Qua ba tuần thực tập ở xưởng, sinh viên đã có thể hiểu nhiều hơn về máy biến áp, các công việc cần làm để tính toán thiết kế máy biến áp cũng như động cơ ba pha. Từ đó ý thức được những khó khăn trong công việc sẽ gặp phải sau này. Thực tế không hoàn toàn giống với lý thuyết. Mặc dù trong khi học các thầy cô có nhắc đến vấn đề này, nhưng chưa được tiếp xúc với thực tế nên chúng em chưa hình dung ra được sự khác biệt đó. Ngoài ra còn có những kĩ năng mà sinh viên cần phải trang bị như cách sắp xếp bố trí công việc hợp lý, cách giải quyết khó khăn phát sinh...
Chỉ khi bắt tay vào công việc, được trực tiếp làm ra những sản phẩm về điện cũng như các công việc thực tế khác ta mới thấy rằng giữa lý thuyết và thực tế luôn có sự khác biệt. Trong quá trình học tập tại trường, được học lý thuyết qua những bài giảng trên lớp của các thầy cô đòi hỏi sinh viên phải có những suy nghĩ, những tư duy về bài học. Nó giúp sinh viên hiểu được kiến thức nền tảng và có những ý tưởng, những sáng kiến để có thể tạo ra một sản phẩm nào đó sử dụng được trong thực tế. Tuy nhiên đó chỉ là những ý tưởng hay trên giấy tờ, không được trực quan, khi áp dụng vào thực tế làm chúng em cảm thấy bỡ ngỡ, lúng túng. Đợt thực tập không chỉ đem lại những kiến thức bổ ích mà còn giúp cho em có được đức tính cần thiết mà người kỹ sư cần phải có. Sự cẩn thận tỉ mỉ, sự kiên trì nhẫn nại, bình tĩnh suy xét mọi việc thấu đáo, đoàn kết với đồng nghiệp và mọi người xung quanh, sự cần cù chịu khó và sáng tạo trong công việc. Trong ba tuần thực tập chúng em phải làm việc theo nhóm, để mỗi các nhân có thể phát huy hết năng lực và sở trường của mình và để cả tập thể hợp tác hiệu quả, đoàn kết.
Trên đây là những nhận thức về một số vấn đề trong đợt thực tập mà em có được. Rất mong các thầy cô xem xét, chỉ dẫn thêm để giúp chúng em ngày càng hoàn thiện.
Em xin chân thành cảm ơn ban Chủ nhiệm khoa Điện và các thầy cô giáo phụ trách đã tạo điều kiện giúp đỡ chúng em hoàn thành tốt đợt thực tập này.
Sinh viên Đặng Anh Thái