Thiên nhiên nơi thôn quê

Một phần của tài liệu Yếu tố ca dao trong thơ lục bát Đồng Đức Bốn (Trên 3 bình diện thể thơ, giọng điệu và hệ thống đề tài (Trang 70 - 86)

Đồng Đức Bốn đã từng thổ lộ:

Bao nhiêu là thứ bùa mê

Cũng không bằng được nhà quê của mình

(Gửi Tân Cương)

Hai câu thơ trên đã thể hiện tình yêu đối với quê hương của Đồng Đức Bốn. Anh viết về rất nhiều mảng đề tài khác nhau như cuộc sống chốn thị thành (Chiều mưa phố Huế, Một thoáng đường Trung Tự, Hồ Tây… ), nhưng gây ấn tượng nhất vẫn là những gì thuộc về chốn “nhà quê”. Cảnh quê trong thơ Đồng Đức Bốn chỉ được anh phác họa bằng những nét vẽ đơn giản nhưng rất chân thực và sinh động gắn với những lam lũ và khốn khó. Như bao làng quê Bắc Bộ khác là mái gianh nghèo xơ xác mà đầm ấm, là những con ngõ nhỏ với hoa tầm xuân, hoa râm bụt... Rồi khi ra đến những con đường quê ngày nắng thì gan góc, ngày mưa thì lầy lội ấy vậy mà hai bên đường lúc nào cũng đầy ắp những hoa thơm cỏ lạ của chốn quê mùa. Phía xa là dòng sông quê với những con đò quê như chiếc lá tre thanh mảnh chở khách qua sông sang với bờ bãi bên kia nơi có những cánh diều

no gió. Nói đến quê cũng không thể thiếu những phiên chợ quê với những cảnh trao đổi, bán mua đạm bạc gắn với cuộc sống bao đời nay của những cư dân thuộc nền văn minh lúa nước. Và một phần không thể thiếu là con vật gần gũi nhất với người quê bởi chúng mang kiếp bạc, long đong: con cò, con cuốc, con ve, con sáo (sang sông)... Nhưng có khi chỉ là những con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu như: đàn chim sẻ, tiếng chim hoạ mi, cào cào áo xanh áo đỏ... Tuy nhiên trong sáng tác của mỗi nhà văn những hình ảnh này lại mang dáng dấp, sắc màu và hồn vía khác nhau.

Thiên nhiên nơi thôn quê bao giờ cũng đẹp và thanh bình, ở nhiều sáng tác của các nhà thơ khác cũng vậy, nhưng đến Đồng Đức Bốn ta thấy có một cái gì gai góc, ám ảnh trong những vần thơ của anh, đó chính là cái độc đáo của Đồng Đức Bốn. Nhưng tựu trung vẫn là những khung cảnh thanh bình và nên thơ.

3.1.1 Đường quê

Những con đường quê trong thơ Đồng Đức Bốn là những con đường gập ghềnh sỏi đá, cũng có khi lại lầy lội trong những ngày mưa gió:

Đường bùn tôi lội giữa trưa Đắng cay thì ngậm xót chua thì cầm

(Chín xu đổi lấy một hào)

Bên những con đường ấy không còn những thảm cỏ xanh và muôn vàn loài hoa dại đua nhau khoe sắc mà là những lều quán tạm bợ được dựng nên tạo ra cảm giác chật hẹp:

Lề đường trong những chiếc lều Có cô hàng xén ngồi vêu cả ngày

(Chờ đợi tháng ba)

Không phải là bóng dáng con đường quen thuộc "ngõ trúc quanh co, khách vắng teo", "đường thôn xanh thẫm một loài cỏ non", "hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy", tất cả dường như có cái gì đổi khác, có cái gì đó như là

một dự cảm về cuộc đời nhiều chông gai, khó khăn. Đường quê hiện ra như là đường đời, nó éo le, thảm thương...

