Thuật ngữ độ phân giải được sử dụng để mô tả độ nét và độ rõ của bản in. Tất cả các kỹ thuật máy in đều tạo hình ảnh bằng cách trải xuống giấy các chấm nhỏ. Kích thước và số lượng các chấm này xác định độ phân giải của máy in và chất lượng của bản in. Nếu như xem một bản in trên máy in kim có độ phân giải thấp, mắt thường cũng có thể thấy từng chấm riêng tạo nên các ký tự. Điều đó là do các chấm cách nhau nhiều và có cùng một kích cỡ như nhau. Trong máy in
Laser có độ phân giải cao, các ký tự trông rất đặc vì các chấm nhỏ hơn nhiều và thường không có cùng kích cỡ.
Độ phân giải của máy in được tính theo số chấm trên một inch vuông (dpi – dot per inch). Hầu hết các máy in thường cho độ phân giải như nhau ở cả chiều ngang lẫn chiều dọc, do đó với độ phân giải 300 dpi có nghĩa là 300 x 300 chấm trên một inch vuông. Máy in 300 dpi vì thế có thể in được 90.000 chấm trên một inch vuông. Cũng có một số máy in khác có độ phân giải ở mỗi chiều là khác nhau, ví dụ như 600 x 1200 dpi, tức là 720.000 chấm trên một inch vuông.
Ta cũng có thể nhận thấy rằng độ phân giải của máy in cao hơn nhiều so với độ phân giải của màn hình máy tính. Thuật ngữ độ phân giải cũng được sử dụng cho màn hình máy tính, thường là xác định số điểm ảnh, như 640 x 480 hay 800 x 600. Nếu theo tiêu chuẩn inch thì màn hình máy tính chỉ có độ phân giải là 50 - 80 dpi. Bằng cách đo chiều cao và chiều rộng của hình ảnh trên màn hình và so với các kích thước của hình ảnh trên điểm ảnh, bạn có thể xác định được dpi của màn hình.
90.000 chấm trên một inch vuông có vẻ như là một con số rất lớn, tuy vậy với độ phân giải là 300 dpi, các ký tự được in ra vẫn có những đường gồ gề không liền nét. Có hai cách để nâng cao chất lượng bản in và làm giảm sự không liền nét này. Cách tốt nhất là tăng độ phân giải. Các máy in Laser ngày nay thường hoạt động với độ phân giải nhỏ nhất là 600 dpi, ngoài ra một vài loại máy in cao cấp còn có thể đạt độ phân giải là 1200 dpi. Kiểu in Opset (thường được dùng để in sách), thường cho độ phân giải là 1200 dpi đến 2400 dpi. Tuy nhiên chỉ cần 600 dpi cũng có thể có một bản in tốt. Giảm sự đứt nét là lợi ích đầu tiên của việc tăng độ phân giải
Cách thứ hai để hạn chế sự không liền nét là cải tiến độ phân giải (Resolution - Enhancement), bằng cách sử dụng các chấm có kích cỡ khác nhau. Công nghệ này được phát minh bởi Hewlett Packard (HP) gọi là công nghệ cải tiến độ phân giải (RET). RET sử dụng các chấm nhỏ hơn để chấm vào các chỗ đứt quãng trên các cạnh được tạo bởi các chấm to hơn. Vì các chấm rất nhỏ, nên khi nhìn với mắt thường, các đường chéo thực sự rất liền nét khi sử dụng công nghệ này. Công nghệ này chỉ áp dụng được với máy in Laser và máy in phun bởi máy in kim tạo hình ảnh bằng cách tác động vật lý của đầu kim lên giấy qua ruy băng mực nên không thể thay đổi kích cỡ các chấm. Một phương pháp nữa để tăng độ phân giải của bản in được gọi là “Nội suy”. Có rất nhiều máy in cho bản in với độ phân giải cao hơn bằng quá trình nội suy. Độ phân giải của
máy in không chỉ đơn thuần là vấn đề vật lý về kích thước các chấm mà một hình ảnh có độ phân giải cao còn có nghĩa là máy in phải xử lý nhiều dữ liệu hơn. Máy in 600 dpi phải làm việc với 360.000 chấm trên một inch vuông, trong khi máy in 300 dpi chỉ phải xử lý 90.000 chấm.
Rõ ràng là hình ảnh với độ phân giải cao hơn (600 dpi) đòi hỏi một bộ nhớ gấp bốn lần so với độ phân giải thấp hơn (300 dpi) và thời gian xử lý lớn hơn rất nhiều. Một số máy in được thiết kế với khả năng in vật lý với độ phân giải cao nhưng không đòi hỏi phải có bộ nhớ lớn và khả năng xử lý nhanh. Máy in xử lý hình ảnh ở độ phân giải là 600 dpi và sau đó nội suy (hay tăng tỉ lệ) độ phân giải lên thành 1200 dpi. Mặc dù hình ảnh với độ phân giải 1200 dpi nhờ nội suy có chất lượng cao hơn ảnh 600 dpi không nội suy nhưng máy in làm việc ở độ phân giải 1200 dpi thực sự cho hình ảnh tốt hơn hẳn ảnh 1200 dpi nội suy và tất nhiên giá của hai loại máy in này cũng khác biệt đáng kể.