0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (104 trang)

Xung quanh khái niệm giọng điệu trong văn học

Một phần của tài liệu YẾU TỐ CA DAO TRONG THƠ LỤC BÁT ĐỒNG ĐỨC BỐN (TRÊN 3 BÌNH DIỆN THỂ THƠ, GIỌNG ĐIỆU VÀ HỆ THỐNG ĐỀ TÀI (Trang 44 -53 )

2.1.1 Quan niệm về giọng điệu của các nhà nghiên cứu

Trong phần này chúng tôi chỉ đề cập đến những nghiên cứu có tính chất tiêu biểu của nhà phê bình Hoài Thanh, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử và nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến. Những vấn đề về giọng điệu đã được họ đem ra mổ xẻ và phân tích, chúng tôi chỉ tìm hiểu những phần có liên quan đến đề tài trong những nghiên cứu này như là công cụ để làm sáng rõ hơn những vấn đề về giọng điệu.

2.1.1.1 Quan niệm của nhà phê bình văn học Hoài Thanh

Trước cách mạng, khi nghiên cứu thơ mới, Hoài Thanh đã có nhận xét đúng về các cây bút nổi bật tiêu biểu cho tính đa giọng điệu của thơ ca lãng mạn khi cái tôi ngự trị trên thi đàn. Do hạn chế của lý luận văn học lúc bấy giờ tác giả chưa thể giải thích nội hàm của khái niệm và các yếu tố cấu thành giọng điệu; chưa đề cập đến vấn đề lập trường, tư tưởng, thái độ của nhà văn chi phối giọng điệu như thế nào. Do quan niệm giọng điệu còn có chỗ mơ hồ về lý luận nên nhiều lúc ông đồng nhất giọng điệu với phong cách nghệ thuật của nhà thơ: “Trong lịch sử thơ ca Việt Nam chưa bao giờ có thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ mở rộng như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ vĩ như Chế Lan Viên và thiết tha, rạo rực băn khoăn như Xuân Diệu”. [48, 39]

Ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, trong chuyên luận “Nói chuyện thơ kháng chiến” thông qua thẩm định giá trị thơ từ 1945 - 1951

Hoài Thanh đã đề cập đến giọng điệu thơ ca. Quán xuyến lời bình của ông ở phương diện giọng điệu là sự chi phối của lập trường tư tưởng nhà văn. Trước hết tác giả coi giọng điệu là một trong bốn thành tố (Thể thơ - Điệu thơ - Giọng thơ - Tứ thơ) mà yếu tố chi phối là lập trường tư tưởng nhà văn: “ý nghĩa xã hội và chính trị của thể thơ trong thơ kháng chiến của ta, trái lại, là không thể nghi ngờ. Vì các thể thơ ở đây nói chung đã kết hợp được với điệu thơ, giọng thơ, tứ thơ làm một”.

Tác giả cho rằng việc lựa chọn thể thơ cũng phản ánh thái độ chính trị của nhà văn mà tác giả gọi là: “ý nghĩa xã hội và chính trị của thể thơ”. Hoài Thanh lý giải nguyên nhân của việc các nhà thơ chưa có giọng điệu riêng còn có cái “Giọng pha” của ca dao truyền thống, của thơ ca lãng mạn (1932 - 1945) là do nhà thơ chưa thực sự hoà vào “Tiếng nói của đại chúng”; Tuy họ ở gần quần chúng, đứng về phía quần chúng nhưng chưa hoà vào quần chúng. Nhận thức tư tưởng của họ còn chưa kịp với “đà tiến chung của cách mạng”. Phê phán giọng điệu Thơ mới ông chỉ ra cái giọng “bình yên” thực chất là thái độ thoát ly hiện thực, thoát ly cuộc đấu tranh cách mạng sục sôi lúc bấy giờ, thái độ bàng quan trước thời cuộc: “Trở lại câu chuyện thơ. Thơ hồi bấy giờ cũng đi theo một dòng như vậy. Dĩ vãng không còn đủ cho nó dung thân. Nó tìm về những nơi mà nó tin rằng không có dĩ vãng, không có hiện tại, không có tương lai, những nơi ở ngoài thời gian và ngoài cả không gian. Thơ cũng tìm về Đạo, về vũ trụ. Cái nguy trong lối thơ này là cái giọng bình yên của nó”.

