3. Nội dung nghiên cứu
3.1.1. Kỹ thuật hỏi WTP và WTP trung bình
Như đã trình bày ở quy trình thực hiện định giá ngẫu nhiên, để có thể thu thập được câu trả lời cho mức WTP từ người trả lời, các kỹ thuật hỏi WTP sử dụng rộng rãi nhất trong các cuộc khảo sát CV là câu hỏi kết thúc mở, trò chơi đặt giá thầu, thẻ thanh toán và câu hỏi lựa chọn lưỡng phân (giới hạn đơn, đôi hoặc đa). Các kỹ thuật hỏi WTP phổ biến hiện nay được khái quát như sau:
- Câu hỏi kết thúc mở - Open-ended question: một câu hỏi CV trong đó người trả lời được yêu cầu cung cấp cho người phỏng vấn về mức WTP của họ. Ví dụ như: “Mức giá cao nhất mà ông/bà có thể trả để cải thiện dịch vụ nước cấp là bao nhiêu?” Ưu điểm của kỹ thuật này là nó tương đối dễ hiểu đối với người trả lời. Tuy nhiên kỹ thuật này liên quan đến việc một số lượng lớn người trả lời không phản hồi và đưa ra mức WTP bằng không vì đối với những người không có sự hiểu biết hay thông tin về loại hàng hóa môi trường đang được hỏi, không có thước đo, cơ sở rõ ràng để đưa ra mức WTP của mình [79].
- Trò chơi đặt giá thầu - Bidding game: là một dạng câu hỏi CV trong đó các cá nhân được hỏi lặp đi lặp lại liệu họ có sẵn sàng trả một số tiền nhất định hay không, bằng cách tăng (giảm)
số tiền tùy thuộc vào WTP của người trả lời cho số tiền được đề nghị trước đó. Nó có hiệu quả tốt hơn so với định dạng kết thúc đóng vì nó có khả năng gợi ra WTP tối đa cho người trả lời và quá trình lặp đi lặp lại giúp người trả lời xem xét đầy đủ giá trị của hàng hóa được đề cập. Nhưng phương pháp này thể hiện sự thiên vị về điểm xuất phát rất mạnh và có thể gây nhàm chán cho người được hỏi và do đó họ có thể chỉ đưa ra câu trả lời để tránh các câu hỏi bổ sung [79].
- Thẻ thanh toán - Payment Card: là một dạng câu hỏi CV trong đó các cá nhân được yêu cầu chọn mức WTP từ danh sách các giá trị do người khảo sát xác định trước và biểu diễn trên bảng hỏi cho người trả lời. Phương pháp này tốt hơn so với định dạng kết thúc mở vì nó có thể đơn giản hơn cho những người được hỏi và có thể thu được một tỷ lệ lớn câu trả lời [79].
- Câu hỏi lựa chọn lưỡng phân (giới hạn đơn/đôi/đa) – (single/ double/ multiple bounded) dichotomous choice:
người trả lời hỏi liệu họ có đồng ý trả một số tiền đã nêu cho hàng hóa được đề cập hay không. Phương pháp này có lợi hơn so với câu hỏi mở trong việc khai thác WTP vì sự đơn giản của câu trả lời. Người trả lời chỉ cần trả lời “có” hoặc “không” với các mức giá được đưa ra. Nó cũng có lợi thế là giống với sự lựa chọn mà các cá nhân được yêu cầu thực hiện trên thị trường thực tế khi phải đối mặt với giá thị trường. Tuy nhiên, yêu cầu mẫu lớn để ước tính lợi ích do WTP tối đa không thu được trực tiếp từ định dạng này [79].
Nhìn chung, các kỹ thuật hỏi WTP trên đều có có ưu thế riêng và vấn đề được đặt ra ở đây là: Kỹ thuật nào giúp người ta có thể khai thác được mức WTP thật mà người trả lời mong muốn?
Sau khi đã tổng hợp, phân tích 74 bài nghiên cứu, tác giả nhận thấy rằng, việc sử dụng kỹ thuật hỏi nào phụ thuộc vào 2 yếu tố. Thứ nhất là tùy thuộc vào từng khu vực nghiên cứu thì người ta sẽ thiết kế câu hỏi sao cho phù hợp với đặc điểm khu vực, dân cư hoặc văn hóa nhằm thu được kết quả tốt nhất. Thứ hai là tùy thuộc vào mục đích của nghiên cứu đó. Ví dụ, tác giả Simon Meunier và cộng sự [76] khi thực hiện nghiên cứu về “Các yếu tố quyết định
mức độ sẵn sàng chi trả cho nước sinh hoạt và tưới tiêu được cải thiện ở các làng Rwandan”, đã đưa quyết định không thực hiện cơ chế giá thầu dù đây là một trong những phương pháp phổ biến để định giá ngẫu nhiên. Nhóm tác giả này cho rằng khả năng chấp nhận của người trả lời đối với những cơ chế đấu thầu này tương đối thấp. Những trò chơi này có thể dẫn đến việc giảm tỷ lệ phản hồi và làm giảm uy tín của nhà cung cấp điện đối tác của nhóm tác giả. Ngoài ra, nhóm tác giả cũng chỉ ra rằng các thử nghiệm như sử dụng cơ chế đầu thầu không hiệu quả ở những khu vực có trình độ học vấn thấp và nơi mọi người không quen lựa chọn giữa các phương án chính sách. Cuối cùng, mục đích của nghiên cứu là xác định các yếu tố quyết định đến WTP chứ không phải giá trị tuyệt đối của WTP. Một số nghiên cứu khác lại sử dụng câu hỏi mở để khai thác giá trị WTP, ưu điểm của dạng câu hỏi này có thể để người trả lời ngẫu nhiên giá cả mà họ mong muốn, phù hợp hầu hết với mọi đối tượng. Tóm tại, tác giả cho rằng, không có cách khai thác nào là câu trả lời chính xác cho câu hỏi trên, việc đưa ra cách thức khai thác giá trị WTP còn phải tùy thuộc vào khu vực thực hiện nghiên cứu, đối tượng khảo sát và mục tiêu mà nghiên cứu đó hướng tới.
