Quyền sở hữu

Một phần của tài liệu Giáo trình Pháp luật Việt Nam đại cương.doc (Trang 76 - 81)

II. LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ 1 Khái niệm Luật tố tụng hình sự

2. Quyền sở hữu

a, Khái niệm quyền sở hữu

Quyền sở hữu là chỉ tổng hợp các qui phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng.

Khái niệm quyền sở hữu được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau:

Theo nghĩa khách quan đó là toàn bộ các qui định của Nhà nước về vấn đề sở hữu. Quy định về quyền sở hữu trong các ngành luật khác nhau.

Theo nghĩa chủ quan đó là toàn bộ những hành vi mà chủ sở hữu được pháp luật cho phép thực hiện trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản theo ý chí của mình. Quyền sở hữu bao giờ cũng gắn liền với chủ thể nên được coi là loại quyền tuyệt đối.

Quyền sở hữu còn được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự bao gôm ba yếu tố: chủ thể, khách thể và nội dung.

Khái niệm quyền sở hữu vừa là một phạm trù kinh tế vừa là một phạm trù pháp lý.

Là phạm trù kinh tế, sở hữu thể hiện các quan hệ sản xuất xã hội, phương thức chiếm hữu và phân phối trong từng hình thái kinh tế- xã hội và quan hệ xã hội nhất định. Sở hữu là việc tài sản, thành quả lao động, tư liệu sản xuất thuộc về ai, do đó nó thể hiện quan hệ giữa người với người trong quá trình tạo ra và phân phối các thành quả vật chất.

Là phạm trù pháp lý, quyền sở hữu mang tính chất chủ quan vì nó là sự ghi nhận của Nhà nước, nhưng Nhà nước không thể đặt ra quyền sở hữu theo ý chí chủ quan của mình mà quyền sở hữu được qui định trước hết bởi nội dung kinh tế xã hội, tức là thể chế hoá những quan hệ chiếm hữu, sử dụng và định đoạt những của cải vật chất do con người tạo ra.

b. Nội dung quyền sở hữu

Thứ nhất là quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản thuộc sở hữu của mình. Trong trường hợp chủ sở hữu của mình. Trong trường hợp chủ sở hữu tự mình chiếm hữu tài sản của mình thì chủ sở hữu thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý tài sản. Việc chiếm hữu của chủ sở hữu là chiếm hữu có căn cứ pháp luật bị hạn chế giai đoạn thời gian.

Quyền chiếm hữu bao gồm hai loại:

Chiếm hữu có căn cứ pháp luật (chiếm hữu hợp pháp) dựa trên các căn cứ sau: Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản; Chủ sở hữu uỷ quyền quản lý tài sản trong phạm vi uỷ quyền; Được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua các

giao dịch dân sự phù hợp với ý chí của chủ sở hữu (người đang chiếm hữu hợp pháp chỉ được sử dụng hoặc chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản cho người khác nếu được chủ sở hữu đồng ý); Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phù hợp với các điều kiện do pháp luật qui định; Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định và các trường hợp khác do pháp luật quy định. Chẳng hạn Điều 242 qui định: ”Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo cho UBND xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại“. Trong thời gian chủ sở hữu chưa đến nhận lại thì là chiếm hữu hợp pháp.

Đối với chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật (chiếm hữu bất hợp pháp). Chiếm hữu bất hợp pháp là bị chiếm hữu không dựa trên cơ sở pháp luật nên không được pháp luật thừa nhận.

Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là hợp người chiến hữu không biết và không thể biết mình chiếm hữu không dựa trên cơ sở pháp luật.

Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình đó là trường hợp người chiếm hữu biết hoặc pháp luật buộc phải biết là mình chiếm hữu không dựa trên cơ sở pháp luật.