Lý giải giọng điệu thơ Vũ Hoàng Chương sau cách mạng tháng Tám qua bài “Nhớ về Hà Nội vàng son” vẫn còn giọng kêu than giả vờ, lối diễn đạt còn nặng trĩu những từ cổ xa lạ với lối diễn đạt của quần chúng cách mạng cũng là bởi lập trường tư tưởng của họ: Cái tôi chưa thực sự hoà vào cái ta nên có giọng điệu lạc lõng: “Cũng trong bài thơ ấy, liên tưởng tới tình cảm Hà Nội sau ngày toàn quốc kháng chiến, anh viết:

Ngọc đá thành tro ai biết không; Câu sấm tiền triều “phi chiến địa” Sai rồi ôi cố đô Thăng Long!

Chưa nói đến cái giọng điệu kêu rên rất vô lý, ngay chữ dùng cũng đèo theo mỗi chữ một quá khứ nặng nề không thể chịu được: Ngọc, đá, tiền triều, cố đô”. [49, 22]

Khen bài thơ Viếng bạn của Hoàng Lộc, Hoài Thanh cũng cắt nghĩa cái giọng “bình tĩnh” là cách biểu hiện của tinh thần lạc quan cách mạng, bản lĩnh của người chiến sỹ Cộng sản. “Yêu không nước mắt, giận không chửi bới và cũng không phải yêu giận suông. Yêu giận phải đưa đến hành động. Hành động ở đây cũng không phải là một ý thơ mơ hồ. Nó là một sự thực mà nhà thơ đã thấy trước ngay từ giờ, một sự thực bình dị và tất nhiên:

Mai mốt bên cửa rừng Anh có nghe súng nổ Là chúng tôi đang cố Tiêu diệt kẻ thù chung

Cho nên giọng thơ ở đoạn cuối này thật bình tĩnh, không phải cái bình tĩnh của kẻ vô tâm, mà cái bình tĩnh của người biết mình muốn gì, biết mình đi đâu, cái bình tĩnh Bôn – sê - vích". [49, 68]

Nhìn chung nhà nghiên cứu văn học Hoài Thanh tuy không đưa ra định nghĩa về giọng điệu nhưng trong cách phê bình, thẩm định văn chương của ông đã toát lên quan niệm: Giọng điệu là biểu hiện lập trường, tư tưởng, thái độ của nhà văn với hiện thực của cuộc sống.

Cũng trong chuyên luận “Nói chuyện thơ kháng chiến” tuy không bàn sâu nhưng Hoài Thanh đã đề cập mối quan hệ giữa giọng điệu và cảm xúc: Tác giả quan niệm giọng nói trong thơ như sự hình thức hoá điệu tâm hồn: “Từ ngày cách mạng, đại chúng đã bắt đầu lên tiếng trong thơ. Những tiếng nói của đại chúng trong thơ giờ đây còn là những lời bập bẹ. Giọng nói

nhiều khi còn là giọng pha; vì ngay bản thân đại chúng cũng còn vướng nhiều ảnh hưởng phức tạp”. [49, 110]

Như vậy, nhà phê bình Hoài Thanh đã nhấn mạnh đến thái độ, quan điểm lập trường và xúc cảm thẩm mĩ là những yếu tố cấu thành nên giọng điệu. Ngoài ra ông cũng đề cập vấn đề thi liệu nhưng theo chúng tôi thì các yếu tố vừa nêu trên đây bản thân nó đã có sự lựa chọn hệ thống thi liệu rồi, nên không xét hệ thống thi liệu với tư cách là yếu tố cấu thành nên giọng điệu được mà chỉ xem nó như là phương tiện của giọng điệu mà thôi. Chẳng hạn ta thấy Nguyễn Bính khi miêu tả tâm trạng chờ nhau của những đôi trai gái ở làng quê, ông đã sử dụng những thi liệu như, "miếng giầu", "láng giếng", "đỏ đèn", "cả gió", "sương muối"... điều này đã cho chúng ta thấy, thi liệu là phương tiện để biểu hiện xúc cảm thẩm mĩ và đề tài mà nhà thơ hướng đến.

2.1.1.2 Quan niệm của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến

Trong chuyên luận Văn học và học văn, ông Hoàng Ngọc Hiến đã khẳng định sức chinh phục của văn chương một phần quan trọng là ở giọng điệu: “Câu văn có hồn là câu văn có giọng, có ngữ điệu, bởi vì từ ngữ của bài văn được chọn có thông báo nhiều điều quan trọng, nhưng bài văn không có giọng đọc lên vẫn nhạt nhẽo vô vị. Sự phong phú, tính đa nghĩa, ý vị đậm đà của bài văn trước hết ở giọng. Năng khiếu văn ở phần tinh tế nhất là năng lực bắt được trúng cái giọng của văn bản mình đọc và tạo ra được giọng đích đáng cho tác phẩm mình viết. Bắt được giọng đã khó, làm cho học sinh cảm nhận được cái giọng càng khó, công việc này đòi hỏi sáng kiến và tài tình của giáo viên”. [19, 160]

