5.1. Kết luận
- Trong 40 năm trở lại đây nhiệt độ trung bình năm trên địa bàn huyện Đoan Hùng tăng khoảng 1,11°C, nhiệt độ đo được tại các trạm có xu hướng tăng vào tất cả các mùa trong năm.
- Lượng mưa trung bình năm có xu hướng tăng lên rõ rệt khoảng từ 200- 300mm.
- Đối với ngành trồng trọt:
+ BĐKH đã làm cho tình hình sâu và dịch bệnh có chiều hướng phát triển mạnh, có diễn biến phức tạp với thành phần dịch đa dạng, có tốc độ lây lan nhanh. Điển hình, tại Đoan Hùng có 127ha diện tích lúa bị nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn; có 15/28 xã với diện tích trên 45ha xảy ra dịch châu chấu.
+ Thời vụ gieo trồng trên địa bàn cần chuyển đổi hợp lý, chuyển thời gian gieo mạ vụ Đông xuân sớm hơn và vụ Hè thu muộn hơn.
+ Năng suất cây trồng bị suy giảm do tác động của BĐKH làm gia tăng lượng mưa vào mùa mưa bão gây ra tình trạng ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, các dải soi, bãi ven sông.
- Đối với chăn nuôi: Năng suất và sản lượng vật nuôi giảm, dịch bệnh bùng phát do nhiệt độ tăng cùng với biến động về các yếu tố thời tiết và khí hậu khác.
- Lâm nghiệp: Chỉ số tăng trưởng cây rừng giảm do hiện tượng mưa lớn thường xuyên xảy ra hơn về cả cường độ và thời gian. Sâu bệnh gây hại cho cây rừng phát triển như sâu róm. Năm 2013, có 120ha rừng trồng keo bị sâu róm ăn lá phân bố ở cả 28 xã.
- Đối với thủy sản: Sự gia tăng nhiệt độ và tình trạng hạn hán, mưa lũ gây tác động lớn đến việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nhất là nuôi cá lồng trên sông Lô. Năm 2013 đã có 5,2ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng.
- Trình độ nhận thức của người dân: Người dân đã có ý thức quan tâm đến các vấn đề thời tiết đang diễn ra và tác động trực tiếp tới nền sản xuất, canh tác nông nghiệp.
5.2. Kiến nghị
- Tận dụng mọi nguồn nước hiện có trên các hồ đập, kênh mương để chống hạn. Nạo vét kênh tưới, kênh dẫn từ lòng hồ đến cống để bơm nước. Điều hành phân phối nước hợp lý và tổ chức bơm luân phiên để điều phối hợp lý nguồn nước phục vụ sản xuất mùa khô cũng như mùa mưa.
- Trang bị những nhận thức nhất định về tác động hiện hữu cũng như tiềm tàng của BĐKH đối với từng lĩnh vực quản lý tới các ngành, các cấp tại địa phương.
- Có kế hoạch hành động cụ thể và thực hiện triển khai ứng phó tác hại của thiên tai làm giảm thiệt hại do chúng gây nên.
- Tranh thủ mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đào tạo nhân lực cho công tác ứng phó với BĐKH.
- Làm sớm công tác tuyên truyền, truyền thông về những tác hại do BĐKH gây ra nhằm làm cho người dân đều nhận thức về thảm họa của BĐKH dựa trên cơ sở cộng đồng.