TƯ PHÁP QUỐC TẾ 1 Khái niệm về tư pháp quốc tế

Một phần của tài liệu Giáo trình Pháp luật Việt Nam đại cương.doc (Trang 156 - 159)

1. Khái niệm về tư pháp quốc tế

Tư pháp quốc tế là một bộ môn khoa học pháp lý độc lập và là một ngành luật độc lập bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ pháp luật dân sự, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động và tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài.

a, Đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế

Sự hợp tác quốc tế giữa các quốc gia là hiện thực tất yếu khách quan trong mọi thời đại. Tất cả các lĩnh vực quan hệ pháp lý giữa các quốc gia thuộc đối tượng điều chỉnh của Công pháp quốc tế nhưng những quan hệ pháp lý giữa công dân và pháp nhân phát sinh trong đời sống quốc tế thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế. Như vậy, đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là những quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài. Yếu tố nước ngoài được khẳng định tại Điều 758 Bộ luật dân sự 2005 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau: “... Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.

Theo Điều 758 BLDS 2005 thì có 3 loại yếu tố nước ngoài mà một quan hệ dân sự có sự hiện diện của một trong ba loại yếu tố đó thì thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế. Đó là:

Thứ nhất, chủ thể là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Thứ hai, khách thể của quan hệ đó ở nước ngoài (di sản thừa kế ở nước ngoài).

Thứ ba, sự kiện pháp lý là căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở nước ngoài (hai công dân Việt Nam kết hôn với nhau tại Canada ...).

b, Phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế

Có hai phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là: phương pháp xung đột và phương pháp thực chất.

Phương pháp xung đột. Các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thường liên quan đến một hay nhiều quốc gia khác nghĩa là liên quan đến

các hệ thống pháp luật khác nhau. Vấn đề đặt ra là cần phải chọn luật pháp nước nào áp dụng để giải quyết quan hệ dân sự đã phát sinh. Việc chọn luật áp dụng phải căn cứ vào quy phạm xung đột. Quy phạm xung đột là loại quy phạm đặc thù của Tư pháp quốc tế. Như vậy, phương pháp xung đột là phương pháp áp dụng các quy phạm pháp luật xung đột nhằm điều chỉnh các quan hệ Tư pháp quốc tế.

Phương pháp thực chất. Đây là phương pháp áp dụng các quy phạm pháp luật thực chất. Khác với quy phạm xung đột, quy phạm thực chất trực tiếp điều chỉnh và quy định quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia quan hệ pháp luật cụ thể. Quy phạm pháp luật thực chất bao gồm: quy phạm thực chất thống nhất (được ghi nhận trong Điều ước quốc tế) và quy phạm thực chất thông thường (được ghi nhận trong các văn bản pháp luật quốc gia).

c, Chủ thể của Tư pháp quốc tế

Chủ thể của Tư pháp quốc tế là bộ phận cấu thành cơ bản của quan hệ Tư pháp quốc tế, là thực thể đang hoặc sẽ tham gia trực tiếp vào các quan hệ Tư pháp quốc tế một cách độc lập có các quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định được bảo vệ theo các quy định của Tư pháp quốc tế và có khả năng độc lập chịu trách nhiệm pháp lý theo qui định của pháp luật đối với những hành vi do chủ thể đó gây ra.

Chủ thể của Tư pháp quốc tế bao gồm thể nhân, pháp nhân và nhà nước. Thể nhân và pháp nhân là chủ thể cơ bản, nhà nước là chủ thể đặc biệt.

d, Nguồn của Tư pháp quốc tế

Nguồn của Tư pháp quốc tế bao gồm: - Luật pháp của mỗi quốc gia

- Điều ước quốc tế

- Thực tiễn tòa án và trọng tài (án lệ) - Tập quán

Nguồn của Tư pháp quốc tế mang hai tính chất:

- Điều ước quốc tế và tập quán quốc tế mang tính chất điều chỉnh quốc tế

- Luật pháp của mỗi quốc gia mang tính chất điều chỉnh quốc nội. Mối tương quan giữa 2 tính chất trên đây của nguồn tư pháp quốc tế thể hiện rõ tại Điều 759 về hiệu lực của Bộ luật dân sự 2005.

2. Các chế định cơ bản của Tư pháp quốc tế

Tư pháp quốc tế bao gồm những chế định chủ yếu điều chỉnh các quan hệ sau đây:

a. Các quan hệ về địa vị pháp lý của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài.

b. Các quan hệ về sở hữu tài sản có yếu tố nước ngoài. c. Các quan hệ về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế d. Các quan hệ pháp luật về thanh toán quốc tế

đ. Các quan hệ về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng

e. Các quan hệ về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài f. Các quan hệ về thừa kế tài sản

g. Các quan hệ về lao động có yếu tố nước ngoài h. Các quan hệ về tố tụng dân sự quốc tế.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Trình bày các nguyên tắc cơ bản trong Công pháp quốc tế 2. Đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là gì.

3. Các loại nguồn của tư pháp quốc tế. Mỗi loại nguồn cho một ví dụ minh hoạ.

MỘT SỐ DẠNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶPI. Câu hỏi so sánh hay phân biệt I. Câu hỏi so sánh hay phân biệt

1. So sánh trách nhiệm pháp lý hình sự và dân sự.

2. Phân biệt giữa Nhà nước đơn nhất và nhà nước liên bang.

Một phần của tài liệu Giáo trình Pháp luật Việt Nam đại cương.doc (Trang 156 - 159)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(163 trang)
w