D. Những ảnh hưởng của VKFTA đối với công ty cổ phần may Việt Thịnh và đề xuất giải pháp:
3) Những cơ hội và thách thức tác động đến xuất khẩu của Công ty sang thị trường Hàn Quốc trong thời gian tới:
Hàn Quốc trong thời gian tới:
Cơ hội
● O1:Giải quyết bài toán về nguyên liệu: Gia nhập Chuỗi cung ứng Dệt may
ASEAN (SAFSA), Việt Thịnh đã và đang có cơ hội tiếp cận với các đơn hàng lớn có giá trị lợi nhuận cao. Ngoài ra, giải quyết được phần nào bài toán về nguồn nguyên liệu vì đã có một khâu trong mắt xích chuyên cung cấp nguyên liệu theo nhu cầu. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi mà nguồn nguyên liệu ngày một khan hiếm, giá nguyên liệu đầu vào ngày một tăng.
● O2: Ưu đãi thuế quan:Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-Hàn Quốc được ký kết mở ra nhiều triển vọng cho hoạt động xuất khẩu các ngành hàng của Việt Nam, đặc biệt là ngành dệt may. Bên cạnh việc các dòng thuế được giảm về 0% khi VKFTA có hiệu lực thì Hiệp định VKFTA còn tăng cường hơn nữa hoạt động thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Hàn Quốc.
● O3:Chú trọng đầu tư, phát triển: Cả Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng chú trọng việc cam kết, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay còn yếu nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn nguyên phụ liệu đầu vào của sản xuất dệt may. Hiệp định VKFTA cũng mở ra cơ hội cho Hàn Quốc đầu tư vào chuỗi sản xuất ngành dệt may Việt Nam.
● O4:Tạo cơ hội việc làm: Hiệp định VKFTA dự báo sẽ đem lại nhiều lợi ích xã hội tích cực hơn nữa nhờ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Từ đó, tạo nên nguồn nhân công dồi dào với tay nghề cao hơn giúp cho các doanh nghiệp giúp tăng khả năng cạnh tranh của mình ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Thách thức
● T1: Cạnh tranh quốc tế: Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ cũ và mới như Trung Quốc, Campuchia,... về mẫu mã chủng loại, giá cả của đối thủ đáp ứng nhu cầu thị trường Hàn Quốc.
Biểu đồ phần trăm sản lượng nhập khẩu mặt hàng dệt may của Hàn Quốc (2016)
● T2: Thị trường khắt khe: So với các thị trường truyền thống thì thị trường Hàn Quốc được coi là tương đối nhỏ trong khi đó yêu cầu về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hay tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu cao hơn nhiều so với thị trường các nước ASEAN hay Trung Quốc, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
● T3: Khả năng hội nhập hạn chế: Nhận thức về các FTA và năng lực hội nhập quốc tế của doanh nghiệp còn hạn chế. Năng lực hội nhập và mở rộng thị trường nước ngoài còn yếu, còn thụ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chủ động điều chỉnh theo yêu cầu đòi hỏi của hội nhập kinh tế. Các khách hàng tại Công ty chiếm phần lớn là khách hàng truyền thống. Hạn chế trong việc tìm kiếm các khách hàng mới, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng là một cản trở cho công ty trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
● T4:Nguồn lao động không ổn định: Chế độ đãi ngộ cho người lao động còn khá hạn chế, nguồn lao động tại Công ty không được ổn định. Tình hình lao động của Công ty có xu hướng giảm một phần là vì chất lượng đời sống công nhân còn kém, lương công nhân chậm được cải thiện, thời gian tăng ca cho sản xuất nhiều nên một lượng lớn công nhân chuyển về địa phương làm hoặc sang doanh nghiệp khác.
Từ những cơ sở phân tích trên, doanh nghiệp cận tận dụng những lợi thế điểm mạnh và cơ hội có được để khắc phục những điểm yếu, thách thức đang phải đối mặt. Những mục tiêu cơ bản cần đạt được đối với công ty:
Tăng khả năng mở rộng ra thị trường Hàn Quốc: Khi Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định tự do thương mại VKFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Thịnh trong hoạt động mở rộng thị phần ở thị trường Hàn Quốc. Nhờ được hưởng các chế độ ưu đãi từ Hiệp định này mà Việt Thịnh sẽ tiếp tục củng cố, hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra để các sản phẩm của Công ty có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng ở những thị trường mới, tiềm năng.