Tuy nhiên, trọng tâm của chuyên luận là vận dụng quan niệm về giọng điệu văn chương để xác định giọng điệu văn chương của Truyện Kiều: “Muốn hiểu Truyện Kiều phải bắt được cái giọng của tác giả trong sáu câu triết luận mở đầu (…). Điều quan trọng hơn cả là cái giọng mỉa mai, hờn

mát, đay đả của tác giả khi nói đến những luật này (…). Từ “khéo là” có bao nhiêu nghĩa thì cái giọng của tác giả biểu hiện ở đây có bao nhiêu sắc thái: Mỉa mai, hờn mát, rờn rợn, châm chọc…”. “Tài mệnh tương đố” không phải là tư tưởng của Truyện Kiều. Triết lý của Truyện Kiều là ở cái giọng của tác giả khi nói về tư tưởng này, nói ở chữ “khéo là” xen vào câu “tài mệnh tương đố”. Cũng như phân tích ở trên “bỉ sắc tư phong”, “hồng nhan bạc mệnh” không phải là tư tưởng đích thực của Truyện Kiều. ở đây cái giọng của tác giả rất rõ. Trước luật cõi đời và luật trời, Nguyễn Du là một người đáo để, với cái giọng đay đả, đay nghiến của ông: “Lạ gì”… ở đây bộc lộ thái độ dè bỉu, bực tức, chán ngán khi ta nói "lạ gì anh ấy” thì hoặc là ta dè bỉu, hoặc là ta bực tức, hoặc là ta chán ngán… anh ấy, chắc chắn không phải là một thái độ thiện cảm. Cái giọng văn của Nguyễn Du khi nói đến luật “hồng nhan bạc mệnh” bao hàm một thái độ đối với “trời xanh”, một cái giọng “sẵng” với thái độ “sắc”. Với cái giọng này và thái độ ấy, nhà thơ có chửi luôn cả Trời thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nếu “Trời xanh quen thói” thì sự “khách má hồng đánh ghen” không thể là một điều tốt lành". [19, 162]

Trong cách khảo sát giọng điệu Truyện Kiều tác giả đã khẳng định: “Tài mệnh tương đố” không phải là tư tưởng Truyện Kiều, triết lý của

Truyện Kiều là ở cái giọng của tác giả khi nói về tư tưởng này. Hoàng Ngọc Hiến cũng khẳng định giọng điệu vừa biểu hiện tư tưởng tác giả vừa biểu hiện thái độ của nhà văn với hiện thực: “Với cái giọng này và thái độ ấy, nhà thơ có chửi luôn cả Trời thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên”. ý kiến của tác giả cùng khuynh hướng với ý kiến của Hoài Thanh nhưng sự lý giải rõ hơn, thể hiện cách nhìn có chiều sâu mới về giọng điệu văn chương. Có lẽ nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đã ý thức rất rõ rằng thái độ, tư tưởng của nhà văn đã tạo nên chất giọng riêng, chính vì thế mà Nguyễn Du đã thể hiện rõ nét cái nhìn của ông về hiện thực thông qua giọng điệu trong

2.1.1.3 Quan niệm của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử là người đầu tiên nhìn nhận giọng điệu bằng cái nhìn hệ thống, khúc chiết theo tinh thần thi pháp học. Trong tác phẩm lý luận: Những thế giới nghệ thuật thơ ông đã đặt vấn đề giọng điệu với tư cách mội đối tượng nghiên cứu lý luận văn học ngang hàng với các đối tượng khác như: Thế giới nghệ thuật, đề tài, chủ đề, phong cách nghệ thuật của nhà văn… Tác giả đã phân biệt giọng điệu trong đời sống và giọng điệu trong nghệ thuật; coi giọng điệu nghệ thuật là một phương diện cấu thành hình thức của văn học. Trần Đình Sử coi giọng điệu là yếu tố động, từ đó đi tới khẳng định sự vận động của văn học thông qua phạm trù giọng điệu. Đặc biệt trong công trình này, ông đã chỉ ra được bản chất của giọng điệu: giọng điệu là sự biểu thị lập trường, tư tưởng, cảm xúc của chủ thể. Các hiện tượng ngôn ngữ được biểu hiện qua lời văn nghệ thuật nhưng về bản chất nó là hiện tượng siêu ngôn ngữ học, nó không tồn tại như một yếu tố cô lập mà “toát ra từ bản thân tác phẩm và nội hàm tư tưởng thẩm mỹ” thành tựu lý luận này đã được ông vận dụng để khảo sát, xác định giọng điệu nghệ thuật của nhà văn và tác phẩm văn học.

