hệ hợp tác kinh tế quốc tế
* Quan hệ kinh tế quốc tế xét về nội dung gồm các quan hệ hoạt động thương mại liên quan đến thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, hợp tác quốc tế về lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ và các dịch vụ thu ngoại tệ. Tính chất của quan hệ kinh tế quốc tế được thể hiện qua mối quan hệ thỏa thuận tự nguyện giữa các quốc gia, giữa các tổ chức kinh tế, quan hệ kinh tế quốc tế diễn ra theo nhu cầu của các quy luật kinh tế, chịu sự tác động của luật pháp, chính sách, thể chế của từng quốc gia cũng như các điều ước quốc tế.
* Các quan hệ kinh tế quốc tế xuất hiện từ hàng ngàn năm nay do yêu cầu tất yếu của việc giao lưu quốc tế và sự phát triển lực lượng sản xuất vượt ra ngoài phạm vi quốc gia. Ban đầu người ta tổ chức và triển khai các quan hệ kinh tế một cách tự phát. Càng về sau việc phát triển các quan hệ kinh tế đòi hỏi một cơ sở lý luận vững chắc với sự chứng minh về những lợi ích mà các quan hệ quốc tế mang lại. Các học thuyết kinh tế đề cập đến nguồn gốc của thương mại quốc tế có thể kể đến như : chủ nghĩa trọng thương, lý thuyết về lợi thế tuyệt đối của Adam Smith, lý thuyết về lợi thế tương đối của David Ricardo, lý thuyết về sự cân bằng giữa các yếu tố sản xuất của Heckscher- Ohlin….
Các quan hệ kinh tế quốc tế ra đời là một tất yếu khách quan của thực tiễn phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Ban đầu, do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên giữa các quốc gia như đất đai, khí hậu, khoáng sản…. dẫn đến tình trạng mỗi quốc gia có lợi thế về việc sản xuất một sản phẩm nào đó và họ phải trao đổi cho nhau nhằm cân bằng giữa phần dư thừa sản phẩm này với sự dư thừa sản phẩm khác.
Mặt khác, do sự khác nhau về khoa học- kỹ thuật và sự phát triển không đồng đều giữa các gia đưa đến sự khác nhau về điều kiện tái sản xuất giữa chúng nên các quốc gia cần mở rộng phạm vi trao đổi quốc tế như di chuyển vốn, sức lao động, công nghệ….
Bên cạnh đó, do quá trình phát triển kinh tế tất yếu dẫn đến phân công lao động. Sự phân công này dần dần vượt ra ngoài phạm vi biên giới quốc gia, đưa đến sự chuyên môn hóa và sự hợp tác hóa lẫn nhau giữa các công ty thuộc các quốc gia khác nhau. Điều này càng làm mở rộng thêm đối tượng và phạm vi trao đổi quốc tế.
Đặc biệt, không phải mỗi quốc gia đều có thể tự mình sản xuất được mọi hàng hóa nhằm phục vụ cho nhu cầu trong nước mặc dù họ có đủ nguồn lực cần thiết. Cho nên các quan hệ kinh tế quốc ra ra đời nhằm hướng cho mỗi quốc gia tiến hành chuyên môn hóa để đạt tới quy mô sản xuất tối ưu.
Hơn nữa, sự đa dạng hóa trong nhu cầu tiêu dùng ở mỗi quốc gia cũng là một cơ sở quan trọng cho việc phát triển các quan hệ kinh tế quốc tế.
Như vậy, cơ sở của sự phát triển các quan hệ kinh tế quốc tế không chỉ là sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, về trình độ phát triển, về các nguồn lực sẵn có giữa các quốc gia mà còn ở sự đa dạng hóa nhu cầu, ở sự ưu việt của chuyên môn hóa và ưu thế của quy mô tối ưu trong sự phân công lao động quốc tế.