Thực hiện giải phóng phụ nữ vẫn đang là một mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam. Đó không chỉ là sự tiếp nối trung thành và có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ mà còn phù hợp với quan điểm về văn minh và phát triển bền vững hiện nay trên thế giới.
Trong quá trình đổi mới, Đảng CSVN chủ trương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tạo nhiều điều kiện để phụ nữ được tham gia một cách bình đẳng về hoạt động kinh tế. Hiến pháp 1992 quy định: "…công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội và gia đình". Như vậy để thực hiện tốt cần thực hiện các giải pháp sau:
1. Đặt vấn đề lao động nữ trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và việc làm ở nước ta. Vì vậy, khi giải quyết phải tính đến đặc thù, đến sức khỏe của lao động nữ.
2. Tập trung mọi nỗ lực và bằng mọi biện pháp tiếp tục giải phóng tiềm năng lao động nữ theo quan điểm của Hồ Chí Minh: "Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ" [19, tr. 523].
3. Khi thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt chú ý vùng nông thôn. Hiện nay, khoảng 70% lao động tập trung ở vùng nông thôn, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm khá cao.Quá trình này sẽ tác động tích cực đến chuyển đổi cơ cấu lao động trong cả nước, từ đó dẫn đến đa dạng hóa việc làm và thu nhập cho lao động nữ. Trong chuyển dịch cơ cấu lao động phải chú trọng chuyển dịch ngay trong
quy mô hộ gia đình, khuyến khích hình thức lao động tại nhà, áp dụng thời gian lao động linh hoạt…để phụ nữ vừa tham gia hoạt động kinh tế, vừa có điều kiện chăm sóc gia đình…Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc khôi phục các làng nghề truyền thống, du nhập và phát triển các nghề mới ở nông thôn. Đó là cơ sở rất quan trọng tạo nên tính khả thi cho việc giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nữ ở nông thôn.
4. Phát triển mạnh thị trường sức lao động để sử dụng có hiệu quả lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Hiện nay, xuất khẩu lao động được xem là hướng giải quyết việc làm có hiệu quả ở nhiều tỉnh trong nước. Tuy nhiên người tham gia xuất khẩu lao động, nhất là lao động nữ dễ bị bóc lột, không có điều kiện thăng tiến và cải thiện nghề nghiệp, thậm chí bị đối xử tàn nhẫn và bị lạm dụng tình dục…Tình trạng lao động nữ Việt Nam bỏ trèn ở một số nước cho thấy rõ điều đó. Vì vậy, trong công tác xuất khẩu lao động, chúng ta cần có kế hoạch liên kết chặt chẽ về mặt pháp lý với các đối tác nước ngoài, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là nhân phẩm lao động nữ. Đồng thời có kế hoạch hướng nghiệp, đào tạo chop người lao động tham gia xuất khẩu có kiến thức nhất định về chuyên môn, ngôn ngữ, văn hóa của nước đối tác, nhất là kiến thức về luật và chấp hành luật, hợp đồng lao động. Ngoài ra cần có sự hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nghèo và tín dụng cho người tham gia xuất khẩu lao động.
5. Có chính sách cụ thể và thực hiện chính sách xã hội tốt đối với lao động nữ.