3.1.2 Cánh đồng với mưa, nắng, gió chốn nhà quê

Nhà thơ Đồng Đức Bốn đã khái quát về đồng đất chốn quê nhà:

Câu ca mẹ hát như đùa

Mà làm nước mặn đồng chua đổi đời

(Câu ca mẹ hát như đùa)

ở vào từng thời điểm khác nhau cánh đồng ấy lại có một diện mạo riêng. Đó là lúc cánh đồng thảnh thơi khi lúa má đã gặt xong chỉ còn sót lại chút ít rơm rạ cho bầy trẻ trâu tội nghiệp:

Chăn trâu đốt lửa trên đồng Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều

(Chăn trâu đốt lửa)

Nhưng ở rất nhiều bài thơ của Đồng Đức Bốn là cánh đồng hiện lên trong mùa mưa bão, với cảnh lam lũ của người dân quê. Đó là cánh đồng mẹ đi cất vó với bước chân liêu xiêu:

Tôi còn nhớ một cánh diều Mẹ đi cất vó lội xiêu gió đồng

(Nhớ một dòng sông)

Là cánh đồng ngập tràn nước lũ:

ối mẹ ơi đê vỡ rồi

Đồng ta trắng xoá cả trời nước trong

(Vỡ đê)

Sở dĩ mà những cách đồng quê phải hứng chịu những tai biến đó là bởi “cái nắng, cái gió” nơi quê nhà của anh cũng rất khắc nghiệt. Khi nhớ về mối tình cũ, Đồng Đức Bốn có nhắc đến một thứ nắng rất dịu nhẹ:

Vẫn còn trong nắng thấp tho Tôi và em xuống con đò ban mai

Trong khi đó mùa hạ là những trận mưa rào (Đêm qua đổ trận mưa rào) và đặc biệt là cảnh vỡ đê đầy tang thương:

Trâu bò thất thểu long đong Trên bè tre rối bòng bong xoong nồi

(Vỡ đê)

Đọc thơ anh người ta có cảm giác gió mưa như một thứ định mệnh vừa có thể biết trước, vừa không thể dứt bỏ hay trốn chạy được nó:

Chốc nữa thể nào cũng giông Sang đò tôi đến giữa đồng là mưa

(Đi đò)

Thế nhưng cũng có lúc Đồng Đức Bốn nhớ về cánh đồng quê trong mùa thu khi cơn gió heo may thổi một trời heo may:

Hãy về đây với bến sông Với tôi ở giữa cánh đồng heo may

(Hãy về đây với bến sông)

Hay sự lãng mạn của một thi sĩ:

Bên nhà núi đã theo sông

Anh ngồi uống cả cánh đồng heo may

(Anh ngồi uống cả cánh đồng heo may)

Trong ca dao cũng không thiếu sắc thái lãng mạn:

Trên trời mây trắng như bông ở dưới cánh đồng bông trắng như mây

Ba cô má đỏ hây hây

Đội bông như thể đội mây về làng

(Ca dao)

Cái dự cảm về những rủi ro thiên tai và những khó khăn mà thiên nhiên đã gây cho con người thì ở thơ Đồng Đức Bốn gần giống với ca dao:

Người ta đi cấy lấy công Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề

Trông trời trông đất trông mây

Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm

(Ca dao)

Thiên nhiên trong thơ Đồng Đức Bốn rất gần gũi với những người dân quê nhưng nó phong phú đa dạng và nhiều màu sắc hơn.

3.1.3 Trăng, sao chốn nhà quê

Từ căn nhà tồi tàn và những rào giậu, lối ngõ chật hẹp ấy người dân quê vẫn hướng lên trời tìm kiếm ánh sáng của trăng sao như một phép màu từ một thế giới tưởng tượng. Trong một bài thơ viết khi xa xứ Đồng Đức Bốn không chỉ nhớ đến ngõ quê mà còn gắn liền nó với một thực thể khác đó là trăng quê :

Tôi từ ngõ nhỏ ra đi

Gặp trăng trên sóng những khi rất buồn

(Tôi từ ngõ nhỏ ra đi) Bởi khi còn ở quê mình anh đã gặp vầng trăng ấy:

Không em ra ngõ kéo diều

Nào ngờ được mảnh trăng chiều trên tay

(Sông Thương ngày không em)

Vầng trăng nơi quê nhà là mảnh trăng bị chém đứt trong “Cái đêm em ở với chồng” bằng “tiếng vạc” thảm thương:

