KHÁI LƯỢC VỀ LỊCH SỬ XÃ HỘI HUẾ

Một phần của tài liệu QUAN ĐIỂM CON NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN LỐI SỐNG CON NGƯỜI HUẾ HIỆN NAY (Trang 34 - 38)

B. NỘI DUNG

2.1.KHÁI LƯỢC VỀ LỊCH SỬ XÃ HỘI HUẾ

Thừa Thiên Huế, Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế là vùng đất có lịch sử lâu đời. Những phát hiện khảo cổ học gần đây cho thấy rõ dấu vết của người xưa trên mảnh đất này. Những di vật như rìu đá, đồ gốm được tìm thấy ở Phụ Ổ, Bàu Ðưng (Hương Chữ, Hương Trà) cho phép khẳng định đây là các di tích có niên đại cách đây trên dưới 4.000 năm. Những chiếc rìu đá được phát hiện trên nhiều địa bàn khác nhau, đặc biệt tại các xã Hồng Bắc, Hồng Vân, Hồng Hạ, Hồng Thủy, Bắc Sơn (A Lưới); Phong Thu (Phong Ðiền) đã chứng minh sự có mặt của con người ở vùng đất này trên dưới 5.000 năm. Di tích khảo cổ quan trọng gắn liền với nền văn hóa Sa Huỳnh được tìm thấy lần đầu tiên tại Thừa Thiên Huế năm 1987 là di tích Cồn Ràng (La Chữ, Hương Chữ, Hương Trà) nói lên rằng chủ nhân của nền văn hóa này đã đạt đến trình độ cao trong đời sống vật chất lẫn tinh thần cách đây trên dưới 2.500 năm. Dấu ấn này còn được tìm thấy ở Cửa Thiềng năm 1988 (Phú Ốc, Tứ Hạ, Hương Trà). Cùng với văn hóa Sa Huỳnh, tại Thừa Thiên Huế còn có sự hiện diện của văn hóa Ðông Sơn. Năm 1994, trống đồng loại một đã được phát hiện ở Phong Mỹ, Phong Ðiền. Ðây là một trong những di vật độc đáo của nền văn hóa Việt cổ.

Các cứ liệu xưa cho biết, từ xa xưa Thừa Thiên Huế từng là địa bàn giao tiếp của những cộng đồng cư dân mang nhiều sắc thái văn hóa khác nhau, cùng cư trú và cùng phát triển.. Trong thời kỳ phát triển của Văn Lang - Âu Lạc, tương truyền Thừa Thiên Huế vốn là một vùng đất của bộ Việt Thường. Trong thời kỳ nước Nam Việt lại thuộc về Tượng Quận. Năm 116 trước Công nguyên, quận Nhật Nam ra đời thay thế cho Tượng Quận. Thời kỳ

Bắc thuộc, trong suốt thời gian dài gần 12 thế kỷ, vùng đất này là địa đầu phía Bắc của Vương quốc Chămpa độc lập. Sau chiến thắng Bạch Ðằng lịch sử của Ngô Quyền (năm 938), Ðại Việt trở thành quốc gia độc lập và qua nhiều thế kỷ phát triển, biên giới Ðại Việt đã mở rộng dần về phía Nam. Năm 1306, công chúa Huyền Trân em gái vua Trần Anh Tông, "nước non ngàn dặm ra đi" làm dâu vương quốc Chămpa, vua Chế Mân dâng hai châu Ô, Rí (Lý) để làm sính lễ. Năm sau, vua Trần đổi hai châu này thành châu Thuận, châu Hóa và đặt chức quan cai trị. Thừa Thiên Huế trở thành địa bàn giao thoa giữa hai nền văn hóa lớn của phương Ðông với nền văn hóa của các cư dân bản địa.

Từ khi trở về với Đại Việt, Châu Hóa và vùng đất Thuận Hóa đã từng là nơi ghi dấu những công cuộc khai phá mở làng, lập ấp, nơi Đặng Tất xây dựng căn cứ kháng chiến chống quân Minh xâm lược, nơi cung cấp "kho tinh binh" cho Lê Lợi giải phóng đất nước.

