BIỆN PHÁP BẮT NGƯỜI ĐANG BỊ TRUY NÃ Ở MỘT SỐ NƯỚC

Một phần của tài liệu Biện pháp bắt người đang bị truy nã trong Luật Tố tụng hình sự Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 49 - 53)

Trong hệ thống pháp luật hình sự và pháp luật TTHS của các nước trên thế giới đều có chế định và chế tài đối với hành vi phạm tội bỏ trốn, cũng như trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc tìm kiếm, bắt giữ những tội phạm đang trốn tránh pháp luật. Tuy nhiên ở các nước, việc quy định về truy nã người phạm tội lẩn trốn có nội dung đề cập khác nhau.

Luật TTHS của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thông qua năm 1979 và sửa đổi năm 1996 gồm bốn phần: Những quy định chung; khởi

tố, điều tra, truy tố; xét xử và thi hành án. Trong đó các vấn đề về thẩm quyền, trình tự, thủ tục truy nã được quy định tại Điều 63:

Bất cứ người nào nêu dưới dây cũng có thể bị bắt giữ ngay lập tức bởi bất kỳ công dân nào và giao cho cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Tòa án nhân dân xử lý:

- Bất kỳ ai đang phạm tội hoặc bị phát hiện ngay sau khi có hành vi phạm tội;

- Người đang bị truy nã; - Người trốn khỏi nơi giam; - Đang bị truy bắt.

Hoặc tại Mục 8 dành riêng cho vấn đề truy nã, theo đó: Nếu bị can cần phải bắt giam bỏ trốn, cơ quan Công an có thể ban hành lệnh truy nã và tiến hành những biện pháp hữu hiệu để truy bắt và đưa ra trước công lý.

Cơ quan Công an ở bất kỳ cấp nào cũng có thể ban hành lệnh truy nã trong khu vực mình quản lý, nếu vượt quá khu vực mình quản lý thì có thể yêu cầu cơ quan cấp trên có thẩm quyền ra quyết định [45].

Có thể thấy, các quy định của luật TTHS nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có rất nhiều điểm giống với quy định của pháp luật TTHS nước ta về BPNC bắt người đang bị truy nã.

Theo Luật TTHS của cộng hòa Liên bang Nga xác định: Truy nã là một hoạt động điều tra nhằm phát hiện, tìm kiếm người phạm tội lẩn trốn ở các giai đoạn hình thành, chuẩn bị gây án, tội phạm đã xảy ra, tội phạm đang trong thời kỳ xét xử, tội phạm đang bị dẫn giải, đang bị thi hành án. Hoạt động truy nã là chức năng của CQĐT, cơ quan trinh sát. Người bị tình nghi,

bị can trốn tránh việc điều tra ban đầu, điều tra dự thẩm hoặc xét xử thì Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán trong phạm vi thẩm quyền được giao có quyền áp dụng một trong những BPNC (Điều 97). Hoặc khi người bị tình nghi, bị can trốn tránh CQĐT hoặc Tòa án thì bị tạm giam; Tòa án chỉ được ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can vắng mặt khi đã có lệnh truy nã quốc tế (Điều 108).

Khi người bị tình nghi, bị can trốn tránh việc điều tra hoặc chưa xác định bị can đang ở đâu theo những nguyên nhân khác thì phải tạm đình chỉ điều tra dự thẩm (Điều 208). Sau khi tạm đình chỉ điều tra dự thẩm thì Dự thẩm viên xác định nơi cư trú của người bị tình nghi, bị can, nếu họ trốn tránh thì áp dụng các biện pháp truy nã họ (Điều 209). Điều 210 điều chỉnh riêng vấn đề truy nã. Theo đó:

- Nếu không rõ nơi cư trú của người bị tình nghi, bị can thì Dự thẩm viên giao cho các CQĐT ban đầu tiến hành truy nã họ, việc này được nêu rõ trong quyết định tạm đình chỉ điều tra dự thẩm hoặc ra quyết định riêng.

- Việc truy nã người bị tình nghi, bị can có thể được thông báo trong thời gian tiến hành điều tra dự thẩm hoặc đồng thời với việc tạm đình chỉ điều tra dự thẩm.

- Khi phát hiện thấy bị can, có thể áp dụng biện pháp tạm giữ.

