Các loại văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Giáo trình Pháp luật Việt Nam đại cương.doc (Trang 26 - 28)

IV. Quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật 1 Quy phạm pháp luật

3.Các loại văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam theo Hiến Pháp 1992 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (có hiệu lực từ ngày 1- 1-1997) bao gồm các loại văn bản sau đây:

Văn bản do Quốc hội ban hành: Hiến pháp, Luật, Nghị quyết.

Văn bản do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành: Pháp lệnh, Nghị quyết.

Văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam ban hành để thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Căn cứ vào trình tự ban hành và giá trị pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật được chia ra thành 2 loại là các văn bản luật và văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn luật.

a, Các văn bản luật

Văn bản luật là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước ban hành.

Trình tự, thủ tục và hình thức của văn bản luật được quy định tại các Điều 84, 88 và 147 của Hiến pháp 1992. Các văn bản này có giá trị pháp lý cao nhất, mọi văn bản khác khi ban hành đều phải dựa trên cơ sở của văn bản luật và không được trái với các quy định trong văn bản đó.

Hiến pháp (bao gồm Hiến pháp và các Đạo luật về bổ sung hay sửa đổi Hiến pháp). Hiến pháp quy định những vấn đề cơ bản nhất của nhà nước như: Hình thức và bản chất của nhà nước, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá, xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hệ thống tổ chức, nguyên tắc hoạt động và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước. Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Hiến pháp là luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác đều phải phù hợp với các quy định của Hiến pháp.

Luật (Bộ luật, Luật), Nghị quyết của Quốc hội có chứa đựng các quy phạm pháp luật là những văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành để cụ thể hoá Hiến pháp, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực hoạt động của nhà nước.

Các Luật và Nghị quyết của Quốc hội có giá trị pháp lý cao (chỉ sau Hiến pháp), vì vậy khi xây dựng các văn bản dưới luật phải dựa trên cơ sở các quy định thể hiện trong văn bản luật, không được trái với các quy định đó.

b, Các văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn Luật

Văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn luật là những văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục và hình thức được pháp luật quy định.

Những văn bản này có giá trị pháp lý thấp hơn các văn bản luật, vì vậy khi ban hành phải chú ý sao cho những quy định của chúng phải phù hợp với những quy định của Hiến pháp và Luật.

Giá trị pháp lý của từng loại văn bản này cũng khác nhau, tuỳ thuộc vào thẩm quyền của các cơ quan ban hành chúng.

Theo Hiến pháp năm 1992 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hiện nay ở nước ta có những loại văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn luật sau:

Pháp lệnh do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định những vấn đề được Quốc hội giao. Thẩm quyền ban hành Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được quy định trong Điều 91 và Điều 93 của Hiến pháp 1992. Ví dụ Pháp lệnh ngoại hối năm 2005, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được ban hành để giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, giám sát việc thi hành Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước khác. Ví dụ Nghị quyết 388/NQ-QH của Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự, Nghị quyết 58/1998/QH của Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 07 thán 7 năm 1991.

Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước được ban hành để thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước do Hiến pháp, Luật quy định. Ví dụ Lệnh của chủ tịch nước về việc công bố Luật (số 23/2004/L-CTN ngày 14 tháng 2 năm 2004 công bố Luật cạnh tranh)

Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ; Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Ví dụ: nghị định 30/CP ngày 4/4/1994 về việc thành lập Đại học Huế, Nghị định số 85/2003?NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Chính phủ. Ví dụ: Chỉ thị số 52/2007/CT-BGDĐT ngày 31 tháng 8 năm 2007 về tăng cường công tác gaío dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục.

Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Thông tư liên tịch.

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp. Quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân các cấp.

Một phần của tài liệu Giáo trình Pháp luật Việt Nam đại cương.doc (Trang 26 - 28)