Có thể khẳng định, tự do hóa đầu tư, ổn định tỷ giá và chính sách tiền tệ của một quốc gia có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Chúng thường được nhắc đến cùng với thuật ngữ “bộ ba bất khả thi”, bởi vì chúng ta không thể nào vừa hội nhập tài chính hoàn toàn vừa có chính sách tiền tệ độc lập đồng thời lại duy trì được một chính sách tỷ giá ổn định. Cả ba luôn phải đặt trong mối quan hệ qua lại lẫn nhau, chính phủ mỗi quốc gia chỉ có thể một phương án tương đối chấp nhận được phù hợp với mục tiêu chính sách hiện thời. Vì thế, một khi chính phủ có động thái và tiến hành thay đổi chính sách tiền tệ (thay đổi lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc…) thì sẽ ảnh hưởng đến hoặc chính sách tỷ giá hoặc chính sách thu hút đầu tư. Dựa vào lý thuyết “Bộ ba bất khả thi”, chúng ta có thể thấy được ảnh hưởng của lãi suất đến vốn FPI dù trực tiếp hay gián tiếp thông qua tỷ giá. Cụ thể, theo lý thuyết, khi lãi suất huy động tăng sẽ làm
giảm lượng vốn vào TTCK trong trung hạn. Ngược lại, khi giảm lãi suất thì lại là những lúc dòng vốn vào TTCK có thể tăng lên mạnh mẽ.
Cuối cùng, chúng tôi muốn đề cập đến lạm phát, một nhân tố mà theo lý thuyết luôn có tương quan cùng chiều với lãi suất. Khi lạm phát của một nước tăng lên thì lãi suất của chúng cũng phải tăng cao do áp lực từ dân chúng, họ muốn tăng lãi suất để bù đắp lại sự mất giá của đồng tiền. Vì thế, khi lạm phát tăng, lãi suất tăng thì FPI sẽ không được kỳ vọng gia tăng trên thị trường chứng khoán. Ngược lại, khi lạm phát được kiềm chế và giảm xuống thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần lấy lại niềm tin vào VND cũng như tương lai của chứng khoán quốc nội.
Trên đây là những phân tích lý thuyết sơ lược về những nhân tố tác động đến khả năng thu hút vốn FPI. Trong chương tiếp theo của bài nghiên cứu, chúng tôi sẽ tiến hành phân tích thực nghiệm tác động của 3 nhân tố: tỷ giá hối đoái, lãi suất và lạm phát đến lượng vốn ĐTNN vào TTCK Việt Nam.