Ngang trời tiếng vạc mảnh mai Chém trăng đã đứt làm hai mảnh rồi

(Cái đêm em ở với chồng)

Nhưng trước khi gặp phải những tổn thương ấy vầng trăng quê vẫn là trăng của những tâm hồn thơ trẻ (Mồng một lưỡi chai, mồng hai lá lúa,

mồng ba câu liêm, mồng bốn lưỡi liềm… ):

Nếu không trả được bằng tiền Tôi lấy trăng liềm làm bím tóc cho

Trong một trường hợp khác “trăng liềm” hay trăng cong ấy lại khiến người đọc nhớ đến câu thành ngữ: “Mượn gió bẻ măng”. Tác giả thay búp măng ấy bằng trăng:

Tôi giờ còn có ai mong

Mà người mượn gió bẻ cong trăng ngà

(Đời tôi)

“Trăng” quê mảnh mai là vậy còn những ánh “sao” quê trong thơ Đồng Đức Bốn là những “sao dột”, “sao rơi”: Sao rơi cháy cả đôi bờ / Mà

anh thì cứ bơ vơ giữa trời; Đêm nằm sao dột tứ tung. Nhìn chung, trăng ở

thời điểm nào cũng đẹp, cũng đem đến cho con người nhiều cảm xúc, trăng giúp cho cuộc sống thi vị hơn, ngay cả cuộc sống vất vả mà đan cài ánh trăng cũng trở nên nhẹ nhàng, đầy lạc quan:

Hỡi cô tát nước bên đàng Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

(Ca dao)

Trăng sao trong thơ Đồng Đức Bốn thường gợi những cảm giác cô đơn, lẻ loi nên toàn là mảnh trăng, trăng buồn... đó là tâm trạng và nỗi niềm của thi sĩ.

3.1.4 Những cánh diều quê

Với Đồng Đức Bốn cánh diều không mang lại sự phóng khoáng, rộng mở cho không gian mà bao giờ cũng gắn với những tình huống khá đặc biệt:

Không em ra ngõ kéo diều

Nào ngờ được mảnh trăng chiều trên tay

(Sông Thương ngày không em)

Hay:

Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai nướng để cả chiều thành tro

Một anh mang nặng chữ yêu Một em nối gió cho diều lên cao

(Hoang vắng)

Cánh diều của Đồng Đức Bốn là cánh diều trong những tình huống trớ trêu, éo le, bởi thế lúc nào nó cũng là cánh diều đứt của cái phiêu lưu bất thành. Thậm chí nó còn là cánh diều tái tê, dường như thiên nhiên trong thơ anh là thiên nhiên được nhìn từ một tâm hồn luôn đau đáu với nỗi khổ cực mà nông dân phải chịu. Ngoài ra, thiên nhiên còn biểu hiện những tâm tư, cảm xúc cá nhân của nhân vật trữ tình. Cánh diều trong thơ anh là minh chứng điển hình cho điều đó.

3.1.5 Sông quê, đò quê

Hình ảnh dòng sông và con đò rất phổ biến trong ca dao, không chỉ là hình ảnh thiên nhiên mà nó còn biểu hiện bao tâm tư, tình cảm của nhân dân ta xưa:

Thuyền về có nhớ bến chăng Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

(Ca dao)

Ba hình ảnh quen thuộc: cây đa, bến nước, con đò vẫn xuất hiện trong thơ anh nhưng hiện lên bằng một nhịp sống rất nhanh:

Cây đa mong chuyến đò ngang Đò ngang nhớ gió rộn ràng qua sông

(Đã đành ngang dọc sơn hà)

Sông quê trong thơ anh là “sông mưa” với nỗi thất vọng khi mong ngóng người tình :

Sông mưa tầm tã trong chiều Tôi ngồi tôi đợi người yêu tôi về

Tôi ngồi đợi chán đợi chê Người yêu tôi vẫn chưa về sông mưa

Là con sông lắng đọng phù sa:

Sông giờ đã lắng phù sa Sao mà cây cải nở hoa vẫn buồn

Nỗi buồn ấy có thể cảm nhận được bằng xúc giác khi nó hiện hữu như thân bèo trôi dạt:

Vớt buồn trên mặt sông trôi Bây giờ vẫn chỉ mình tôi giữa dòng

(Sang sông) Dòng sông buồn ấy cũng là dòng sông đầy gai góc:

Là sông cứ tưởng mình dài Hoá ra cũng chỉ bằng hai con sào

Đã nông lại lắm gai rào

Tưởng trong sạch thế làm sao vẫn bùn

(Đi qua bến lở sông bồi)

Nói đến sông quê cũng là để gợi một đêm đợi đò trên dòng sông cấm giữa một trời đêm tê tái của người tình:

Cái đêm em ở với chồng Để ai hoá đá bên sông đợi đò

(Cái đêm em ở với chồng)

Cùng với hình ảnh con đò quê ấy là những lúc anh muốn thâu tóm tất cả thế giới này để không mất đi tiếng hát của cô gái như níu giữ một con đò tình:

Sông sâu nước cả em ơi Từ trong câu hát ai người biết cho

Rút trăng buộc lại con đò Thu lời em hát chỉ cho riêng mình

(Đêm sông Cầu)

Đồng Đức Bốn có những câu thơ nói về con đò đầy mĩ cảm gợi cho ta nghĩ đến con thuyền trong Đường thi:

Lập loè dưới gốc cây dừa Thuyền ai đốt lửa khi vừa buông neo

(Viết ở bờ sông)

Nhưng đằng sau tất cả vẻ đẹp ấy vẫn là một dòng sông và con đò mang màu sắc tâm trạng. Nơi mà sớm chiều anh vẫn đi về:

Bây giờ sông hoá lưỡi cưa Để tôi đi sớm về trưa nát lòng

(Sang sông)

Ta vẫn thấy phảng phất trong thơ anh một điều gì đó mong manh, lẻ loi, buồn lặng, dường như đó là cái không khí chung hầu hết các sáng tác của Đồng Đức Bốn.

3.1.6 Đình quê, chùa quê

Cảnh sắc làng quê trong thơ Đồng Đức Bốn cũng được tô điểm bằng những nét truyền thống như đình làng, trúc mọc sân đình, giếng đình. Những hình ảnh này luôn gắn với những cuộc giao duyên tình tự:

Câu thơ nấp ở sân đình

Nhuộm trăng trăng sáng nhuộm tình tình đau

(Cuối cùng vẫn còn dòng sông)

Khi nói đến sự “lây nhiễm tình yêu” của thơ mình với làng quê, anh cũng mượn hình ảnh trúc:

Bài thơ anh viết cho mình Mà cây trúc mọc sân đình tương tư

(Gai rào ngõ quê)

Từ hình ảnh cây trúc (hình ảnh mang tính tả thực) đứng bờ ao trong ca dao đến hình ảnh cây trúc tương tư của Đồng Đức Bốn là cả một chặng đường đổi mới:

Trúc xinh trúc mọc bờ ao Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh

Hay giếng đình là nơi gặp gỡ của người dân quê trong đời sống sinh hoạt (khi mọi người ra giếng lấy nước), Đồng Đức Bốn có cả một câu lục bát để nói về hai sự vật đó:

Không em trúc vẫn sân đình Không tôi giếng vẫn in hình núi cao

(Về lại chốn xưa) và cũng là nơi cô gái quê thể hiện vẻ kiêu sa của mình:

Nhà quê có cái giếng đình Trúc xinh cứ đứng một mình lẳng lơ

(Nhà quê)

Nhưng ở một bài thơ khác “trúc xinh” (Cây trúc xinh) lại là một hình ảnh thật góp phần tạo nên cảnh sắc quê mùa: Bây giờ bên cây trúc xinh / Vẫn còn những bướm rập rình bay đôi.