Trong công trình nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã tìm hiểu "Giọng điệu nghệ thuật cảm thương trong Truyện Kiều" để khảo sát giọng điệu Truyện Kiều. Trong tác phẩm này, tác giả đã nhiều lần nhấn vào quan niệm giọng điệu là biểu hiện của lập trường tư tưởng, thái độ của nhà văn đối với hiện thực của cuộc sống ở nhiều góc độ.

Có khi tác giả nhấn vào thái độ nhà văn một cách trực tiếp “Giọng điệu là biểu hiện của thái độ, cảm xúc của chủ thể đối với đời sống''. [47, 258]

Có khi tác giả khẳng định lập trường, thái độ nhà văn ở dạng điểm nhìn của chủ thể và quan hệ của chủ thể với đối tượng phản ánh: “giọng điệu thể hiện ở tiếng nói và điểm nhìn của chủ thể, ở quan hệ của chủ thể tác giả đối với cái được miêu tả''. [47, 259]. ở đoạn khác ông Trần Đình Sử

cũng nhấn vào khuynh hướng nghệ thuật của tác giả, cũng là cách khẳng định giọng điệu chi phối bởi lập trường tư tưởng của nhà văn “giọng điệu văn học là hiện tượng “siêu ngôn ngữ học”, phụ thuộc vào cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm, khuynh hướng nghệ thuật của tác giả và của thời đại”. [47, 258]

Nhấn mạnh vào thái độ, lập trường của nhà văn là xác định yếu tố quyết định giọng điệu nghệ thuật của tác giả. Vì vậy hầu hết các tác giả nghiên cứu về giọng điệu văn chương đều khẳng định điều này. Và chính thái độ và lập trường của nhà văn đã chi phối toàn bộ hệ thống đề tài mà tác giả muốn phản ánh cũng như những phương tiện để chuyển tải tư tưởng của mình.

2.1.2 Định nghĩa đầy đủ về "giọng điệu"

Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt do (NXB Đà Nẵng, 2006) có định nghĩa "giọng điệu" theo lối chiết tự nên có đào sâu về ý nghĩa của thuật ngữ. Trong cuốn từ điển này, “giọng” đã định nghĩa như sau:

Giọng:

1. Độ cao thấp, mạnh yếu của lời nói, tiếng hát 2. Cách phát âm của một địa phương

3. Cách diễn đạt bằng ngôn ngữ, biểu thị một thái độ, tình cảm nhất định 4. Gam đã xác định âm chủ

Khái niệm giọng ở đây chủ yếu nói về người chỉ giọng nói của người. Hai nét nghĩa đầu (1 và 2) là khái niệm giọng nhìn ở góc nhìn vật lý. Nét nghĩa thứ 2 (cách phát âm của một địa phương) diễn tả giọng điệu của địa phương hoàn toàn khác với giọng điệu văn chương trong tác phẩm, tuy có ảnh hưởng đến nó. Về điều này ông Trần Đình Sử đã lý giải khá rõ: “Có khi giọng điệu được xem giản đơn là dấu hiệu cá thể hay dấu hiệu địa phương ví như giọng Huế ở nhà thơ này, giọng Nam Bộ của nhà văn nọ” tuy giọng cá nhân và giọng địa phương có góp phần tạo nên sắc thái, song

giọng điệu trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật toát ra từ bản thân tác phẩm và mang một nội hàm tư tưởng thẩm mỹ”. [47, 258]

Chúng tôi cho rằng định nghĩa đầy đủ nhất về giọng điệu là định nghĩa trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học. Tại mục G trong cuốn Từ điển thuật

ngữ văn học do (Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi - đồng chủ

biên, NXB Giáo dục, 2005) có ghi định nghĩa về giọng điệu như sau: “Thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm (…). Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra một tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật. Không nên lẫn lộn giữa giọng điệu và ngữ điệu là phương tiện biểu hiện của lời nói, thể hiện qua cách lên giọng, xuống giọng, nhấn mạnh, nhịp điệu… chỗ ngừng. Giọng điệu là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học. Nó đòi hỏi người trần thuật, kể chuyện

Một phần của tài liệu YẾU TỐ CA DAO TRONG THƠ LỤC BÁT ĐỒNG ĐỨC BỐN (TRÊN 3 BÌNH DIỆN THỂ THƠ, GIỌNG ĐIỆU VÀ HỆ THỐNG ĐỀ TÀI (Trang 44 -53 )

×