Những khó khăn còn tồn tại trên thị trường chứng khoán

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chính sách tỷ giá hối đoái, lãi suất, lạm phát để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.pdf (Trang 73 - 74)

Nếu đưa ra những chỉ số phân tích cơ bản thì các chuyên gia, các định chế tài chính trong nước lẫn quốc tế đều công nhận hiện TTCK Việt Nam rẻ khoảng 30-40% so với TTCK trong khu vực. Về nguyên tắc, rẻ thì dòng vốn phải chảy vào Việt Nam nhưng thực tế thời gian vừa qua có thể thấy dòng vốn nước ngoài chưa chạy vào TTCK Việt Nam. Trong khi ở TTCK Việt Nam, do chính sách kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng nên dòng vốn nội ngày càng giảm, đồng thời với thanh khoản của TTCK ngày càng đi xuống nên niềm tin của nhà đầu tư trong nước cũng bị xói mòn, làm dòng vốn càng bị rút ra khỏi thị trường.

Vì vậy, trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp Việt Nam không có khả năng huy động vốn trên TTCK, khiến nhiều kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ bị phá sản, khả năng thành công của các IPO rất ít. Các doanh nghiệp Việt Nam rõ ràng đang đứng trong bối cảnh rất khó khăn, một đằng huy động vốn vay từ các ngân hàng thương mại càng khó khăn hơn do tín dụng thắt chặt ( NHTM phải tuân thủ yêu cầu tín dụng theo chuẩn an toàn quốc tế từ NHNN), một đằng lựa chọn huy động vốn từ TTCK không thực hiện được. Sự tăng trưởng dưới mức tiềm năng của dòng vốn FPI vào Việt Nam hiện nay là do những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô chưa ổn định và chưa tạo sự an lòng cho các nhà đầu tư. Yếu tố vĩ mô tác động trực tiếp, trực diện đến dòng vốn ngoại là tỷ giá giữa VND và USD chưa ổn định. Khi tiền đổ vào đầu tư mà không tính toán được tỷ giá biến động như thế nào thì rõ ràng các nhà ĐTNN sẽ không dám đánh cược. Đó được xem là rào cản lớn nhất làm dòng vốn nước ngoài hiện tại chưa đổ vào.

Thứ hai, đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đang có nguy cơ giảm sút bởi vì trong điều kiện lạm phát trong nước vẫn cao. TTCK Việt Nam liên tục mất điểm trong những tháng gần đây cho thấy Việt Nam đang bị đánh giá là địa điểm đầu tư có độ rủi ro cao đối với FPI.

Thứ ba, những quy định về tỷ lệ sở hữu 30% vốn điều lệ của công ty đối với người nước ngoài đã và đang cản trở luồng vốn FPI vào Việt Nam. Quy định trên khiến các nhà ĐTNN chỉ có thể là cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần vì bị khống chế tỷ lệ. Trong khi đó, đại bộ phận các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ so với thế giới, vì vậy số vốn đầu tư giành cho nhà ĐTNN thực tế là rất thấp, không đạt yêu cầu về quản lý danh mục đầu tư. Tỷ lệ cổ phần nhà nước còn quá cao trong các công ty cổ phần, trung bình từ 40-51%, do vậy các nhà ĐTNN khó có khả năng tác động cơ bản tới phương thức quản trị doanh nghiệp, nhất là khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh hoặc kinh doanh kém hiệu quả. Đây chính là rủi ro về đầu tư, làm cho cổ phiếu kém tính thanh khoản, khiến nhà ĐTNN luôn bị động.

Thứ tư, FPI vào Việt Nam còn thiếu những cơ sở pháp lý cần thiết. Mặc dù đã nhiều lần sửa đổi và FPI vào Việt Nam được cởi trói thông qua Luật Đầu tư (2005), Luật Doanh nghiệp (2005), Luật Chứng khoán (2007), nhưng những quy định pháp lý dành cho các nhà đầu tư gián tiếp vẫn rất phiền hà, thiếu minh bạch, không đồng bộ. Bên cạnh đó, những hạn chế mang tính pháp lý của Luật Ngân hàng, Quy chế quản lý ngoại hối cũng khiến các luồng FPI đổ vào thị trường Việt Nam một cách khiêm tốn. Ngoài ra, bất cân xứng thông tin và các biện pháp quản lý vốn đầu tư, chất lượng dịch vụ tài chính… cũng góp phần không nhỏ vào việc cản trở vốn ĐTNN trở lại TTCK Việt Nam.

3.3. Một số kiến nghị về chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chính sách tỷ giá hối đoái, lãi suất, lạm phát để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.pdf (Trang 73 - 74)