Một vài nhận xét, đánh giá

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa duy kinh nghiệm và chủ nghĩa duy lý trong triết học Tây Âu thế kỷ XVII (Trang 46 - 49)

B. NỘI DUNG

2.5. Một vài nhận xét, đánh giá

Chủ nghĩa duy kinh nghiệm trong triết học Tây Âu thế kỷ XVII là thế giới quan của giai cấp tư sản trong thời kỳ mà nó đã và đang xác lập và củng cố địa vị thống trị của mình. Chống lại phương pháp của triết học kinh viện vốn dựa trên câu chữ suy luận, các nhà duy nghiệm đòi hỏi nghiên cứu tự nhiên từ phương diện nội dung. Họ cho rằng, nhận thức tự nhiên là phải thâm nhập vào tự nhiên, lấy tự nhiên làm đối tượng nghiên cứu để khám phá ra các thuộc tính và vận động của các vật thể, các qui luật của chúng. Nghiên cứu tự nhiên không chỉ dừng lại ở cấp độ câu chữ như lôgíc kinh viện mà phải ở cấp độ vật thể, phải được kiểm chứng bằng các giác quan, bằng thực nghiệm. Khoa học phải xuất phát không chỉ từ bản tính của trí tuệ mà còn từ bản tính của sự vật. Bacon cho rằng, chỉ có khoa học được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc như vậy mới trở thành khoa học thực sự, tri thức do nó đem lại mới thực sự trở thành “sức mạnh” của con người. Vì vậy quan điểm nghiên cứu tự nhiên của chủ nghĩa duy kinh nghiệm đã có vai trò rất lớn trong việc chống lại triết học và lối tư duy Kinh viện. Mặt khác, quan điểm duy vật, duy kinh nghiệm này cũng có tác dụng trong việc chống lại các quan điểm duy tâm duy lý thời đó.

Khuynh hướng phát triển của khoa học tự nhiên thực nghiệm đã có tiền đề từ cuối thời Trung cổ trong tư tưởng của R. Bacon, W. Ockham… Với phương pháp luận thực nghiệm qui nạp, Bacon đã đặt cơ sở phương pháp luận cho khoa học tự nhiên thực nghiệm. Không phải ngẫu nhiên mà Mác gọi

Bacon là ông tổ của khoa học tự nhiên thực nghiệm, ở đây là hiểu theo nghĩa phương pháp luận.

Chủ nghĩa duy kinh nghiệm trong triết học Tây Âu thế kỷ XVII còn được biết đến với tinh thần ủng hộ sự phát triển của các khoa học và phương pháp nghiên cứu khoa học. Bacon đã đưa ra khẩu hiệu “Tri thức là sức mạnh”. Ông mong muốn những người đương thời và thế hệ mai sau quan tâm đến sự phát triển của khoa học và làm điều đó vì lợi ích của cuộc sống và thực tiễn, vì lợi ích và phẩm giá của con người. Cho đến nay, khẩu hiệu này vẫn chưa mất đi ý nghĩa và tính thời sự của nó.

Bên cạnh những mặt tích cực, chủ nghĩa duy kinh nghiệm trong triết học Tây Âu thế kỷ XVII cũng có hạn chế. Đó là sự tuyệt đối hóa nhận thức cảm tính. Bacon yêu cầu nhận thức phải xuất phát từ kinh nghiệm, phải dựa trên cơ sở thực nghiệm nhưng ông vẫn đánh giá cao vai trò của tri thức lý tính, của tư duy lý luận. Tuy nhiên, Bacon vẫn chưa thấy được bước chuyển từ cảm tính lên lý tính, chưa thấy được nguồn gốc các khái niệm phạm trù mà lý tính dùng để khái quát, phân loại, qui nạp những tư liệu cảm tính. Đến Locke thì mặc dù đã khởi đầu đúng hướng (xuất phát từ cảm giác) nhưng ông đã vội vàng khái quát quá sớm khi cho rằng chỉ có kinh nghiệm, thực nghiệm là đáng tin còn những gì ngoài kinh nghiệm, nhất là tri thức siêu hình không có cơ sở vững chắc. Nhận thức của con người chỉ có thể có được nội dung khi nối kết với kinh nghiệm do trực quan đem lại. Nhưng nhận thức nếu chỉ dừng lại ở kinh nghiệm cảm tính thì mọi hiểu biết của con người chỉ là vụn vặt, lẻ tẻ và như vậy không có khoa học. Descartes có lý khi cho rằng hiểu biết của con người nếu chỉ dừng lại ở tri giác cảm tính thì không hơn gì hiểu biết của con vật.

Kết luận chương 2

Như vậy chủ nghĩa duy kinh nghiệm trong triết học Tây Âu thế kỉ XVII ra đời trong bối cảnh khoa học tự nhiên phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu. Sự phát triển và những thành tựu mà khoa học tự nhiên thực nghiệm đem lại đã ảnh hưởng đến phương pháp luận của chủ nghĩa duy kinh nghiệm. Bacon là người mở đầu cho khuynh hướng duy kinh nghiệm trong triết học Tây Âu thế kỉ XVII. Qua phương pháp luận của mình, Bacon đã khẳng định nguồn gốc các tri thức của con người là kinh nghiệm cảm tính. Mặc dù là người đầu tiên đưa phương pháp của khoa học thực nghiệm vào triết học nhưng những tư tưởng duy kinh nghiệm của Bacon chưa được phân tích về mặt nhận thức luận. Hobbes là người phát triển các khuynh hướng duy vật duy nghiệm của Bacon và đặc biệt vận dụng nó vào phân tích các vấn đề xã hội. Chỉ đến Locke thì chủ trương duy kinh nghiệm mang nhiều tính phương pháp luận của Bacon mới trở thành một khuynh hướng nhận thức trong triết học. Với việc phê phán gay gắt học thuyết các ý niệm bẩm sinh của Descartes và khẳng định dứt khoát nguồn gốc tri thức con người là kinh nghiệm cảm tính, Locke đã trở thành người mở đầu cho cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy kinh nghiệm trong triết học Tây Âu thế kỉ XVII – XVIII. Tuy đạt nhiều thành tựu trong việc đấu tranh chống lại triết học Kinh viện và ủng hộ sự phát triển của khoa học nhưng nó cũng có hạn chế là tuyệt dối hóa nhận thức cảm tính, chua thấy được vai trò của nhận thức lý tính.

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa duy kinh nghiệm và chủ nghĩa duy lý trong triết học Tây Âu thế kỷ XVII (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)