Với Đồng Đức Bốn đình quê và chùa quê không chỉ gần gũi về khoảng cách địa lý mà còn cả sự gần gũi về không gian tâm linh. Chả thế mà anh đã từng là vị xứ giả của hai thế giới ấy: Mải mê ngồi dựa cột đình /

Nghe sư gõ mõ tụng kinh chiều chiều. Hình ảnh chùa chiền đầu tiên được

nhắc đến trong đó chính là ngôi chùa trong đêm vắng nơi có sợi tơ nhện giăng đến cửa chùa thì tan, nó chính là một biến thể của ngôi đền tình ái:

Cái đêm hôm ấy gió mùa Tơ nhện giăng đến cổng chùa thì tan

(Cái đêm em ở với chồng)

Đồng Đức Bốn cũng nhận ra cái nghèo đói, tiều tuỵ đã thâm nhập vào cả nơi cửa Phật khi thấy thiếu vắng cả tiếng chuông chùa vào mùa giáp hạt:

Tháng ba vắng tiếng chuông chùa; Còn anh đợi chán đợi chê / Vẫn câu lục

bát tái tê của nghèo; Câu thơ ngã xuống đổ xiêu mái chùa… Bởi thế:

Miếu thờ phật tượng ngồi đau Cửa thiền rêu đã lên mầu cổ xưa

Nhiều bài trong thơ anh là nỗi xót xa, đồng cảm với thân phận của những con người lao khổ mà anh gặp hay có lúc là anh liên tưởng đến họ ở chốn chùa chiền:

Chuông chùa tiếng đục tiếng trong Thảo nào cát bụi long đong thân cò

(Viết ở bờ sông)

Đồng Đức Bốn lại có những lúc gần gũi với cửa Phật một cách suồng sã mà vẫn có phần kính nể. Sự sám hối đúng lúc ấy giúp anh không trở thành một kẻ vô đạo:

Vào chùa gọi bụt bằng anh Bỗng đâu sấm nổ tan tành trên không

(Vào chùa)

Tóm lại, trong thơ Đồng Đức Bốn, đình quê, chùa quê vẫn là nơi con người tìm đến sự thanh thản, vẫn là chốn tâm linh thiêng liêng nhưng trong con người anh luôn đau đáu về nỗi khổ cực của bao con người còn lam lũ kiếm từng miếng ăn, nên nhiều khi những bài thơ viết về chùa chiền lại thể hiện một cái nhìn thật nhân ái của anh về cuộc đời.

3.1.7 Mái nhà và mảnh vườn quê

Mái nhà quê trong thơ Đồng Đức Bốn cũng là mái gianh nghèo đã chở che cho tuổi thơ anh lớn lên trong gian khó. Bởi thế nên khi xa quê cái màu nâu xám ấy lại như một ngọn lửa nhỏ giúp anh nhận ra hơi hướng quê nhà:

Đi biển thì nhớ non xanh Xa xứ lại nhớ mái gianh quê nhà

(Gió như Phật vẫn ngồi tu tháng ngày)

Người sống ở sơn khê khi gặp sóng bạc đầu thì nhớ về non xanh còn kẻ xa xứ (quê người) như Đồng Đức Bốn lại nhớ mái gianh (quê mình) bởi dưới mái nhà xơ xác ấy vừa có cái “đồng cam cộng khổ” của những người dân quê lại vừa đầy ắp những ước mơ:

Mái gianh vách đất nhìn trời qua vung Đêm nằm sao dột tứ tung

Tưởng đâu nước mắt người dưng lại về

(Nhà quê)

Nếu như trong thơ Nguyễn Bính quan hệ làng xóm bao giờ cũng mang màu sắc luyến ái khi nhịp cầu bên kia phải là một “cô”, một “nàng” nào đó:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi (Người hàng xóm); Qua bên nhà thấy bên nhà

vắng teo (Qua nhà); Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông / Cau thôn Đoài nhớ

giầu không thôn nào (Tương tư)... Thì với Đồng Đức Bốn, chúng ta có thể

tưởng tượng ra cảnh hai người bạn nối khố nằm vắt tay lên trán cùng nhìn lên mái nhà xơ xác với bốn bên vách đất im phăng phắc, ánh sao rớt xuống ngập đầy gian nhà quê vắng vẻ. Những căn nhà "mái gianh vách đất" mùa giáp hạt chỉ có những ngọn khói “mọc ngang” dật dờ của những lần nổi lửa

Một phần của tài liệu Yếu tố ca dao trong thơ lục bát Đồng Đức Bốn (Trên 3 bình diện thể thơ, giọng điệu và hệ thống đề tài (Trang 70 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)