2.2.2.1. Những hạn chế còn tồn tại
Qua những đánh giá về thực trạng hoạt động tín dụng ngắn hạn tại ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – chi nhánh Hà Tĩnh, ta có thể thấy ngân hàng đã đạt được nhiều thành công vượt bậc trong giai đoạn 2012-2014. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng ngắn hạn lại là một hoạt động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy trong quá trình hoạt động kinh doanh, ngân hàng sẽ không tránh khỏi việc gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Do đó cần có những biện pháp giải quyết để có thể nâng cao chất lượng tín dụng ngắn hạn, khiến cho hoạt động này không chỉ là hoạt động tốt vể lượng, tạo ra nhiều lợi nhuận cho ngân hàng mà còn là một hoạt động tốt cả về chất, an toàn cho ngân hàng. Một số mặt tồn tại trong hoạt động tín dụng ngắn hạn đó là:
• Quy mô hoạt động tín dụng nói chung và quy mô hoạt động tín dụng ngắn hạn nói riêng của ngân hàng chỉ chiếm thị phần nhỏ trên địa bàn Hà Tĩnh, dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao. Một trong những nguyên nhân chính đó là do việc ra đời muộn hơn so với các NHTM Nhà nước trên địa bàn, mạng lưới hoạt động của ngân hàng theo đó cũng chưa được mở rộng và phát triển bằng các ngân hàng khác như: Vietcombank, Agribank, BIDV. Vì vậy trong thời gian tới ngân hàng cần có những kế hoạch nhằm mở rộng mạng lưới hoạt động góp phần mở rộng quy mô tín dụng.
• Đối tượng cho vay ngắn hạn của ngân hàng hiện nay chủ yếu tập trung ở khách hàng cá nhân. Việc cho vay cá nhân tuy thích hợp trong giai đoạn hiện nay, nhưng nếu cho vay quá nhiều sẽ dẫn đến những bất lợi cho ngân hàng khi giá trị khoản tín dụng này khá là thấp, trong khi đó chi phí bỏ ra để tìm hiều về khách hàng và thu hồi vốn thường lớn. Ngoài ra, các cá nhân và hộ gia đình hiện nay chưa có hồ sơ tín dụng tại ngân hàng nên thông tin về họ rất ít, việc xác định các thông tin về tình trạng sức khoẻ của người vay, thông tin về công việc hiện có và mức độ ổn định của công việc là rất khó khăn. Điều này tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro rất lớn cho ngân hàng khi quá tập trung vào đối tượng khách hàng này.
• Tỷ lệ nợ xấu cao là nguy cơ dẫn đến việc mất vốn, không thu hồi được khoản tiền đã cho vay của ngân hàng. Trong những năm qua mặc dù ngân hàng đã có nhiều chiến lược cũng như biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tín dụng ngắn hạn, tuy nhiên do những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan làm cho tỷ lệ nợ ngắn hạn quá hạn nhanh chóng chuyển thành nợ xấu, khiến cho tỷ trọng của những khoản mục này vẫn ở mức cao so với quy mô của tín dụng ngắn hạn tại ngân hàng. Đặc biệt tỷ lệ nợ xấu có nhiều biến động tiêu cực khi mà năm 2014 có dấu hiệu tăng cao đột biến như số liệu đã phân tích.
• Trong khi nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5 đã có xu hướng giảm xuống thì nợ nhóm 3 lại đang tăng mạnh lên, tới gần 10 lần. Theo đó, điều này làm cho tỷ lệ nợ xấu của
ngân hàng tăng lên đột biến vào năm 2013, làm giảm chất lượng tín dụng ngắn hạn của ngân hàng xuống đáng kể.
