Cơ sở pháp lý

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN DU LỊCH BIỂN đảo (Trang 71 - 74)

6. Bố cục của luận văn

3.1.1.Cơ sở pháp lý

Nghị quyết số 54/NQ-TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến 2020”, trong đó Vân Đồn được xác định xây dựng khu kinh tế tổng hợp trong vùng đồng bằng Bắc Bộ sông Hồng. Nghị quyết số 08/NQ - TU ngày 30/11/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh “Về đổi mới và phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2001 – 2010” đã xác định Vân Đồn là một trong bốn trung tâm du lịch của tỉnh. Ngày 13/ 8/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 145/QĐ - TTg "về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2010 và tầm nhìn 2020", trong đó:

- Xây dựng khu kinh tế tổng hợp thuộc huyện đảo Vân Đồn là khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao và nuôi trồng gắn với chế biến hải sản.

- Ưu tiên cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững gắn với giữ gìn cảnh quan và môi trường sinh thái, tập trung xây dựng và phát triển Vân Đồn thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế có tầm cỡ quốc tế và khu vực. Huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước cho phát triển Vân Đồn.

Ngày 26/7/2007 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 786/QĐ –TTg về việc phê duyệt dự án phát triển kinh tế – xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh, trong đó nêu rõ mục tiêu “Phát triển Vân Đồn thành trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII nêu rõ: “Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch. Hoàn thiện quy hoạch các khu du lịch trọng điểm Vân Đồn, Móng Cái, Yên Hưng, thu hút các nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; phát triển phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch, các dịch vụ du lịch mới chất lượng cao, theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường liên kết các địa phương để mở rộng không gian du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến và hợp tác du lịch; phấn đấu đến năm 2010 đón 5 triệu lượt khách, trong đó có 2,2 triệu lượt khách quốc tế; phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch có đẳng cấp khu vực và châu lục vào năm 2015”.

Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vân Đồn lần thứ XXI. Nghị quyết số 08/NQ - TU ngày 30/11/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “Về đổi mới và phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2001 – 2010 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Quyết định số 97 - TTg về phát triển du lịch và các giải pháp kích thích phát triển kinh tế Vân Đồn”.

3.1.2.Quan điểm phát triển

Từ thực trạng phát triển du lịch ở Vân Đồn trên cơ sở tiềm năng và những lợi thế phát triển du lịch chúng tôi xin đề xuất một số quan điểm cơ bản cho phát triển du lịch huyện Vân Đồn như sau:

(1) Phát triển du lịch phải phù hợp với chiến lược, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của tỉnh Quảng Ninh: Phát triển du lịch là hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

(2) Phát triển nhằm giáo dục nâng cao nhận thức toàn dân về du lịch, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

(3) Phát huy mọi nguồn lực, mọi ngành cùng hợp tác để phát triển du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa, song song với việc mở rộng, gia tăng

nguồn khách quốc tế: Ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế, mọi ngành trực tiếp và liên quan dựa trên nền tảng bình đẳng trước pháp luật và sự thống nhất quản lý của Nhà nước, để phát triển du lịch một cách bền vững.

(4) Phát triển du lịch gắn liền với việc mở rộng giao lưu, hợp tác: Tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các vùng, ngành, các cấp, các địa phương, các doanh nghiệp trong nước và các tổ chức, các doanh nghiệp, các cá nhân nước ngoài, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm du lịch, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường sức khoẻ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

(5) Hoạt động du lịch phải theo hướng bền vững đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

3.1.3.Mục tiêu phát triển

Nhằm phát triển hơn nữa hoạt động du lịch đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những mục tiêu chủ yếu mà ngành du lịch Vân Đồn đặt ra như sau:

3.1.3.1.Mục tiêu tổng quát

Từng bước xây dựng Vân Đồn thành Trung tâm du lịch (du lịch sinh thái biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch biển) tầm cỡ khu vực và quốc tế với các hình thức dịch vụ chất lượng cao, thu hút nhiều khách quốc tế và đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong nước.

3.1.3.2.Mục tiêu cụ thể

- Tăng cường thu hút khách du lịch, phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm về khách du lịch từ 17 – 22%, đến năm 2010 thu hút được từ 350 – 420 ngàn lượt khách và đến năm 2020 thu hút được 1,2 -1,5 triệu lượt khách du lịch.

- Doanh thu xã hội từ du lịch cao gấp 2,2 lần vào năm 2010 và đến 2020 cao gấp khoảng 6 lần so với hiện nay.

- Nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ du lịch hiện có, phát triển các sản phẩm mới. Xây dựng các tour du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, tổ chức các loại hình gắn liền với sinh thái, văn hóa, du lịch tắm biển cùng với thể thao dưới nước...

- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường củng cố bộ máy tổ chức và công tác cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và đội ngũ cán bộ quản lý các doanh nghiệp du lịch, làm rõ chức năng giữa ngành với các cấp, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành với cấp, giữa ngành với chính quyền và cư dân địa phương, tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp đối với phát triển du lịch.

- Đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng và đầu tư phát triển cơ sở lưu trú, vận chuyển và các dịch vụ vui chơi giải trí.

- Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng lao động trong doanh nghiệp kinh doanh du lịch phấn đấu đến năm 2010 thu hút thêm 200 lao động vào lĩnh vực này nâng tổng số lao động du lịch trên toàn huyện lên 800 người, trong đó số lao động được đào tạo đúng ngành chiếm trên 80%.

- Đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch, tăng cường mở rộng dịch vụ trong các hoạt động du lịch trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương, tạo nguồn thu nhập ngân sách, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện đến năm 2020. Từ đó ngành du lịch sẽ có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN DU LỊCH BIỂN đảo (Trang 71 - 74)