I. XÂY DỰNG DANH MỤC ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
1.2.1. Các loại rủi ro đầu tư trái phiếu
Đối với trái phiếu cũng tồn tại 2 loại rủi ro là rủi ro phi hệ thống và rủi ro hệ thống. Rủi ro phi hệ thống là rủi ro của từng công ty riêng lẻ phát hành trái phiếu như rủi ro thanh toán, rủi ro kinh doanh... Đơn vị phát hành có mức tín nhiệm càng thấp thì độ rủi ro càng cao. Tuy nhiên, đây là loại rủi ro có thể hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn thông qua đa dạng hoá.
Rủi ro hệ thống là rủi ro do thị trường gây ra, như rủi ro biến động lãi suất, lạm phát hoặc thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô...Không thể xoá bỏ rủi ro này bằng đa dạng hoá được, do vậy nhà quản lý danh mục cần phải có các biện pháp quản lý danh mục nhằm giảm thiểu được loại rủi ro này. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng của nhà quản lý danh mục đầu tư.
Rủi ro hệ thống được chia làm hai loại, rủi ro giá và rủi ro tái đầu tư. Rủi ro này phát sinh do kỳ đầu tư không trùng với thời gian đáo hạn của trái phiếu đầu tư trong điều kiện lãi suất thị trường biến động. Khi kỳ đầu tư ngắn hơn thời gian đáo hạn trái phiếu thì sẽ phát sinh rủi ro giá và ngược lại, trong trường hợp kỳ đầu tư dài hơn thời gian đáo hạn trái phiếu thì rủi ro tái đầu tư phát sinh. Thậm chí cả trong trường hợp kỳ đầu tư bằng thời gian đáo hạn trái phiếu thì các rủi ro trên vẫn tiềm ẩn trong quá trình đầu tư vì trên thực tế sẽ có rất nhiều lý do khiến cho nhà đầu tư buộc phải thay đổi chiến lược đầu tư của mình như bán trái phiếu trước khi đáo hạn hoặc kéo dài kỳ hạn đầu tư của mình so với dự kiến ban đầu. Hơn nữa, kể cả trường hợp kỳ đầu tư trùng với thời gian đáo hạn trái phiếu (loại trái phiếu có coupon) thì rủi ro tái đầu tư vẫn tồn tại do các khoản lãi nhận được phải tái đầu tư. Vì vậy, rủi ro đầu tư luôn tiềm ẩn mọi nơi, mọi lúc. Đó là lý do khiến người đầu tư phải quan tâm đến việc quản lý rủi ro của danh mục đầu tư và đòi hỏi
nhà quản lý danh mục đầu tư luôn luôn phải thực hiện chiến lược phòng tránh rủi ro cho danh mục của mình.