2.2.1.1. Lợi thế cạnh tranh
a. Lợi thế về sản phẩm, dịch vụ
Không thể phủ nhận năng suất - chất lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt. Nếu như chỉ cách đây khoảng 20 năm, hàng Việt Nam sản xuất ra không đủ phân phối và tiêu dùng, thì ngày hôm nay có thể nói hàng hóa sản xuất trong nước đã có mặt ở khắp các vùng trên đất nước và nhiều nơi trên thế giới, đa dạng cả về số lượng và chủng loại. Một số loại sản phẩm do các doanh nghiệ vừa và nhỏ sản xuất như: quạt điện,
dây và cáp điện, xe đạp, xi măng, vật liệu xây dựng, nhựa, hàng dệt may, giày dép... đạt chất lượng ổn định, được người tiêu dùng tin cậy, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu. Rõ ràng năng suất sản phẩm đã gia tăng nhờ cải tiến kĩ thuật và áp dụng công nghệ mới.... Hơn nữa cũng là do nhiều doanh nghiệp đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất kinh doanh đặc biệt là bộ tiêu chuẩn ISO 9000. Các kĩ thuật giải pháp, mô hình tiên tiến cũng bắt đầu được triển khai áp dụng như Tái cơ cấu quá trình kinh doanh, Quản lý chất lượng toàn diện (TQM), duy trì năng suất tổng hợp, Benchmarking, quản lí quan hệ khách hàng (CRM), nhằm gia tăng giá trị và tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Điều đó xuất phát từ nhận thức tiến bộ là chất lượng không chỉ là chất lượng sản phẩm mà còn là chất lượng cả quá trình sản xuất ra sản phẩm. Từ năm 1996 đến năm 2000, mỗi năm có khoảng 50000 sản phẩm được đăng kí chất lượng. Đến ngày 1/7/2000 hoạt động đăng kí chất lượng được chấm dứt và thay thế bằng cơ chế tự công bố của doanh nghiệp về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và tự công bố hàng hóa phù hợp về tiêu chuẩn. Chỉ 2 năm, đến tháng 12/2002, đã có trên 22000 sản phẩm của trên 7500 doanh nghiệp đã được công bố tiêu chuẩn chất lượng và có 235 sản phẩm của 69 doanh nghiệp được công bố phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam.
Tuy nhiên, những thay đổi tích cực nói trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Thực trạng chất lượng và quản lý chất lượng các hàng hóa sản xuất, lưu thông trên thị trường trong nước và xuất nhập khẩu hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều hàng hóa nội địa chưa kịp thích ứng với yêu cầu tiêu dùng cả về chất lượng, mẫu mã, giá
thành. Không ít sản phẩm hàng hóa ở một số thị trường có sức mua lớn lại bị hàng nhập khẩu chiếm lĩnh. Số lượng các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao còn nhỏ, chủng loại đơn điệu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp còn thấp; hàm lượng gia công trong nhiều hàng hóa xuất khẩu chủ lực còn cao, dẫn tới hiệu quả xuất khẩu thấp. Vấn đề về khai thác và chế biến khoáng sản cũng đang là một bài toán khó với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Chúng ta vẫn tự hào là đất nước rừng vàng biển bạc, nhiều khoáng sản, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng hiện nay cũng chỉ hạn chế ở việc khai thác tài nguyên và xuất khẩu dưới dạng thô, sơ chế với giá rẻ gấp nhiều lần so với giá nhập về sau khi đã qua tinh chế.
Ngoài ra, còn phải kể đến nạn gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng còn phổ biến, gây thiệt hại không nhỏ cho Nhà nước, người sản xuất chân chính và người tiêu dùng. Một ví dụ cho hoạt động gian lận thương mại đó là trường hợp của công ty TNHH Mai Sơn, nhập khẩu lô hàng gồm 6.700 cái quần áo may sẵn, xuất xứ Tây Ban Nha. Theo doanh nghiệp khai báo, giá một cái áo kiểu là 3 USD, một áo budong là 3,5USD trong khi giá bán của các sản phẩm cùng loại trên thị trường cao hơn rất nhiều. Kết quả là lô hàng đã bị Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh áp giá 5,3 USD/cái đối với áo kiểu và 8 USD/cái áo bu-dông. Với mức giá này, số thuế nhập khẩu của lô hàng đã tăng 95 triệu đồng.