Giữ vững uy tín với các khách hàng lâu năm, ngày càng đa dạng hóa các đối tượng khách hàng: Công ty tiếp tục giữ mối quan hệ tốt đẹp với các khách hàng lâu năm dựa trên bề dày kinh nghiệm sản xuất sẵn có cùng với thế mạnh về trang thiết bị máy móc hiện đại, cơ sở vật chất đạt chuẩn. Bên cạnh đó, cũng có thể tận dụng những cơ hội có được khi Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định tự do thương mại để thu hút đầu tư, nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nhằm cải thiện hoạt động xuất khẩu hướng đến mục tiêu đa dạng hóa các đối tượng khách hàng.
Đáp ứng các yêu câu khắt khe của khách hàng đối với quy trình sản xuất và chất lượng của sản phẩm đầu ra: Hiện nay, ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh cùng ngành cả trong và ngoài nước xuất hiện và các yêu cầu của khách hàng cũng ngày càng khắt khe, gắt gao hơn. Điều này khiến công ty cổ phần may Việt Thịnh phải nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện, đẩy mạnh chiến lược phát triển sản phẩm về mẫu mã, chủng loại nhưng vẫn đảm bảo giá cả cạnh tranh, hợp lý. Nếu không làm được điều này, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không hoàn thành các đơn đặt hàng, dẫn đến mất niềm tin với khách hàng.
Đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm, tăng thêm nhiều sự lựa chọn cho khách hàng khi tìm đến Công ty đặt hàng: Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, chủ lực của Công ty thì đa dạng hóa chủng loại là một chiến lược quan trọng và cần thiết đối với các doanh nghiệp may mặc nói chung và Công ty Cổ phần may Việt Thịnh nói riêng. Hiện nay, tại Công ty, áo Jacket và quần các loại là hai sản phẩm chủ lực của Công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước. Thời gian tới, Công ty tiếp tục hoàn thiện, nâng cao khả năng cung ứng các sản phẩm khác trong hoạt động xuất khẩu sản phẩm gia công thuần túy cũng như hàng tự doanh.
Cải thiện, phát triển quy mô sản xuất của Công ty, bước đầu tự chủ trong cung cấp nguyên liệu đầu vào: Trong thời gian gần đây, tuy đã từng bước đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất bằng cách trang bị thêm các dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất hiện đại, gia tăng số lượng lao động nhưng ở một số đơn hàng lớn với thời gian hoàn thành ngắn,
Công ty vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Công ty cũng gặp áp lực về bài toàn về nguyên phụ liệu đầu vào khi phải phụ thuộc khá nhiều vào sự cung cấp nguyên phụ liệu của khách hàng. Trong thời gian tới, Công ty cần phải tìm kiếm, nghiên cứu các nhà cung cấp nguồn đầu vào uy tín, chất lượng để từng bước tự chủ nguồn nguyên phụ liệu để đẩy mạnh hoạt động sản xuất hàng tự doanh, mang lại nhiều lợi nhuận cho Công ty.
Đầu tư, phát triển nguồn nhân lực,chú trọng trong khâu marketing: Nguồn nhân lực là nhân tố thiết yếu đối với các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất nói chung và Việt Thịnh nói riêng. Để có thể cải thiện, nâng cao hoạt động sản xuất và chất lượng sản xuất cần phải có một đội ngũ quản trị cùng nguồn lao động dày dặn kinh nghiệm, tay nghề cao. Đặc biệt là trong khâu marketing quảng bá sản phẩm để mở rộng, phát triển thương hiệu của Công ty ra nhiều thị trường mới, tiềm năng. Để thu hút nguồn lao động có trình độ và kinh nghiệm, Công ty cần phải thường xuyên áp dụng các chính sách đãi ngộ cho người lao động như tăng lương, đào tạo nguồn lao động thông qua các khóa học ngắn hạn,...
Tăng cường liên doanh liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành: Việc liên doanh liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành không những giảm bớt nguy cơ rủi ro của thị trường mà còn giúp Công ty dễ dàng hơn trong việc hoàn tất các đơn đặt hàng ngày càng nhiều, đa dạng như hiện nay nhằm tạo sự tin tưởng của các đối tượng khách hàng trong nước và quốc tế khi tìm đến Việt Thịnh để đặt hàng.