2.2.2.2. Nguyên nhân của các hạn chế
a) Nguyên nhân khách quan
• Về môi trường kinh doanh:
Hà Tĩnh được xem là địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có từ tài nguyên thiên nhiên lẫn vị trí địa lý như mỏ sắt Thạch Khê, cảng nước sâu Vũng Áng, đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào với cửa khẩu Cầu Treo giao thương sầm uất. Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành xây dựng tổng thể quy hoạch kinh tế dài hạn, lựa chọn 8/21 nhóm kinh tế có tiềm năng triển vọng của Việt Nam để hoạch định chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2050 của tỉnh. Tám nhóm, ngành kinh tế trọng điểm được lựa chọn gồm: sắt thép, nông nghiệp, thương mại – vận tải – hậu cần, sản xuất các sản phẩm từ thép, dệt - may mặc, xây dựng, giáo dục - đào tạo, viễn thông và dịch vụ kinh doanh thuê ngoài. Tuy nhiên, nhìn chung Hà Tĩnh vẫn là một tỉnh nghèo, hoạt động kinh doanh trên địa bàn còn chưa thực sự phát triển. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn còn rất ít với quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ. Do đó, công tác huy động vốn cũng như phát triển mở rộng hoạt động tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong thời gian tới địa bàn Hà Tĩnh hứa hẹn sẽ là một thị trường kinh tế sôi động.
• Về môi trường pháp lý:
Môi trường pháp lý cho hoạt động tín dụng vẫn chưa đầy đủ, còn rất nhiều bất cập và chưa thực đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về hoạt động của các TCTD nói riêng tuy đã có nhiều chuyển biến, cũng như nhiều sửa đổi tích cực song hiện nay vẫn còn nhiều chồng chéo, thiếu tính đồng bộ gây ra khó khăn cho ngân hàng trong việc tổ chức và thực hiện.
• Về tình hình kinh tế, chính trị:
Từ năm 2008, nền kinh tế thế giới bắt đầu có nhiều biến động và bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu khi cuộc khủng hoàng tài chính kinh tế thế giới nổ ra. Cuộc khủng hoảng này đã tác động đến hầu hết tất cả các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Đến giai đoạn 2012-2014 nền kinh tế bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi, đi lên từ những khó khăn, tổn thất của cuộc khủng hoảng này. Bên cạnh đó, tình hình chính trị bất ổn trên địa bàn cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng....Những biến động đó có những tác động trực tiếp tới quyết định của người dân trong việc nắm giữ tài sản và đầu tư của mình. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động huy động vốn cũng như tín dụng của ngân hàng trong giai đoạn này.
- Với quy mô vừa và nhỏ, các doanh nghiệp trên địa bàn có trình độ quản lý và kinh doanh chưa thực sự tốt, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Điều này làm thất thoát vốn và nhiều chi phí không cần thiết dẫn đến việc không đủ sức đứng vững trong sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường.
- Trong quá trình thẩm định vay vốn, đa số khách hàng cung cấp các thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính không đầy đủ, không kịp thời hoặc có sai lệch so với thực tế, nhằm đạt mục đích được ngân hàng đồng ý cho vay vốn. Điều này thực sự đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác thẩm định, kiểm tra và giám sát của ngân hàng.
- Mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng trong tín dụng ngắn hạn thường rất khó kiểm soát, do những khoản vay nhỏ lẻ và phân tán. Đặc biệt, đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng dường như không thể nắm bắt chính xác hết được mục đích sử dụng vốn vay của họ.
b)Nguyên nhân chủ quan
• Về quy trình nghiệp vụ tín dụng
Thực tế hiện nay quy trình nghiệp vụ tín dụng tại ngân hàng phụ thuộc quá nhiều vào đánh giá chủ quan của cán bộ tín dụng. Theo đó các cán bộ tín dụng là người thực hiện tất cả các công đoạn từ khi khách hàng đến xin vay vốn, giải ngân rồi đến khi khoản vay được tất toán. Họ phải tiến hành thu thập mọi thông tin về khách hàng vay vốn, phân tích đánh giá khách hàng, thẩm định phương án vay vốn, phân tích về biện pháp bảo đảm tiền vay, về tính pháp lý, giá trị và khả năng xử lý tài sản đảm bảo này khi cần thiết. Với các nhiệm vụ như trên thì trách nhiệm của các cán bộ tín dụng là quá lớn và những sai sót trong quá trình thẩm định là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, một dự án, một phương án vay vốn thường liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau nên cán bộ tín dụng không phải lúc nào cũng am hiểu hết để có thể đánh giá, thẩm định một cách tốt nhất.
