Afshin Shiva và các cộng sự tiến hành nghiên cứu tại Bệnh viện Imam Khomeini, tỉnh Mazandaran, Iran để đánh giá việc sử dụng kháng sinh imipenem. Đối tượng nghiên cứu gồm tất cả các bệnh nhân điều trị nội trú và sử dụng imipenem từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2010. Theo nghiên cứu, 83/100 (83%) bệnh nhân được đánh giá có sử dụng kháng sinh kinh nghiệm trong ngày đầu tiên và trong đó có 31/83 bệnh nhân (37%) sử dụng imipenem. Tất cả các bệnh nhân sử dụng imipenem đều theo kinh nghiệm. Phác đồ phối hợp với imipenem sử dụng nhiều nhất là vancomycin (66%), tiếp theo là fluoroquinolon (37%) và aminoglycosid (32%). Trong 100 bệnh nhân được đánh giá, 50 bệnh nhân có thời gian điều trị phù hợp và 64 bệnh nhân có liều dùng imipenem phù hợp. Có 14 đơn cần hiệu chỉnh liều theo chức năng thận, tuy nhiên chỉ có 5 trường hợp được thực hiện. Về xét nghiệm vi sinh, 29/100 bệnh nhân được tiến hành lấy mẫu nuôi cấy và phân lập vi khuẩn. Tỷ lệ gặp các biến cố bất lợi là 13/100 (13%) bệnh nhân, trong đó có 2 trường hợp xuất hiện co giật. Như vậy, nghiên cứu ghi nhận việc sử dụng chủ yếu còn dựa trên kinh nghiệm, thiếu hụt trong việc hiệu chỉnh liều theo chức năng thận cũng như việc điều chỉnh liệu pháp kháng sinh ban đầu [69].
Tại Mỹ, Wissam K Kabbara và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu đánh giá sự phù hợp trong kê đơn imipenem ở một bệnh viện hạng ba. Nghiên cứu đánh giá 100 bệnh nhân về chỉ định (gồm chỉ định theo kinh nghiệm và sau khi có kết quả nuôi cấy), liều lượng, hiệu chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận và sự xuất hiện biến cố co giật ở bệnh nhân dùng imipenem-cilastatin. Kết quả thu được chỉ ra bệnh nhân được dùng imipenem-cilastatin chủ yếu để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu (27%) hoặc nhiễm khuẩn huyết không rõ nguyên nhân (22%). Trong 71/100 bệnh nhân điều trị imipenem theo kinh nghiệm, có 69/71 (97,2%) phù hợp về chỉ định theo quy ước và 2/71 (2,8%) không phù hợp. Sau khi có kết quả nuôi cấy vi khuẩn, có 56/71 (78,8%) bệnh nhân tiếp tục dùng imipenem với tỷ lệ phù hợp là 46/56 (82,1%) và 15/71 (22,2%) không tiếp tục dùng imipenem với tỷ lệ phù hợp là 15/15 (100%). Có 29/100 (29%) bệnh nhân bắt đầu dùng imipenem-cilastatin sau khi có kết quả nuôi cấy vi khuẩn và 4/29
21
(13,8%) bệnh nhân cho thấy không phù hợp. Về liều dùng, 49/100 bệnh nhân có chức năng thận bình thường, trong đó 46/49 (93,9%) bệnh nhân có liều phù hợp. Trên 51/100 bệnh nhân suy giảm chức năng thận, 21/51 (41,2%) bệnh nhân có liều không phù hợp. Chỉ có 1/100 trường hợp xuất hiện co giật sau khi dùng thuốc. Có thể thấy việc kê đơn imipenem tại bệnh viện hầu hết phù hợp với các khuyến cáo, tuy nhiên việc hiệu chỉnh liều cần được quản lý hiệu quả hơn [44].
Tại Thái Lan, Suree Saengtong đã thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chương trình đánh giá sử dụng thuốc (DUE) dựa trên các tiêu chí được xây dựng và thống nhất với mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị của kháng sinh imipenem- cilastatin. Nghiên cứu tiến hành trên 40 bệnh nhân trước can thiệp và 56 bệnh nhân sau can thiệp. Kết quả cho thấy sau khi áp dụng chương trình DUE tỷ lệ sử dụng imipenem-cilastatin đã tăng lên trong điều trị các trường hợp có chẩn đoán xác định (từ 55,0% lên 73,3%). Số lượng sử dụng imipenem-cilastatin trung bình trong mỗi đợt điều trị đã giảm đáng kể, từ 36,46 lọ xuống 14,18 lọ (p <0,05) ở bệnh nhân nhi và giảm từ 35,63 lọ xuống 25,91 lọ ở bệnh nhân người lớn. Trong giai đoạn sau can thiệp, không có trường hợp sử dụng imipenem-cilastatin với mục đích dự phòng. Chi phí sử dụng imipenem-cilastatin trung bình cho mỗi bệnh nhân đã giảm từ 19546,86 baht xuống còn 15869,54 baht. Điều này phản ánh việc thực hiện một chương trình DUE đã giúp tăng cường sử dụng imipenem-cilastatin đúng cách cũng như giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh và nền y tế nói chung [64].