyển này một sự cách tân táo bạo đó là cái gai góc, hoang dại, ám ảnh chính những yếu tố này vừa đem đến sự hấp dẫn vừa làm nên sức sống của thơ Đồng Đức Bốn.
Chúng tôi hy vọng luận văn này sẽ góp phần lí giải sức chinh phục của thơ Đồng Đức Bốn ở những phương diện quan trọng nhất để có cơ sở nhận diện đánh giá giá trị và tầm vóc của một nhà thơ lớn trong nền thi ca đương đại. Trên cơ sở đó, tiếp tục tìm nghiên cứu và giải mã các tác giả khác có cùng hệ quy chiếu. chúng tôi sẽ tiếp thu những góp ý chân thành để có thể nâng cấp đề tài này trong tương lai không xa.