• Về công tác thẩm định tín dụng
Chất lượng công tác thẩm định chưa cao và còn rất nhiều mặt hạn chế. Cụ thể:
- Đối tượng khách hàng mà ngân hàng hướng tới là rất rộng, tuy nhiên đối tượng cho vay chủ yếu vẫn là khách hàng truyền thống, là những khách hàng mà đã có những giao dịch hay quan hệ tín dụng với ngân hàng trước đó. Chính vì thân quen nên đôi khi các cán bộ tín dụng bỏ qua một số bước trong khâu thẩm định tín dụng, kéo theo những hệ quả ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Do đó, đòi hỏi các ngân hàng cần phải thận trọng hơn trong công tác thẩm định, đặc biệt là trong thời điểm kinh tế như hiện nay.
- Hiện nay, tại ngân hàng, cán bộ tín dụng chưa phân công một cách chuyên sâu theo ngành nghề, lĩnh vực mà mỗi cán bộ được phân công quản lý một số hay một nhóm khách hàng, hầu hết là khách hàng cũ của ngân hàng hoặc khách hàng do cán bộ tín
nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Sự phân công như vậy thực sự chưa hợp lý, nó không phát huy được hiệu quả của công tác thẩm định.
- Hiện nay chưa có một cơ quan hay đơn vị có thẩm quyền nào tiến hành đánh giá chỉ tiêu trung bình ngành đối với từng lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn. Do đó quá trình phân tích tài chính khách hàng tại các ngân hàng chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đánh giá, so sánh các chỉ tiêu, hệ số kỳ này với kỳ trước, của khách hàng này với khách hàng khác kinh doanh cùng loại hình, trong trường hợp cả 2 khách hàng cùng xin vay vốn tại ngân hàng. Công tác thẩm định tín dụng theo đó cũng trở nên khó khăn đối với ngân hàng.
• Về thông tin
Thông tin về các khách hàng, ngành hàng trong nền kinh tế còn thiếu, ngay cả những ngành đang được Nhà nước khuyến khích đầu tư. Nguồn thông tin chủ yếu hiện nay vẫn là các tài liệu mà khách hàng cung cấp, điều này hoàn toàn không đảm bảo được tính khách quan, chính xác của số liệu. Chính vì vậy, việc thu thập thông tin trong quá trình thẩm định cho vay của ngân hàng hiện nay còn rất nhiều hạn chế và tính chính xác chưa cao. Ngoài ra, công tác xử lý thông tin còn chưa được thực sự hiệu quả, hệ thống chỉ tiêu đánh giá và hệ thống thang chấm điểm cần chưa được xây dựng và đổi mới phù hợp với thực trạng nền kinh tế.
• Về cán bộ tín dụng
Về mặt trình độ thì 100% cán bộ tín dụng trong ngân hàng đều có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên về mặt năng lực chuyên môn, khả năng thẩm định của một số cán bộ tín dụng còn hạn chế, đặc biệt là về mặt kinh nghiệm thực tế còn rất ít. Ngoài ra các cán bộ tín dụng hầu như thụ động trong việc cùng khách hàng tìm kiếm, phát triển phương án kinh doanh, thực tế chỉ mới dừng lại ở mức tư vấn về các điều kiện thủ tục vay vốn.
Về mặt số lượng thì hiện nay số lượng cán bộ công nhân viên của ngân hàng đang khá là ít. Một phần là do mạng lưới hoạt động còn khá là nhỏ bé, mặt khác do tình hình kinh tế khó khăn, ngân hàng thực hiện cắt giảm khá nhiều nhân sự. Tuy nhiên trong những năm tới, khi nền kinh tế phục hồi trở lại, ngân hàng tiến hành mở rộng thị phần thì điều đầu tiên cần chú trọng chính là việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực mới nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới.