Trước những diễn biến của nền kinh tế thế giới, Việt Nam cần xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và biện pháp quản lý nhằm tận dụng tối đa các cam kết tác động có lợi cho phát triển ngoại thương của Việt Nam, khắc phục những tác động bất lợi của các cam kết quốc tế, nhất là các cam kết WTO và các FTA mà Việt Nam tham gia. Chủ động có các giải pháp ứng phó cả về mặt luật pháp, chính sách, công cụ quản lý, tổ chức bộ máy, các nguồn lực khác,… nhằm hạn chế những tác động bất lợi của các FTA dự kiến Việt Nam sẽ tham gia trong thời gian tới (Hiệp định TPP, FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan, FTA Việt Nam – Hàn Quốc,…) đối với lĩnh vực ngoại thương và toàn nền kinh tế.
Trong quá trình tham gia đàm phán các cam kết quốc tế nói chung, các hiệp định thương mại nói riêng, chúng ta không nên chỉ dựa vào các kỹ năng đàm phán mà cần có sự phân tích một cách thấu đáo về mặt kinh tế vĩ mô trên cơ sở tham vấn với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, đặc biệt là với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp. Đây là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các nội dung cam kết giữa các Chính phủ, do đó tiếng nói và ý kiến của họ sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách của các bên có cái nhìn đa chiều và toàn diện. Nhiệm vụ của Nhà nước là phải luôn luôn cân bằng được lợi ích giữa các
chủ thể, để làm sao vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thúc đẩy ngoại thương phát triển, lại vừa đảm bảo được lợi ích của Nhà nước, bảo vệ được nền công nghiệp còn non trẻ của Việt Nam.