- Khi có những căn cứ quy định tại Điều 97 thì có thể áp dụng BPNC đối với người bị truy nã. Trong những trường hợp quy định tại Điều 108 thì có thể áp dụng BPNC với hình thức tạm giam đối với họ.

Khi bị can bỏ trốn và không biết được họ đang ở đâu thì Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án (Điều 238). Khi xét xử, sự có mặt của bị cáo là bắt buộc, tuy nhiên, đối với các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn có thể tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo, nếu họ đang ở nước ngoài và (hoặc) cố tình trốn tránh đồng thời họ không bị nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này (Điều 247)...

Nếu bị cáo trốn tránh cũng như trong trường hợp bị cáo do bị tâm thần hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tham gia xét xử, trừ trường hợp theo đề nghị của các bên và khi có căn cứ quy định tại Điều 247 thì Tòa án tạm đình chỉ xét xử đối với bị cáo đó cho đến khi truy nã được họ hoặc đến khi người đó khỏi bệnh và vẫn tiếp tục tiến hành xét xử đối với những bị cáo khác. Nếu việc xét xử riêng cản trở đến việc giải quyết vụ án thì tạm đình chỉ toàn bộ việc xét xử. Tòa án ra quyết định truy nã bị cáo bỏ trốn (Điều 253) [47].

Theo Luật TTHS của nước cộng hòa dân chủ Đức trước đây xác định: Truy nã là việc tìm kiếm có kế hoạch, có mục đích đối với con người bằng cách thực hiện các biện pháp chiến thuật tác chiến và các biện pháp hành chính trong mối quan hệ gắn bó để xác định nhanh nhất về con người cần tìm góp phần ngăn chặn khám phá tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và an toàn cho từng người dân. Truy nã là nhiệm vụ của tất cả cán bộ chiến sĩ trong lực lượng, cơ quan của Bộ Nội vụ với sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng An ninh, Tư pháp, các cơ quan nhà nước và nhân dân lao động. Các hình thức truy nã bao gồm:

- Truy nã để bắt giữ thủ phạm đã rõ; - Truy nã tội phạm chưa rõ tung tích;

- Truy nã để bắt đi chữa bệnh, tập trung giáo dục cải tạo;

- Truy nã để bắt giữ theo lệnh của Viện Kiểm sát, của Tòa án, khi đã có quyết định thi hành án phạt giam, phạm nhân được tại ngoại mà không trở lại cải tạo đúng hạn hoặc trốn khỏi trại;

- Truy nã người có lệnh trục xuất mà không chịu thi hành [46].

Ở Anh thì tất cả lực lượng cảnh sát đều được sử dụng các quyền hạn như nhau trong hoạt động điều tra và đều có quyền tiến hành các hoạt động truy tìm, truy nã, truy cập chứng cứ và thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với người bị tình nghi thực hiện tội phạm. Theo Luật TTHS của cộng hòa Pháp, lệnh truy nã được coi là một lệnh bắt giữ của Dự thẩm viên thực hiện

trong trường hợp: Khi không biết rõ nơi cư trú của đương sự và đương sự đã bỏ trốn thì Dự thẩm viên ra lệnh bắt giữ đối tượng đã bỏ trốn, nếu bắt được đương sự thì Dự thẩm viên ra tiếp lệnh áp giải.

Có thể nói ngày nay, truy nã người có hành vi phạm tội lẩn trốn đã trở thành vấn đề quốc tế và đã được quy định trong Luật TTHS, được thực hiện đối với các quốc gia trên thế giới. Địa bàn lẩn trốn của người phạm tội đang có xu hướng vượt khỏi biên giới quốc gia, nhất là những tên phạm tội nghiêm trọng mà hành vi lẩn trốn của chúng trong một số trường hợp đã phương hại đến lợi ích của nhiều quốc gia khác nhau. Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã có quy ước chung cho các nước thành viên về 4 loại thông báo: "Thông báo đỏ" là đối tượng cần bắt truy nã; "Thông báo xanh da trời" là loại có tiền án, tiền sự nghiêm trọng, nếu nước nào phát hiện phải thông tin lại cho nước có thông báo; "Thông báo xanh lá cây" là đối tượng có tiền án, tiền sự cần chú ý; "Thông báo vàng" là đối tượng mất tích cần truy tìm.

Một phần của tài liệu Biện pháp bắt người đang bị truy nã trong Luật Tố tụng hình sự Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)