Khái niệm Luật hình sự

Một phần của tài liệu Giáo trình Pháp luật Việt Nam đại cương.doc (Trang 56 - 59)

I. LUẬT HÌNH SỰ

1. Khái niệm Luật hình sự

a,Đối tượng điều chỉnh của Luật hình sự

Là những quan hệ xã hội phát sinh giữa nhà nước và người phạm tội khi người này thực hiện tội phạm.

Thời điểm bắt đầu xuất hiện quan hệ pháp luật hình sự là thời điểm người phạm tội bắt đầu thực hiện tội phạm và quan hệ pháp luật này chấm dứt khi người phạm tội được xoá án tích. Trong cả quá trình này xuất hiện đồng thời quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, tuy nhiên quan hệ pháp luật tố tụng hình sự chỉ xuất hiện khi có quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can.

Trong quan hệ pháp luật hình sự luôn có hai chủ thể với những vị trí pháp lý khác nhau đó là nhà nước và người phạm tội.

Nhà nước có quyền truy tố xét xử người phạm tội, buộc họ phải chịu những biện pháp trách nhiệm hình sự nhất định để bảo vệ pháp luật bảo vệ lợi ích của toàn xã hội. Đồng thời, nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội.

Người phạm tội có trách nhiệm chấp hành các biện pháp cưỡng chế mà nhà nước áp dụng đối với mình (tạm giam, tạm giữ, giam), mặt khác, họ có quyền yêu cầu nhà nước đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của mình (khiếu nại hành vi vi phạm thủ tục của các cơ quan tiến hành tố tụng, bào chữa, nhờ người bào chữa).

b, Phương pháp điều chỉnh của Luật hình sự

Xuất phát từ chức năng điều chỉnh và địa vị pháp lý của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật này, Luật hình sự sử dụng phương pháp “quyền uy” - phương pháp sử dụng quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ pháp luật hình sự. Sự thể hiện quyền uy là một bên nhân danh nhà nước áp dụng pháp luật như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án đối với người phạm tội (điều tra, truy tố, xét xử).

c, Khái niệm Luật hình sự

Luật hình sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm hệ thống những quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành, xác định những hành vi nguy hiểm cho xã hội nào là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt đối với những tội phạm ấy

2. Tội phạm

Khái niệm tội phạm được quy định tại Khoản 1, Điều 8 Bộ luật hình sự 1999 như sau: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị (thay chế độ xã hội chủ nghĩa), chế độ kinh tế nền văn hoá quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng sức khoẻ, danh

dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Về bản chất pháp lý thì tội phạm là một trong bốn loại vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm pháp luật hình sự nên tội phạm chứa đựng các đặc điểm chung của các vi phạm pháp luật nói chung. Song nó còn mang các đặc điểm có tính đặc thù để dựa vào đó có thể phân biệt được tội phạm với các vi phạm pháp luật khác. Các đặc điểm đó là:

a, Tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội

Bất kỳ một hành vi vi phạm nào cũng đều có tính nguy hiểm cho xã hội, nhưng đối với tội phạm thì tính nguy hiểm cho xã hội luôn ở mức độ cao hơn so với các loại vi phạm pháp luật khác.

Đây là đặc điểm thể hiện dấu hiệu về nội dung của tội phạm nó quyết định các dấu hiệu khác như tính được quy định trong Bộ luật hình sự của tội phạm. Chính vì vậy, việc xác định dấu hiệu này có ý nghĩa như sau:

(1) Là căn cứ quan trọng để phân biệt giữa các tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

(2) Là dấu hiệu quan trọng nhất quyết định các dấu hiệu khác của tội phạm.

(3) Là căn cứ quan trọng để quyết định hình phạt.

Để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm chúng ta phải cân nhắc, xem xét, đánh giá một cách toàn diện các căn cứ sau:

Dựa vào tính chất của quan hệ xã hội bị xâm phạm.

Xem xét phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội. Xác định mức độ thiệt hại gây ra hoặc đe doạ gây ra.

Xác định hình thức và mức độ lỗi.

Xác định động cơ, mục đích của người phạm tội. Xem xét nhân thân người phạm tội.

Xem xét hoàn cảnh chính trị xã hội lúc và nơi hành vi phạm tội xảy ra. Xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

b, Tính có lỗi

Một người thực hiện hành vi phạm tội luôn bị đe dọa phải áp dụng hình phạt là biện pháp chế tài nghiêm khắc nhất. Mục đích của hình phạt theo Luật hình sự Việt Nam là không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà chủ yếu nhằm cải tạo, giáo dục họ. Mục đích này chỉ đạt được nếu hình phạt được áp dụng đối với người có lỗi khi thực hiện hành vi phạm tội - tức là khi thực hiện hành vi phạm tội đó họ có đầy đủ điều kiện và khả năng để lựa chọn một biện pháp xử sự khác không gây thiệt hại cho xã hội nhưng họ đã thực hiện hành vi bị Luật hình sự cấm gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

c, Tính trái pháp luật hình sự (tính được quy định trong Bộ luật hình sự)

Bất kỳ một hành vi nào bị coi là tội phạm cũng đều được quy định trong Bộ luật hình sự. Đặc điểm này đã được pháp điển hoá tại Điều 2 Bộ luật hình sự. Cụ thể "chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự". Như vậy, một người thực hiện hành vi dù nguy hiểm cho xã hội đến đâu nhưng hành vi đó chưa được quy định trong BLHS Bộ luật hình sự thì không bị coi là tội phạm.

Đặc điểm này có ý nghĩa về phương diện thực tiễn là tránh việc xử lý tuỳ tiện của người áp dụng pháp luật. Về phương diện lý luận nó giúp cho cơ quan lập pháp kịp thời bổ sung sửa đổi Bộ luật hình sự theo sát sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội để công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đạt hiệu quả.

d, Tính phải chịu hình phạt

Đặc điểm này không được nêu trong khái niệm tội phạm mà nó là một dấu hiệu độc lập có tính quy kết kèm theo của tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật hình sự. Tính phải chịu hình phạt của tội phạm có nghĩa là bất cứ một hành vi phạm tội nào cũng bị đe doạ phải áp dụng một hình phạt đã được quy định trong Bộ luật hình sự.

Từ việc phân tích các đặc điểm của tội phạm có thể đưa ra khái niệm tội phạm theo các dấu hiệu của nó: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, được quy định trong Bộ luật hình sự và phải chịu hình phạt.

Một phần của tài liệu Giáo trình Pháp luật Việt Nam đại cương.doc (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(163 trang)
w