Khái quát về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo của Thái Lan:

Một phần của tài liệu phân tích tình hình thu mua và xuất khẩu gạo của công ty MEKONIMEXNS.doc (Trang 80 - 82)

III. ĐỐI THỦ CẠNH TRANH:

1.Khái quát về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo của Thái Lan:

Các đối thủ cạnh tranh về mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam là Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước khác. Nhưng với lượng xuất khẩu là 3,8 triệu tấn / năm 2005, chiếm 13,8% tổng số gạo xuất khẩu thế giới, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai, sau Thái Lan. Do đó Thái Lan là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của ta hiện nay.

- Tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo của Thái Lan:

+ Về sản xuất: Thái Lan có 3,7 triệu hộ gia đình, chiếm 66% của 5,6 triệu hộ nông dân trồng lúa trong cả nước; với diện tích trồng lúa khoảng 62 - 66 triệu rai, đạt sản lượng là 24 – 27,2 triệu tấn thóc/năm, chiếm 4% sản lượng thế giới. 80% diện tích trồng lúa nằm ở khu vực có mưa.

+ Về chế biến: Thái Lan có khoảng 40.000 nhà máy xay xát thuộc cỡ nhỏ và vừa nằm rải rác ở các vùng nông thôn và đã sử dụng từ lâu, thiết bị tương đối cũ đang là nguyên nhân làm giá chế biến gạo tăng dần và chất lượng gạo giảm.

+ Về thị trường trong nước: mỗi năm Thái Lan tiêu dùng nội địa khoảng 13,6 - 14,2 triệu tấn thóc, trong đó 10 - 10,3 triệu tấn dùng trong tiêu dùng trực tiếp, 1 - 1,1 triệu tấn làm giống và chế biến thức ăn gia súc, còn lại dùng để chế biến khác.

+ Thị trường nước ngoài: Thái Lan có thu nhập từ việc xuất khẩu gạo là 70 - 80 tỷ Baht (tương đương 1,583 triệu USD), đứng thứ nhất trên thế giới, chiếm 27% thị phần gạo trên thế giới. Mỗi năm Thái Lan xuất khẩu 5,6 - 7,5 triệu tấn gạo, trong đó gạo có chất lượng tốt chiếm 56,7%, chất lượng trung bình chiếm 6,6%, gạo chất lượng thấp chiếm 18,5%, gạo sấy 28,1%. Dự kiến năm 2006 Thái Lan sẽ xuất khẩu khoảng 7,30 triệu tấn gạo.

Bộ nông nghiệp Thái Lan đang xây dựng chiến lược lúa gạo quốc gia 5 năm 2004- 2008, trong đó tập trung nâng sản lượng thóc gạo thông qua việc áp dụng các biện pháp

kỹ thuật mới tăng năng suất, hoàn thiện hệ thống tưới tiêu và quảng bá thị trường thóc gạo, tăng giá trị xuất khẩu, nâng cao đời sống cho nông dân.

Theo chiến lược này, sản lượng thóc sẽ tăng từ 25,88 triệu tấn (17,20 triệu tấn gạo) niên vụ 2002-2003 lên 33 triệu tấn thóc (21,8 triệu tấn gạo) vào niên vụ 2007-2008. Thái Lan tăng cường xuất khẩu gạo chất lượng cao, như coi trọng xuất khẩu gạo Hương nhài, gạo 100% loại B và gạo 5% tấm sang các thị trường Trung Quốc, Hồng Công, Mỹ, Singapore, Malaysia, Liên minh châu Âu và Iran; tăng khả năng cạnh tranh gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế. Phấn đấu đạt giá trị gạo xuất khẩu 113,25 tỷ Baht (40,64 Baht đổi 1 USD) vào năm 2008, tăng 31 tỷ Baht. Tổng thư ký Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Choroen Laothamatas cho biết sản lượng gạo thơm nước này trong mấy năm gần đây chỉ đứng ở mức 2-3 triệu tấn/năm, các địa phương đang có kế hoạch tăng sản lượng gạo Hương nhài thêm 10% so với năm ngoái.

Thái Lan còn có chính sách thu mua thóc của một số tỉnh của Lào, Myanmar, Campuchia để xay xát, đánh bóng rồi tái xuất; đàm phán với một số nước nhập khẩu nhiều gạo Thái Lan dỡ bỏ rào cản thương mại. Theo Kyodo, tại vòng đàm phán thứ 4 về Hiệp định thương mại tự do song phương, phía Thái Lan đã yêu cầu Nhật Bản bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng nông sản như gạo và gà từ Thái Lan. Phía Nhật Bản yêu cầu Thái Lan dỡ bỏ thuế đánh vào các sản phẩm công nghiệp như ô tô, sắt thép của Nhật Bản. Theo Thông tấn xã Thái Lan, từ ngày 31/8 đến 5/9, tại thủ đô Băng Cốc đã diễn ra Đại hội gạo thế giới, nhằm quảng bá, nâng cao vai trò hàng đầu của Thái Lan trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.

Một phần của tài liệu phân tích tình hình thu mua và xuất khẩu gạo của công ty MEKONIMEXNS.doc (Trang 80 - 82)