Về việc sử dụng các kỹ thuật hỏi trong 74 nghiên cứu được tìm thấy, kết quả thu được như sau:
Bảng 3.1. Các kỹ thuật hỏi WTP được sử dụng trong 74 nghiên cứu liên quan
Kỹ thuật hỏi WTP Số lượng Tỷ lệ
Thẻ thanh toán 7 9,5%
câu hỏi đóng 4 5,4%
Câu hỏi mở (open-ended question) 15 20,3%
Trưng cầu ý dân 6 8,1%
Bidding game 6 8,1%
Câu hỏi lựa chọn lưỡng phân (giới
hạn đơn/đôi/đa) 21 28,4%
Không đề cập 15 20,3%
Tổng 74 100%
Có thể thấy được kỹ thuật hỏi lựa chọn lưỡng phân (giới hạn đơn, đôi, đa) được áp dụng trong nhiều nghiên cứu nhất, trong 21 trên tổng số 74 nghiên cứu
(chiếm 28,4%). Như đã trình bày, kỹ thuật này có ưu điểm vượt trội so với câu hỏi mở vì người trả lời chỉ cần trả lời “có” hoặc “không” với các mức giá được đưa ra. Nó cũng có sự tương tự với việc lựa chọn giá cả của các món hàng trên thị trường thực mà các cá nhân đang thực hiện hàng ngày. Điều này làm cho người trả lời dễ dàng trong việc lựa chọn mức WTP. Kỹ thuật câu hỏi mở cũng được áp dụng trong 15 trên tổng số 74 nghiên cứu được tìm thấy (20,3%). Bên cạnh những hạn chế của kỹ thuật này, việc được áp dụng tại nhiều nghiên cứu như vậy cho thấy rằng, các nhà nghiên cứu có thể điều chỉnh phiếu khảo sát khắc phục những hạn chế của kỹ thuật câu hỏi mở. Ngoài các kỹ thuật đã được đề cập trước đó, có sự xuất hiện của kỹ thuật Trưng cầu ý dân (Referendum). Tương tự các kỹ thuật phổ biến hiện nay, người hỏi đưa ra các mức giá, người được hỏi chỉ cần trả lời “có” hoặc “không” với các mức giá ấy. Kỹ thuật này có ưu điểm là dễ dàng cới người trả lời, tuy nhiên nó lại có nhược điểm là người trả lời có thể chấp nhận WTP đã chọn vì họ bỏ qua giá trị thực của hàng hóa hoặc dịch vụ [69]. Việc có 15 nghiên cứu không đề cập đến kỹ thuật hỏi WTP, có thể cho rằng, những nghiên cứu này tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng đến mức WTP, chứ không xác định giá trị WTP tuyệt đối. Hoặc có thể là do, phần các tài liệu được tìm thấy đăng trên các tạp chí chuyên ngành, có thể là do có quy định, giới hạn về cách trình bày khi đăng tạp chí nên các bài nghiên cứu này đã lược bỏ bớt đi để đảm bảo quy định.
Về giá trị WTP trung bình, trong 74 nghiên cứu, thu được 56 giá trị WTP tương ứng với 56 nghiên cứu. Do tùy thuộc vào từng khu vực nghiên cứu cũng như từng quốc gia khác nhau và tại nhiều thời gian khác nhau nên giá trị WTP tung bình của mỗi một nghiên cứu này sẽ không giống nhau. Các giá trị WTP trung bình được trình chi tiết trong Phụ lục D. Tại Việt Nam, WTP trung bình dao động trong khoảng 5.000 - 9.000 đồng cho một m3 nước sạch và dao động trong khoảng 100.000 – 175.000 đồng cho một năm. Tại Các nước kém phát triển: Mức WTP trung bình dao động từ $0,00069/tháng đến $0,80/tháng. Các nước đang phát triển: Mức WTP trung bình dao động từ $0,61/tháng đến $36/thángCác nước phát triển: Mức WTP trung bình dao động từ $2,2/hộ/tháng đến $19/hộ/tháng.