Trong thời gian này, Chính quyền trung ương buổi đầu khi tiếp nhận Huế đã không còn mang tinh thần lấy Phật giáo làm quốc giáo, bởi vì từ Trần Anh Tông (1311) trở đi đến Hồ Quý Ly, Hậu Lê đều đề cao Nho giáo. Với luật Hồng Đức (1460) vua Lê Thánh Tông đã không còn coi trọng tăng ni và chùa chiền, coi Phật pháp là hư ảo viễn vông. Nhưng không vì thế mà Phật giáo bị mất đi ảnh hưởng của mình. Biết bao thế hệ lưu dân Việt trong các thế kỷ từ XIV đến XIX đã rời bỏ các vùng đồng bằng miền Bắc để tìm vào hội tụ ở đồng bằng sông Hương. Và đạo Phật ở Huế đã là người bảo hộ cho người dân nơi vùng đất mới.

Với lời sấm truyền "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (một dải Hoành sơn, có thể yên thân muôn đời); năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vào trấn giữ xứ Thuận Hoá mở đầu cho cơ nghiệp của các chúa Nguyễn. Sự nghiệp mở mang của 9 đời chúa Nguyễn ở Ðàng Trong đã gắn liền với quá trình phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Hơn ba thế kỷ từ khi trở về với Ðại Việt, Thuận Hóa là vùng đất của trận mạc, ít có thời gian hòa bình nên chưa có điều kiện hình thành được những trung tâm sinh hoạt sầm uất

theo kiểu đô thị. Sự ra đời của thành Hóa Châu (khoảng cuối TK XV, đầu TK XVI) có lẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn với tư cách là một tòa thành phòng thủ chứ chưa phải là nơi sinh hoạt đô thị của xứ Thuận Hóa thời ấy. Mãi cho đến năm 1636 chúa Nguyễn Phúc Lan dời phủ đến Kim Long là bước khởi đầu cho quá trình đô thị hóa trong lịch sử hình thành và phát triển của Thành phố Huế sau này. Hơn nữa thế kỷ sau, năm 1687 chúa Nguyễn Phúc Thái lại dời phủ chính đến làng Thụy Lôi, đổi là Phú Xuân, ở vị trí Tây Nam trong kinh thành Huế hiện nay, tiếp tục xây dựng và phát triển Phú Xuân thành một trung tâm đô thị phát đạt của xứ Ðàng Trong. Chỉ trừ một thời gian ngắn (1712 - 1738) phủ chúa dời ra Bác Vọng, song khi Võ Vương lên ngôi lại cho dời phủ chính vào Phú Xuân nhưng dựng ở "bên tả phủ cũ", tức góc Ðông Nam Kinh thành Huế hiện nay. Sự nguy nga bề thế của Ðô thành Phú Xuân dưới thời Nguyễn Phúc Khoát đã được Lê Quý Ðôn mô tả trong "Phủ Biên Tạp Lục" năm 1776 và trong Ðại Nam Nhất Thống Chí, với tư cách là một đô thị phát triển thịnh vượng trải dài hai bờ châu thổ Sông Hương, từ Kim Long - Dương Xuân đến Bao Vinh - Thanh Hà.

Trong chín đời chúa Nguyễn (1558-1777), nhờ sự mộ đạo của các chúa, Huế tồn tại phái của thiền sư Hương Hải (ảnh hưởng của Phật giáo miền Bắc), hai phái thiền Lâm Tế, Tào Động từ Trung Quốc trực tiếp truyền sang và phái thiền Liễu Quán của người Việt Nam bằng sự kết hợp Lâm - Tào với truyền thống tư tưởng của người Đàng trong.

