Về kết quả chiết xuất, phân lập các chất

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thành phần hóa học và thử tác dụng chống viêm in vitro bằng mô hình ức chế giải phóng no trên tế bào đại thực bào raw 264 7 của cây vối đường (myrsine seguinii h lev) thu hái tại hòa bình (Trang 40 - 42)

Về chiết xuất: việc sử dụng phương pháp ngâm với EtOH 96% trong chiết xuất dược liệu là phương pháp rẻ tiền, đơn giản, ít độc hại, tiết kiệm do có thể thu hồi dung môi để tái sử dụng và có thể nâng cấp quy mô. Ngâm chiết nhiều lần với lượng dung môi lớn và thời gian dài giúp thu được lượng cao toàn phần đạt gần 15% so với lượng dược liệu thô.

Cao toàn phần được phân tán vào nước và tạo các phân đoạn hóa học bằng phương pháp sử dụng các chất hấp phụ chọn lọc là macroporous HP-20 với dung môi H2O, EtOH 25%, EtOH 50%, EtOH 96% thu được cao các phân đoạn tương ứng. Trên thực tế, phương pháp chiết phân bố lỏng lỏng sử dụng dung môi hữu cơ được áp dụng phổ biến trong các nghiên cứu với ưu điểm thao tác đơn giản. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là sử dụng lượng lớn các dung môi hữu cơ độc hại, quy trình gồm nhiều bước, khó nâng cấp quy mô, hiệu suất thu hồi không cao. Trong khi phương pháp chiết rắn lỏng là xu hướng mới trong công nghệ tinh chế và làm giàu các hợp chất tự nhiên ngày nay với ưu điểm cấu trúc đa dạng, hiệu suất cao, khả năng lặp lại và ổn định tốt, khả năng hấp phụ/phản hấp phụ chọn lọc với các phân tử mục tiêu, sử dụng các dung môi thân thiện với môi trường như nước và ethanol, có thể tái sử dụng, phù hợp với nhiều nhóm hoạt chất, chi phí vận hành rẻ, phù hợp khi triển khai ở quy mô lớn.

Về việc phân lập bằng sắc ký cột: cao phân đoạn được khảo sát bằng sắc ký lớp mỏng với các hệ dung môi khác nhau, từ đó chọn ra hệ dung môi tối ưu để phân lập các chất. Trong quá trình tách chất bằng sắc ký cột thu được các phân đoạn nhỏ hơn, các phân đoạn này tiếp tục được khảo sát bằng TLC, sau đó chọn các phân đoạn tiềm năng để tinh chế chất tinh khiết bằng sắc ký cột pha thường, pha đảo, sắc ký lọc gel và sắc ký lỏng hiệu năng cao.

Về hợp chất phân lập được: Cơ sở của việc phân lập chất này là dựa trên kết quả thử tác dụng chống viêm in-vitro lựa chọn phân đoạn hóa học có hoạt

32

tính và căn cứ vào tín hiệu rõ ràng nhất về vết dưới ánh sáng thường sau khi phun thuốc thử, UV 254nm và 366nm trên TLC, sắc ký đồ HPLC. Kết quả thu được là từ 4,8g cao phân đoạn ethanol 50% phân lập được ba chất tinh khiết là VD-1 (5,2mg), VD-2 (13,5mg) và VD-3 (3,2mg).

Từ các dữ liệu về phồ khối và phổ cộng hưởng từ hạt nhân, so sánh với các dữ liệu đã công bố, xác định được VD-2 là 2R,3R-taxifolin 3-O-α-L- rhamnopyranoside còn được gọi là astilbin. Nghiên cứu này lần đầu tiên khẳng định sự có mặt của astibilin trong loài Myrsine seguinii H. Lev, mặc dù một đồng phân của nó là quercitrin đã từng được công bố trong lá của loài này [53]. Đây cũng là một flavonoid phổ biến được tìm thấy trong nhiều loại thảo mộc và thực phẩm khác nhau như Engelhardia roxburghiana Wall., Smilax GlabraRoxb., Sarcandra glabra, Dimrophandra mollis, Hypericum perforatum,

Virola oleifera,Engelhardtia chrysolepis, Harungana madagascariensis Lam. ex Poir, nho và rượu vang đỏ…[9], [13], [17], [19], [23-25], [36], [49], [50].

Các nghiên cứu về tác dụng dược lý của astilbin chỉ ra rằng hợp chất này đóng vai trò chính gây ra tác dụng chống oxy hóa của loài Smilax glabra Roxb. [49] cũng như thể hiện tác dụng chống viêm thông qua việc ức chế biểu hiện IL- 1β và IL-6 mARN [19]. Bằng cách điều chỉnh căng thẳng oxy hóa và phản ứng viêm, astilbin có khả năng bảo vệ gan trong tổn thương gan do Cl4C gây ra [15], làm giảm độc tính trên thận do cisplatin gây ra [44], bảo vệ thận sớm trong bệnh thận đái tháo đường [28], cải thiện tình trạng tăng acid uric máu do kali oxanat [43]. Nó cũng có thể hoạt động như một chất điều trị viêm khớp hiệu quả với ít tác dụng phụ hơn so với cyclosporine A [12]. Astilbin còn thể hiện khả năng cải thiện tổn thương gan do quá mẫn chậm với picryl clorid bằng cách ức chế sự gia tăng alanin và aspartate transaminase trong huyết thanh ở giai đoạn tác dụng [45]. Bên cạnh đó, các tác dụng khác của astilbin đã được báo cáo như ức chế miễn dịch, ức chế coenzym A 3-hydroxy-3-methylglutaryl reductase, kháng khuẩn, chống khối u, diệt côn trùng [9], [14], [36], [40], [46].

33

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thành phần hóa học và thử tác dụng chống viêm in vitro bằng mô hình ức chế giải phóng no trên tế bào đại thực bào raw 264 7 của cây vối đường (myrsine seguinii h lev) thu hái tại hòa bình (Trang 40 - 42)