1.2.3.1. Năng lực thu nhận thông tin từ SGK
Năng lực thu nhận thông tin từ SGK là khả năng HS biết định hướng và chọn lọc ra được những thông tin chính, bản chất từ nội dung kiến thức trình bày trong SGK để giải quyết mục tiêu học tập.
Để định hướng thu nhận thông tin thật cụ thể, chính xác, HS cần xác định rõ mục tiêu học tập được cụ thể hóa bằng những chỉ dẫn hoạt động nhận thức trong quá trình làm việc với tài liệu.
Hiện tại SGK không trình bày mục tiêu, vì vậy để HS tiết kiệm được thời gian, khi hướng dẫn cho HS ngay từ khi chuẩn bị, GV cần giúp HS xác định được mục tiêu chung của bài và gợi ý để HS tiếp tục xác định các mục tiêu cụ thể.
Khi đã nắm vững mục tiêu bài học, HS tiến hành làm việc với sách bằng việc đọc lướt sau đó đọc kĩ. Để chuẩn bị cho bài học mới, GV thường yêu cầu HS đọc trước bài trong SGK nhưng rất ít GV quan tâm hướng dẫn khâu này. GV chỉ yêu cầu HS đọc lướt qua để nắm bắt nội dung chính chứ chưa đi vào chi tiết. Đôi khi cần đọc lướt cả chương hoặc một cụm bài để tìm hiểu cấu trúc chung của tài liệu, trên cơ sở đó xác định được vị trí, ý nghĩa của bài học sắp tới, do đó hiệu quả đi sâu vào bài học được nâng lên.
Nếu biết ghi nhớ những điểm quan trọng trong tài liệu thì kiến thức thu nhận mới có giá trị. Muốn làm được điều đó, HS phải có cách thu nhận thông tin đọc được bằng các cách khác nhau: đánh dấu vào những chỗ quan trọng trong sách, trích ghi, ghi tóm tắt, lập dàn ý, đề cương…..Kĩ năng ghi chép thông tin khi làm việc với SGK rất quan trọng vì nó giúp người đọc tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Kĩ năng ghi chép thông tin thể hiện ở một số mặt sau:
+ Đánh dấu vào SGK: HS dùng bút gạch chân hoặc bút dấu bằng mực màu nhằm làm nổi bật những câu, những đoạn trong SGK.
+ Lập dàn ý: Dàn ý là một tổ hợp các đề mục chứa đựng những ý cơ bản có trong bài học. Các phần của dàn ý là các đề mục trong SGK hoặc do người đọc xây dựng trên cơ sở chi tiết hoá từng mục trong SGK. Dàn ý có thể ở dạng khái quát hay chi tiết. Mỗi mục nhỏ có giới hạn tương đối và chứa đựng một “liều lượng” nội dung trọn vẹn. Để lập được dàn bài cần tách ra các ý chính, sau đó thiết lập giữa chúng mối quan hệ và trên cơ sở đó lựa chọn đề mục cho từng phần nhỏ. Quan hệ giữa các phần nhỏ với các phần lớn hơn là quan hệ giữa bộ phận với toàn thể, giữa cái riêng và cái chung.
+ Đề cương: là sự cụ thể hoá một bước của dàn ý: trong từng mục của đề cương còn có cả nội dung các luận điểm cơ bản, đoạn trích, lời bình luận hay nhận xét. Về mức độ có thể lập đề cương tóm tắt hoặc đề cương chi tiết, là xây dựng những ý cơ bản của bài đọc được tóm tắt lại. Đề cương cũng theo các đề mục đã nêu trong dàn bài nhưng trình bày các đối tượng, hiện tượng nghiên cứu một cách ngắn gọn.
+ Trích ghi và ghi tóm tắt: là những cách ghi chép thông tin phổ biến và cũng rất quan trọng. Ghi tóm tắt và ghi đại ý là một cách ghi tổng hợp mang tính khoa học cao nhất, đòi hỏi các thao tác tư duy của người học như: phân tích, tổng hợp, khái quát hoá, hệ thống hoá…..
Như vậy, khi hình thành và phát triển năng lực thu nhận thông tin qua SGK, HS sẽ xác định đúng được mục tiêu và có cách thu nhận thông tin đọc được dưới nhiều hình thức khác nhau.