Kết hôn và hủy việc kết hôn trái pháp luật

Một phần của tài liệu Giáo trình Pháp luật Việt Nam đại cương.doc (Trang 87 - 90)

II. LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH 1 Khái niệm Luật hôn nhân và gia đình

3. Kết hôn và hủy việc kết hôn trái pháp luật

a, Kết hôn và các điều kiện kết hôn

Kết hôn được chính thức định nghĩa tại khoản 2 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình như sau: "Kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn".

Điều 9 và Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định các điều kiện kết hôn bao gồm:

Điều kiện thứ nhất, phải đủ tuổi kết hôn (khoản 1 Điều 9).

Luật hôn nhân và gia đình quy định độ tuổi kết hôn đối với nam là 20 tuổi trở lên, nữ là 18 tuổi trở lên. Như vậy, muốn kết hôn nam phải đạt độ tuổi từ 20, nữ là 18 tuổi. Cách tính tuổi kết hôn hiện nay được tính theo năm sinh, nghĩa là đang ở tuổi hai mươi đối với nam và đang ở tuổi mười tám đối với nữ. Ví dụ: năm sinh 1970 thì đến ngày 01/01/1990 được coi là đủ tuổi kết hôn (theo Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP)

Điều kiện thứ hai, phải có sự tự nguyện của hai bên nam nữ kết hôn. Khoản 2 Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình quy định: "Việc kết hôn do nam nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào, không ai được cưỡng ép cản trở". Sự tự nguyện hoàn toàn trong việc kết hôn là hai bên nam nữ tự mình quyết định việc kết hôn, thể hiện sự đồng ý trở thành vợ chồng.

Điều kiện thứ ba, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp luật cấm kết hôn.

Phải tuân thủ nguyên tắc một vợ, một chồng: Điều 10 khoản 1 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định: "Cấm những người đang có vợ hoặc

chồng kết hôn" và Điều 4 khoản 2 quy định: "Cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng".

Điều kiện thứ tư, không thuộc những trường hợp luật cấm kết hôn. Những người kết hôn không mất năng lực hành vi dân sự: Khoản 2 Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định: người mất năng lực hành vi dân sự không được kết hôn. Mất năng lực hành vi dân sự trong trường hợp một người do bị tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, có lợi ích liên quan Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định có thẩm quyền.

Những người kết hôn với nhau không cùng dòng máu trực hệ, không có họ trong phạm vi ba đời hoặc không có quan hệ thân thuộc: Điều 10, khoản 3, Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định: cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

Những người cùng dóng máu trực hệ là cha mẹ đối với con, ông bà đối với cháu nội ngoại. Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất, anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú, con bác, con cô, con dì là đời thứ ba. Vì vậy, cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là cấm kết hôn giữa anh chị em ruột với nhau; giữa chú ruột, bác ruột, cậu ruột với cháu gái giữa cô ruột, dì ruột với cháu trai; giữa anh chị em con chú, con bác, con cô, con dì với nhau. Ngoài ra, cấm kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Trong xu thế phát triển của thế giới, những người đồng tính luyến ái yêu cầu Nhà nước phải cho phép họ kết hôn và thừa nhận quan hệ vợ chồng giữa họ. Một số nước đã cho phép những người cùng giới tính kết hôn (gọi là part) như luật Đan Mạch năm 1989. Một số quốc gia trên thế giới không thừa nhận quan hệ vợ chồng giữa những người này nhưng cho phép họ có quyền lập hội và hưởng quyền lợi như công dân bình thường (Luật của Pháp quy định cho phép người đồng tính luyến ái lập hội từ tháng 10/1999).

* Đăng ký kết hôn (Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình 2000)

Việc kết hôn phải được đăng ký và có cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng lý kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của luật này. Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung

sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

b, Hủy việc kết hôn trái pháp luật

Khoản 3 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định: "Kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn, nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định". Như vậy, việc kết hôn trái pháp luật là việc kết hôn tuy đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng sau đó mới phát hiện một hoặc cả hai bên kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định cụ thể:

Một là, chưa đến tuổi kết hôn theo quy định mà đã kết hôn.

Hai là, thiếu sự tự nguyện của một trong hai bên do bị cưỡng ép, bị lừa dối.

Ba là, một bên kết hôn hoặc cả hai bên kết hôn là người đang có vợ hoặc có chồng.

Bốn là, khi kết hôn một hoặc cả hai bên kết hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

Năm là, giữa các bên kết hôn là người có quan hệ cùng dòng máu về trực hệ hoặc là những người trong phạm vi ba đời.

Sáu là, hai bên kết hôn với nhau là cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; người đã từng là cha mẹ nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể; bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Bảy là, hai bên kết hôn là những người cùng giới tính.

Hôn nhân trái pháp luật sẽ bị Tòa án nhân dân xử hủy khi có yêu cầu. Hủy việc kết hôn trái pháp luật là biện pháp chế tài của Luật hôn nhân và gia đình 2000. Việc hủy kết hôn trái pháp luật phải dựa trên cơ sở những căn cứ và người có thẩm quyền xác định yêu cầu.

Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn theo nghi thức quy định tại điều 14 thì việc kết hôn đó không có giá trị pháp lý, nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì mặc dù có vi phạm một trong các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 9, Tòa án không tuyên bố hủy việc kết hôn trái pháp luật mà áp dụng khoản 1 Điều 11 tuyên bố công nhận là vợ chồng. Ví dụ A và B chưa đủ tuổi kết hôn nhưng đang ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân không đúng thẩm quyền.

Việc hủy kết hôn trái pháp luật dẫn đến hậu quả pháp lý nhất định: Về quan hệ nhân thân: Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 17 tuyên bố hủy việc kết hôn trái pháp luật khi đó hai bên nam nữ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng. Trong trường hợp này quan hệ hôn nhân của họ không được Nhà nước thừa nhận.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, tại Điều 28 thì hủy việc kết hôn trái pháp luật là yêu cầu về hôn nhân và gia đình (việc dân sự) nên chỉ giải quyết về quan hệ nhân thân, nếu có tranh chấp và yêu cầu giải quyết về nuôi con và tài sản các bên phải khởi kiện thành một vụ kiện dân sự riêng mà không giải quyết đồng thời trong khi giải quyết việc dân sự. Hủy việc kết hôn trái pháp luật được giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự quy định từ Điều 311 đến Điều 318 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Một phần của tài liệu Giáo trình Pháp luật Việt Nam đại cương.doc (Trang 87 - 90)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(163 trang)
w