Ngoài vấn đề về chất lượng, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao cũng làm yếu đi khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. So
Malaysia, Philipines,... thì các sản phẩm sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam có giá thành cao hơn từ 1,58 đến 9,25 lần mặc dù giá nhân công lao động thuộc loại thấp so với các nước trong khu vực.
b. Hoạt động xúc tiến thương mại
Bên cạnh vấn đề nâng cao chất lượng cho sản phẩm dịch vụ của mình, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chú ý hơn đến hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của công ty đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong nhiều thập kỷ qua, hoạt động quảng cáo được nhiều ngành chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm. Quảng cáo đang là một công cụ quan trọng và thiết yếu, góp phần hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường; nhất là trong bối cảnh khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp đã có bước phát triển mạnh, đa dạng và phong phú hơn về hình thức. Các doanh nghiệp không chỉ tiến hành quảng cáo trên các kênh truyền hình, phát thanh, báo chí mà còn qua các trò chơi điện tử; trên các bảng, biển, pano, băng-rôn, trên các phương tiện giao thông; trong các hội chợ triển lãm, hoạt động thể thao, biểu diễn nghệ thuật; trên các xuất bản phẩm, sản phẩm in và các phương tiện quảng cáo khác. Các chương trình quảng cáo của doanh nghiệp đã mở rộng hơn về quy mô và chất lượng. Các chương trình khuyến mại cũng đa dạng hơn không chỉ có xổ số, vé cào, rút thăm trúng thưởng, giảm giá, mà còn có các hoạt động tổ chức đổi sản phẩm cũ lấy sản phẩm mới, mời dùng thử sản phẩm kết hợp giảm giá hoặc tặng quà ngay và tặng phiếu tích lũy điểm,… Rất nhiều doanh nghiệp đã xây dựng cho mình website riêng mặc dù số lượng các doanh nghiệp này chưa phải là nhiều so với số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cả nước. Đây là một
công cụ quảng bá trực tuyến rất phổ biến và có hiệu quả hiện nay. Trên website, các doanh nghiệp không chỉ giới thiệu tới khách hàng về các sản phẩm dịch vụ của công ty mà còn thiết lập các gian hàng trực tuyến, lập các giỏ hàng để khách hàng có thể lựa chọn được số lượng lớn sản phẩm chỉ trong một thời gian ngắn, đồng thời có thể đặt mua hàng qua mạng. Việc này sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí cho khách hàng, do đó ngày càng nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng công cụ website để quảng bá và phát triển mạng lưới khách hàng cho mình. Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tích cực tham gia các hội trợ, triển lãm thương mại nhằm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình đến với người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài. Tính trung bình một năm có khoảng vài chục cuộc triển lãm, hội chợ thương mại được tổ chức chỉ riêng tại các thành phố lớn trên cả nước, đó là chưa kể đến rất nhiều hội chợ triển lãm quy mô nhỏ được tổ chức tại các địa phương. Các hoạt động này chứng tỏ chất lượng của các chương trình xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã có những tiến bộ tích cực và ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Mặc dù các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể về chiến lược xúc tiến thương mại nhưng do công tác xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam còn khá mới mẻ và do hạn chế về nhận thức nên phần lớn các doanh nghiệp còn chưa xây dựng được các kế hoạch, chương trình, chiến lược xúc tiến thương mại lâu dài, cụ thể và đạt hiệu quả. Theo cách truyền thống, doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại thường tham gia các hội chợ, nhưng mặt hàng của các doanh nghiệp phần nhiều giống nhau, giá cả không đồng đều, kém sức hấp dẫn với bạn hàng.
Nhiều hội chợ triển lãm thương mại chưa mang tính chuyên ngành. Vẫn còn hiện tượng hàng hoá bày bán trong hội chợ không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm nhãn hàng hoá đối với chương trình khuyến mại. Do vậy, hoạt động xúc tiến thương mại được đánh giá là chưa bài bản, chưa hình thành một chương trình xúc tiến thương mại tổng thể nhằm tận dụng tối đa hiệu quả kinh phí xúc tiến thương mại. Công tác cung cấp thông tin, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp đến các địa phương trong cả nước, nhất là nước ngoài cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bước đầu có ý thức xây dựng Web, nhưng nội dung còn sơ lược, cập nhật thông tin chậm, nội dung ít đổi mới. Rất nhiều hình thức từ tham gia hội chợ, xây dựng trang Web, tiếp xúc với các đối tác, thông qua các tham tán thương mại, các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế... đã được triển khai thực hiện nhưng các thỏa thuận, hợp đồng chưa tạo lập được là bao.
So với nhiều công cụ cạnh tranh khác, hệ thống kênh phân phối của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Có rất ít doanh nghiệp xây dựng được chương trình xúc tiến hỗn hợp để giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Chi phí dành cho quảng cáo còn quá thấp, chỉ chiếm dưới 1% tổng doanh thu. Hình thức quảng cáo của các doanh nghiệp còn đơn điệu, không mang dấu ấn của cách quảng cáo cho thị trường hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh hiệu ứng tích cực là kích thích tiêu dùng, hoạt động khuyến mại cũng bộc lộ nhiều mặt trái. Ngoại trừ các doanh nghiệp khi thực hiện các chương trình khuyến mại một cách trung thực, tôn trọng khách hàng, có những doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại không hợp pháp hoặc thiếu trung thực. Bên cạnh đó, việc công bố công khai
thể lệ chương trình khuyến mại chưa được các doanh nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc, không tiến hành làm báo cáo về chương trình khuyến mại hoặc có báo cáo cũng rất sơ sài hay việc xử lý số giải thưởng tồn đọng (giải thưởng không có người nhận) của các chương trình khuyến mại không rõ ràng, tuỳ tiện. Ngoài ra, tình trạng các doanh nghiệp chưa nắm rõ về thủ tục đăng ký khuyến mại, đăng ký chưa đúng cấp có thẩm quyền quyết định vẫn tồn tại.
