II. Tổng quan về thị trường tour giá rẻ
2. Về đối thủ cạnh tranh trong ngành.
Hiện tính trên khu vực Hà Nội có khoảng hơn 700 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác có liên quan tới du lịch: làm Visa, hộ chiếu, đặt vé, đặt chố… Trong số đó, khoảng 1/3 số doanh nghiệp đã và đang triển khai chương trình tour giá rẻ cho khách nội địa. Do vậy,mức độ cạnh tranh khi doanh nghiệp tham gia vào thị trường này là tương đối cao. Tuy nhiên theo đánh giá, tour nội địa vẫn mất điểm giá đắt. Lấy ví dụ một tour du lịch thông thường, khởi hành từ Hà Nội trong dịp giáng sinh đi Đà Lạt trong 4 ngày – 3 đêm giá khoảng 293 USD, đi Nha Trang khoảng 306 USD. Cũng khoản tiền đó, thậm chí giá rẻ hơn vài USD, thời gian lại dài hơn, khách có thể lựa chọn đi Singapore hoặc Thái Lan, Malaysia. Nếu ngược lên phía Bắc, đi bằng đường bộ sang Nam Ninh, Côn Minh (Trung Quốc) giá tour còn rẻ hơn rất nhiều. Vì vậy, khi quyết định đi du lịch, nhiều người phải cân nhắc đi tour trong nước hay ngoài nước do giá cả tour trong và ngoài gần như ngang nhau đành rằng biết mỗi điểm đến đều có nét hấp dẫn riêng.
Sở dĩ giá tour trong nước đắt vì hai yếu tố sau: Giá vé máy bay và giá phòng khách sạn.
Do tác động của nhiên liệu tăng, giá điện cũng sẽ tăng làm cho giá phòng khách sạn tăng (khoảng 20%) còn giá vé máy bay nội địa chỉ giảm khi nhà vận chuyển chính là Vietnam airline giảm nhưng điều này khó xảy ra. Trong khi đó, giá thành khách sạn và giá vé máy bay trong giá một tour đi Thái Lan hoặc đi Singapore lại rất rẻ. Chẳng hạn, giá vé máy bay đi Thái (Hong Kong giá rẻ) chỉ có 10 – 20 USD thậm chí là 1 USD nếu là mua trên các website thương mại điện tử trực tuyến ( Priceline.com, lastminute.com, travelocity.com…)
Một nguyên nhân khác cũng khiến cho giá tour trong nước cao là do sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, vận tải, nhà hàng, cửa hàng mua sắm. Vì vậy, để xây dựng một chương trình du lịch với mức giá hợp lý nói chung và chương trình tour giá rẻ nói riêng đòi hỏi các doanh nghiệp phải được liên kết chặt chẽ với nhau ngay từ đầu và sau đó là liên kết với nhà cung cấp trong quá trình xây dựng tour cho du khách.
Về hoạt động xúc tiến, quảng bá tới khách, theo chiến lược này, các doanh lựa chọn kênh phối tốn kém ít chi phí nhất là qua báo, các tập gấp và đặc biệt là qua thị trường khách truyền thống, có thể khuyến khích họ tiêu dùng hoặc qua họ giới thiệu đến bạn bè, người thân và những người có nhu cầu đi tour giá rẻ, với cách này sẽ mang lại hiệu quả hơn vì công ty đã có uy tín nhất định trong tâm trí khách hàng.
Ngoài ra, việc khai thác du lịch bằng internet cũng đang là một công cụ kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp lữ hành. Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2005, có 6 triệu lượt người Pháp (chiếm 50% tổng số du khách) đã lựa chọn và đătj các chuyến du lịch qua mạng internet, tăng 50% so với năm 2004 và tăng gấp đôi so với năm 2003.
Còn tại Mỹ, trong bản báo cáo của dự án nghiên cứu các ảnh hưởng của internet lên đời sống Mỹ đã kết luận nền công nghiệp du lịch Mỹ phát triển nhờ vào internet. Năm 2005, khoảng 78% du khách Mỹ đã sử dụng internet để tìm kiếm thông tin về các tuyến điểm, tour du lịch, hệ thống hãng kinh doanh lữ hành, khách sạn… Trong đó, 82% số người sau khi tìm kiếm thông tin du lịch từ internet đã quyết định đặt tour qua mạng. Điều đó có nghĩa là hơn 64 triệu người Mỹ dùng internet để mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, thuê ô tô hoặc đặt tour trọn gói cho các tuyến du lịch của mình. Theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới UNWTO, thì tại châu Á, Trung Quốc sẽ sớm trở thành thị trường du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới. Hiện nay, Trung Quốc có hơn 5000 địa chỉ website du lịch, trong đó hơn 300 địa chỉ đã được chuyên môn hoá. Thực tế, khai thác du lịch qua mạng hiện nay của Trung Quốc còn thấp so với nhiều quốc gia khác nhưng hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng tiềm năng phát triển du lịch trực tuyến của Trung Quốc là rất lớn.
Theo Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), nếu việc mua bán được thực hiện qua internet sẽ tiết kiệm được 10 – 50% chi phí mua sắm và 50 – 96% thời gian. Những công ty kinh doanh lữ hành hay các khách sạn ở Việt Nam hiểu rõ điều đó, đặc biệt khi lượng khách quốc tế đến nước ta ngày càng nhiều và nhu cầu đi du lịch trong nước cũng không ngừng tăng cao. Chính vì vậy, giao dịch du lịch điện tử
hiện đang được đa số các công ty kinh doanh lữ hành xây dựng và triển khai một cách nhanh chóng và có tính quy mô cao.
Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều đã thiết kế cho riêng mình những trang web nội dung phong phú, đặc sắc với chương trình tour chủ lực, liên tục cập nhật thông tin bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Vì vậy khi có các thông tin về tour mới, về giá, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng đưa lên mạng để cung cấp cho khách. Cách quảng bá này sẽ có mức chi phí không cao, phù hợp với chiến lược giảm chi phí trong tour giá rẻ.
Tuy nhiên, kinh doanh du lịch qua mạng internet là hình thức thương mại điện tử, do đó khách hàng thường lo ngại về tính chính xác của thông tin, các sự cố an ninh mạng, dịch vụ khách hàng. Để đảm bảo uy tín cho khách đòi hỏi phải tự các doanh nghiệp thiết kế đi vào hoàn thiện và quản lý các website của mình sao cho có hiệu quả và đem đến cho người tiêu dùng những lựa chọn tốt nhất.
Giới phân tích khẳng định việc 1/6 tổng dân số thế giới sử dụng internet thì nhu cầu giao dịch du lịch qua mạng sẽ ngày càng tăng, điều này cho thấy tín hiệu lạc quan về sự phát triển du lịch qua mạng ở Việt Nam trong giai đoạn 2006 – 2010.