Dưới triều Nguyễn (1802-1945), Phật giáo được truyền bá rộng rãi, nhiều chùa ở Huế và cả nước được trùng tu, khởi tạo. Dù đề cao Nho giáo nhưng Phật giáo cũng được các vua ưu ái coi như là biện pháp để thu phục nhân tâm. Vì thế trong di sản văn hoá dân tộc ở Huế còn lại đến ngày nay, chùa là một bộ phận cấu thành quan trọng, nó không chỉ có giá trị vật chất mà còn có giá trị tinh thần đối với nhân dân.

Phú Xuân còn là thủ phủ của xứ Ðàng Trong (1687-1774); rồi trở thành Kinh đô của nước Ðại Việt thống nhất dưới triều đại Quang Trung (1788 -

1801) và cuối cùng là Kinh đô của nước Việt Nam gần 1,5 thế kỷ dưới triều đại nhà Nguyễn (1802 - 1945). Phú Xuân-Huế, Thừa Thiên Huế đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật quan trọng của đất nước từ những thời kỳ lịch sử ấy.

Dưới thời Tây sơn (1778-1802), vua Quang Trung chủ trương mỗi phủ, huyện chỉ để một chùa lớn, tuyển chọn tăng, ni người hiếu đạo, chân chính trông coi chùa và truyền đạo, còn ai núp bóng cửa thiền sinh sống thì vua bắt hoàn tục. Giai đoạn này khó có thể nói là Phật giáo phát triển vì triều Tây Sơn quá gắn.

Năm 1858, liên quân Pháp -Tây Ban Nha nổ súng tấn công Ðà Nẵng, mở đầu cho quá trình xâm lược của tư bản phương Tây, rồi của Mỹ vào Việt Nam. Thừa Thiên Huế trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngọai xâm giành hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc với biết bao chiến tích và sự tích anh hùng. Dưới thời Pháp, Mỹ, chiếm đóng miền Nam, với chính quyền của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Phật giáo miền Nam bị o ép và thao túng đã gây ra những mâu thuẫn nội bộ, đáng tiếc. Tuy nhiên những cao tăng chân tu cùng với Phật tử đều kiên định để hoằng dương Phật pháp và tham gia tích cực vào hai cuộc kháng chiến.

Từ những năm thuộc Pháp cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất 1975, Thừa Thiên Huế liên tục diễn ra những cuộc đấu tranh yêu nước mạnh mẽ, quyết liệt. Mãnh đất này là nơi tụ hội của các nhà cách mạng trên đường cứu nước. Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cùng nhiều nhân sĩ yêu nước khác đã từng có mặt. Cũng tại đây, người thanh niên Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sống gần 10 năm thời niên thiếu và ra đi vào Nam tìm đường cứu nước. Năm 1916, Việt Nam Quang Phục Hội tổ chức khởi nghĩa trên qui mô nhiều tỉnh, vua Duy Tân xuất giá tham gia. Tỉnh bộ Ðông Dương Cộng Sản Ðảng Thừa Thiên Huế thành lập đầu tháng 7-1929. Tỉnh ủy lâm thời Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời đầu năm 1930. Và tháng 4-1930, thống nhất hai tổ chức thành Ðảng bộ Ðảng

Cộng Sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo nhân dân tiến hành kháng chiến giải phóng dân tộc. Ngày 23 tháng 8 năm 1945, nhân dân Thừa thiên Huế vinh dự tự hào vùng dậy với khí thế "Cách mạng Mùa thu" trực tiếp lật đổ triều đại nhà Nguyễn cuối cùng. Ngày 30 -8-1945, nhân dân Thừa Thiên Huế thay mặt cả nước chứng kiến lễ thoái vị của vua Bảo Ðại, ngôi vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, những địa danh Dương Hòa, Hòa Mỹ...vang dội khắp cả nước, từng ghi dấu bao chiến công oanh liệt vì độc lập tư do của Tổ quốc.

Một phần của tài liệu QUAN ĐIỂM CON NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN LỐI SỐNG CON NGƯỜI HUẾ HIỆN NAY (Trang 34 - 38)