c. Nguồn nhân lực
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lợi thế đặc biệt về nguồn nhân lực phong phú dồi dào, giá rẻ, có tinh thần sáng tạo, năng động. Giá nhân công tại Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới là khá thấp, đội ngũ lao động của nước ta lại khá dồi dào nên các doanh nghiệp đã phần nào tận dụng được lợi thế này để giảm chi phí sản xuất, dẫn tới giảm giá thành sản phẩm. Một đặc điểm nổi bật về nhân lực trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ đó là độ tuổi của nhân viên thường khá trẻ. Đây là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá của đất nước ta với lòng nhiệt tình, năng động, sáng tạo, táo bạo trong công việc đã thường xuyên đưa ra những ý tưởng độc đáo, những giải pháp mới mẻ để không ngừng đổi mới doanh nghiệp. Họ chính là những người đưa ra mọi kế hoạch, triển khai thực hiện cũng như tổ chức mọi hoạt động trong công ty, vì vậy có thể nói rằng chính lợi thế về nhân lực trẻ đã góp phần quan trọng trong sự phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thời gian gần đây.
Vấn đề về nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng còn nhiều bất cập. Nhìn lại thực trạng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp nước
ta, chúng ta không thể phủ nhận rằng doanh nghiệp Việt Nam kém cạnh tranh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thiếu trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, bán hàng... Kỹ năng, tác phong của đội ngũ lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu tính chuyên nghiệp. Theo ý kiến của nhiều chủ doanh nghiệp, các cán bộ phụ trách nhận sự thì nguyên nhân chính của thực trạng này là do các sinh viên Việt Nam thường chỉ được học kiến thức mà chưa được rèn luyện kỹ năng cũng như ít được áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Nhiều doanh nghiệp đã phải đào tạo lại sinh viên khi ra trường và vừa đào tạo vừa phải lo lắng vì nhân viên luôn có ý định nhảy việc, tìm công việc mới để có thêm "kinh nghiệm". Các yếu tố như thể lực, trí lực, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật của người lao động cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn… Thực tế này làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là những ngành có hàm lượng công nghệ cao, như cơ khí, điện tử…. Xét về đội ngũ chủ doanh nghiệp, giám đốc và cán bộ quản lý doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế về kiến thức và kỹ năng quản lý. Số lượng doanh nhân giỏi, trình độ chuyên môn cao và năng lực quản lý tốt chưa nhiều. Đa phần họ chưa được trang bị các kiến thức kinh doanh như: quản trị doanh nghiệp, phát triển thương hiệu, chiến lược cạnh tranh, ứng dụng công nghệ thông tin,… Hoạt động quản lý chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, do đó tính hiệu quả chưa cao và dễ gặp rủi ro. Nhiều doanh nghiệp thiếu hoạch định chiến lược nhân sự, không phân biệt được vai trò giữa quản trị nhân sự và quản trị nguồn nhân lực, nhầm lẫn giữa duy trì động lực và tạo động lực bên trong của đội ngũ nhân viên, không phát triển được lực lượng kế thừa và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ doanh nghiệp. Hoạt động
dẫn dắt và hoạt động kiểm tra của lãnh đạo doanh nghiệp cũng “có vấn đề”. Khi lãnh đạo doanh nghiệp giao việc cho cấp dưới thường giao một chiều, không hướng dẫn công việc, không động viên nhân viên, thiếu sự đồng cảm chia sẻ với nhân viên, không giải quyết tốt những mâu thuẫn giữa người cũ và người mới trong doanh nghiệp. Nguyên nhân của thực trạng này là do doanh thu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ không cao, không có chi phí cho hoạt động đào tạo, cơ sở vật chất cũ kỹ, các chế độ, chính sách và tiền lương không hấp dẫn. Xét về các yếu tố kỹ thuật , các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có ngân sách để đầu tư vào việc xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá tính cách để lựa chọn đúng người. Các doanh nghiệp này cũng không có được lợi thế về quy mô, trang thiết bị sản xuất cũ kỹ, lạc hậu và người lao động sẽ khó làm việc hơn.
d. Dịch vụ bán và sau bán hàng
Những năm gần đây, dịch vụ bán hàng, sau bán hàng ở Việt Nam nói chung đang dần phát triển mạnh. Cùng với sự phát triển đó, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chú ý xây dựng cho riêng mình một văn hóa doanh nghiệp hướng tới khách hàng và người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như các doanh nghiệp chưa xây dựng được một đội ngũ nhân viên bán hàng chuyên nghiệp, chưa thiết lập được một bộ phận hay cả một trung tâm hậu mãi dành cho khách hàng. Trong cuộc điều tra gần đây của Hội