Việc xác định chiếm hữu ngay tình hay không ngay tình thực trên hết sức khó khăn, do vậy phải dựa vào nhiều yếu tố: trình độ nhận thức, thời gian, địa điểm, giá trị tài sản,...Việc phân biệt này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đó là: trong trường hợp chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì nếu chiếm giữ liên tục, công khai một thời hạn do luật định, hết thời hạn đó có thể trở thành chủ sở hữu tài sản đó. Ngoài ra, người chiếm hữu còn có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Ngược lại, người chiếm hữu bất hợp pháp không ngay tình thì trong mọi trường hợp phải trả lại tài sản kể cả hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác công dụng của tài sản, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Thứ hai, quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, nghĩa là chủ sở hữu có quyền khai thác giá trị tài sản theo ý chí của mình bằng những cách thức khác nhau nhằm thoả mãn nhu cầu vật chất tinh thần của bản thân miễn là không gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Cũng như quyền chiếm hữu, quyền sử dụng không chỉ thuộc về chủ sở hữu tài sản mà còn thuộc về những người không phải chủ sở hữu nhưng được chủ sở hữu giao quyền hoặc theo qui định của pháp luật (người mượn tài sản, thuê tài sản thông qua các hợp đồng dân sự,...).

Ngoài ra, pháp luật còn qui định người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình cũng có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo qui định pháp luật. Bởi lẽ, những người này họ hoàn toàn không biết mình đang chiếm hữu tài sản mà không có căn cứ luật định.

Thứ ba, quyền định đoạt theo quy định tại Điều 195 Bộ luật Dân sự “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc bỏ quyền sở hữu đó“. Như vậy chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt của mình thông qua việc quyết định “số phận“ pháp lý hoặc “số phận“ thực tế của tài sản. Người không phải chủ sở hữu cũng có quyền định đoạt tài sản theo uỷ quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.

Định đoạt “số phận“ pháp lý tài sản: tức là chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua các giao dịch dân sự như: ký kết hợp đồng mua bán, hợp đồng tặng cho tài sản...

Định đoạt “số phận“ thực tế của tài sản: chủ sở hữu bằng hành vi của mình làm cho tài sản không còn trong thực tế như sử dụng hết hoặc tiêu huỷ tài sản. Tuy nhiên, đối với một số loại tài sản thì khi thực hiện quyền định đoạt phải tuân theo những qui định khác của pháp luật. Theo qui định của pháp luật chủ sở hữu có thể tự mình thực hiện quyền định đoạt hoặc uỷ quyền cho người khác thực hiện quyền định đoạt tài sản (thông qua việc bán đại lý hàng hoá). Để thực hiện quyền định đoạt thì chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu uỷ quyền phải đảm bảo năng lực chủ thể theo qui định của pháp luật, chẳng hạn lập di chúc hoặc bán nhà thì nguyên tắc phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để tránh tình trạng bị lừa dối hay bị cưỡng ép,...

Quyền định đoạt của chủ sở hữu bị hạn chế trong một số trường hợp sau:

Chỉ trong trường hợp do pháp luật quy định. Quy định này nhằm mục đích ngăn chặn các cơ quan có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền đặt ra các quy định hạn chế quyền định đoạt của các chủ thể trái với Hiến pháp và luật.

Khi tài sản đem bán là di tích lịch sử, văn hoá thì Nhà nước Việt Nam có quyền ưu tiên mua.

Trong trường hợp pháp luật qui định quyền ưu tiên mua cho cá nhân, pháp nhân hay chủ thể khác đối với một tài sản nhất định thì khi bán tài sản đó chủ sở hữu phải giành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó (bán nhà đang cho thuê, bán tài sản chung của nhiều người).

Từng quyền năng trong nội dung quyền sở hữu có thể do chủ sở hữu hoặc người không phải chủ sở hữu thực hiện, nhưng việc thực hiện không mang tính độc lập mà phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu, chỉ có chủ sở hữu

mới có quyền thực hiện một cách độc lập không phụ thuộc vào người khác. Cả ba quyền trên tạo thành một thể thống nhất trong nội dung quyền sở hữu, có mối quan hệ mật thiết với nhau nhưng mỗi quyền năng lại mang một ý nghĩa khác nhau.

3. Giao dịch dân sự

a, Khái niệm và các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

Theo Điều 121 Bộ luật dân sự 2005 thì giao dịch dân sự là hành vi pháp lý đơn phương hoặc hợp đồng dân sự của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.

Hành vi pháp lý đơn phương được hiểu là hành vi thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm làm phát sinh quan hệ dân sự mà không cần ý chí của các chủ thể khác. Chẳng hạn việc lập di chúc để lại tài sản thuộc sở hữu của mình cho người khác không cần sự đồng ý của người thừa kế theo di chúc.

Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự.

Các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự: Theo quy định tại Điều 122 thì một giao dịch dân sự được pháp luật thừa nhận có hiệu lực pháp lý khi đảm bảo các điều kiện sau:

* Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự

Đối với cá nhân: Người từ đủ 18 tuổi trở lên có khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình có quyền tự mình tham gia mọi giao dịch dân sự. Người đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có quyền tự mình tham gia giao dịch dân sự nhỏ phục vụ nhu cầu hàng ngày. Chẳng hạn, A là học sinh (13 tuổi) mua đồ dùng học tập có thể nhận thức được giá cả, chất lượng,... đối với những giao dịch dân sự có giá trị lớn thì phải thông qua người đại diện theo pháp luật mới coi là hợp pháp, nếu không thì giao dịch dân sự có thể bị coi là vô hiệu. Đối với người mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự (người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự do bị bệnh tâm thần hoặc người dưới 6 tuổi) pháp luật không cho phép họ tự mình tham gia giao dịch dân sự mà phải thông qua người đại diện theo pháp luật.

Trong các giao dịch dân sự có đối tượng là tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều người (mua bán nhà ở, chuyên nhượng quyền sử dụng đất) thì việc xác lập giao dịch dân sự ngoài đảm bảo tư cách chủ thể của mình còn phải có đủ tư cách đại diện cho các đồng sở hữu chủ khác

Đối với các chủ thể khác như pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác thì phải bảo đảm tư cách chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự. Khi tham gia giao dịch dân sự các chủ thể này thông qua người đại diện (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền).

* Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội

Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích mà các bên mong muốn đạt tới khi xác lập giao dịch dân sự. Nội dung của giao dịch dân sự là tổng hợp các điều khoản cam kết trong giao dịch, quy định các quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể. Giao dịch trái pháp luật như: mua bán tài sản pháp luật cấm (mua bán đất đai, ma tuý), cho vay tiền để đánh bạc, đòi các khoản tiền do việc bán dâm, đánh bạc mang lại,...

* Người tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện

Trong trường hợp thiếu sự tự nguyện thì trái với bản chất của giao dịch dân sự và giao dịch dân sự có thể bị coi là vô hiệu trong trường hợp sau: Giao dịch dân sự giả tạo; giao dịch dân sự được xác lập do nhầm lẫn; giao dịch dân sự được xác lập do bị lừa dối, đe dọa.

* Hình thức của giao dịch dân sự phải phù hợp với quy định của pháp luật

Hình thức của giao dịch dân sự thường được thể hiện dưới các hình thức như sau: bằng lời nói; bằng hành vi cụ thể (mua hàng hoá trong siêu thị); bằng văn bản thường hoặc văn bản có chứng thực, chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc phải đăng ký, (hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất,...) Điều kiện về hình thức chỉ bắt buộc khi pháp luật có quy định.

b, Giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý

Theo quy định Điều 127 Bộ luật dân sự 2005 thì giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch vi phạm một trong các điều kiện vô hiệu thì vô hiệu (nghĩa là nhà nước không thừa nhận giao dịch đó, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong giao dịch).

Bộ luật dân sự thì phân thành các loại giao dịch dân sự vô hiệu như sau: Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội; Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức; Giao dịch dân sự vô hiệu do thiếu sự tự nguyện của các chủ thể tham gia; Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập thực hiện.

* Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

Về nguyên tắc giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên từ thời điểm giao dịch dân sự được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu nghĩa là phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại.

Đối với trường hợp đối tượng là tài sản không còn nên các bên không thể hoàn trả được bằng hiện vật mà phải hoàn trả cho nhau bằng tiền.

Tuỳ từng trường hợp xét theo tính chất của giao dịch vô hiệu, tài sản giao dịch và hoa lợi, lợi tức thu được có thể bị tịch thu theo quy định của pháp luật (khoản tiền lãi các bên đã trả cho nhau trong hợp đồng vay ngoại tệ mà không thuộc đối tượng Nhà nước cho phép thì tịch thu, sung công quỹ Nhà nước)

Một phần của tài liệu Giáo trình Pháp luật Việt Nam đại cương.doc (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(163 trang)
w