theo quá trình phát sinh, phát triển, dưới ngôn ngữ trần thuật với bút pháp, giọng điệu sinh động, giàu hình ảnh. Vì vậy ngôn ngữ nói chung của phóng sự (hình ảnh và âm thanh) cũng sẽ đa dạng, phức tạp hơn so với tin. Hình ảnh trong phóng sự truyền hình không chỉ chân thực, khách quan mà còn cần thể hiện được những xúc cảm, “cái tôi của nhà báo”. Đây cũng chính là một nét đặc trưng của hình ảnh phóng sự mà khi sử dụng phóng viên cần hết sức lưu tâm. Nghĩa là, cùng với lời bình và âm thanh, hình ảnh trong phóng sự truyền hình còn có vai trò bày tỏ quan điểm, cảm xúc của nhà báo đối với sự kiện, sự việc đó.
1.2. Vai trò của việc sử dụng hình ảnh trong sáng tạo tác phẩm phóng sự truyền hình phóng sự truyền hình
1.2.1. Góp phần cung cấp thông tin, thể hiện rõ ràng tư tưởng, chủ đề của phóng sự
Hình ảnh trong tác phẩm phóng sự truyền hình là những hình ảnh mang giá trị của chủ đề mà tác phẩm đề cập. Hình ảnh đó phải lột tả được góc độ tâm lý của đối tượng, thông qua việc khai thác những biểu hiện từ phía bên ngoài. Ngoài những khả năng định hướng tư tưởng của tác phẩm, thông qua việc xử lý của phóng viên thì các thông tin hình ảnh chi tiết góp phần làm nên kết cấu tác phẩm. Phóng viên phải biết sử dụng thông tin hình ảnh nào phù hợp với ý đồ, tư tưởng của tác phẩm.
Ở đây, tác giả xin ví dụ một phóng sự mà phóng viên đã sử dụng hình ảnh để thể hiện tư tưởng, chủ đề phóng sự một cách tài tình. Phóng sự “Những vệt trắng trên đường” của Đài PTTH Cần Thơ đã làm người xem
lặng người theo dẫn dắt câu chuyện. Vệt trắng là do công an sơn để điều tra nguyên nhân tai nạn giao thông. Vệt trắng trên đường vô cảm nhưng nỗi bơ vơ mất mẹ và vành khăn tang trắng trên đầu em nhỏ khiến người xem rơi lệ. Ngày mỗi ngày, trên đường, những vệt trắng lại nhiều hơn. Bình quân hơn 30 người chết mỗi ngày vì tai nạn giao thông, thảm khốc hơn cả chiến tranh tại Syria hay Afghanistan. Phóng sự về tai nạn giao thông nhưng không quay hình máu đổ, không gây ấn tượng ghê rợn như cách làm sống sượng thông thường của các đài địa phương. Nhóm tác giả tìm vào trại giam, ghi lại nỗi dày vò, ân hận của một lái xe. Khi anh vào tù, vợ anh cũng đang có bầu. Anh mắc vòng lao lý vì trong một giây bất cẩn, người lái xe này đã cướp đi mẹ của một đứa trẻ khác. Trở lại hiện trường vụ tai nạn, các phóng viên không ghi hình người mẹ chết thảm thương, mà cận cảnh một chiếc dép văng ra vệ đường. Mẹ chết trên đường đi mua cặp sách chuẩn bị cho bé lần đầu tiên đi học. Sau ra đi của mẹ, bé chỉ còn tình thương của bố. Bàn tay to bè chai sạn của bố vén tóc gội mái đầu bé bỏng của con gái. Một chiếc dép không đi được thành đôi. Và cảnh cuối của phim, bé cắp sách đến trường, hòa vào dòng bè bạn.. Kết thúc phim là mong muốn, mỗi ban mai thức dậy, sẽ không phải thấy thêm “những vệt trắng trên đường”.
Qua ví dụ trên, ta có thể thấy dù không dăn dạy kẻ cả, không đao to búa lớn, nhưng phóng viên thuyết phục, chuyển tải nội dung, tư tưởng tới người xem bằng từng hình ảnh và thể hiện cái nhìn nhân văn thông qua việc sử dụng hình ảnh.
1.2.2. Giúp sự kiện, sự việc trong phóng sự được tái hiện một cách chân thực
Cùng với lời bình, hình ảnh truyền hình là một ngôn ngữ để đem thông tin tới cho khán giả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, điều làm nên sự khác biệt giữa truyền hình với các loại hình truyền thông khác như báo viết, phát thanh… đó là hình ảnh, đặc biệt là hình ảnh động. Và, hình ảnh được coi là
“chính ngôn” - ngôn ngữ chính để chuyển tải nội dung thông tin. Miêu tả là cách thức mà hình ảnh sử dụng để cung cấp thông tin cho khán giả. Công việc mô tả sự phát triển của sự kiện là nhờ khả năng miêu tả, thể hiện của phóng viên quay phim qua các động tác máy, cỡ cảnh. Và sau đó, phóng viên biên tập sẽ là người quyết định lựa chọn, sử dụng những hình ảnh như thế nào để chuyển tải nội dung thông tin đến công chúng. Sử dụng hình ảnh một cách hợp lý sẽ giúp phóng sự chuyển tải đến công chúng những thông tin chân thực, khách quan và sinh động. Công chúng sẽ được nhìn thấy, được lắng nghe chia sẻ từ những con người thật, việc thật, trạng thái thật của sự kiện, thấy được nét mặt, cử chỉ thái độ tâm tư tình cảm của người nói…
1.2.3. Góp phần tác động tới tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của người xem
Thế mạnh của truyền hình là khả năng giao tiếp trực tiếp, ngoài nghe âm thanh còn nhìn thấy hình ảnh một cách trực quan, làm cho người xem tiếp nhận thông tin nhanh chóng, đồng thời và rất sinh động. Hình ảnh trong tác phẩm truyền hình là những hình ảnh cụ thể, điển hình nhìn thấy được, thông qua màn hình trình diện trước mắt người xem một cách trực tiếp. Hình tượng sinh động, hình ảnh chân thật tạo ra sức cảm hóa mãnh liệt làm cho người xem cảm thấy mình đang như ở trong cuộc. Hình ảnh trong một tác phẩm truyền hình là sự trình chiếu sự kiện xảy ra trong thời gian thực và không gian thực. Hình ảnh biểu lộ một cách chân thật nhất mà không bút pháp nào so sánh bằng.
Và điều làm nên sự tương đồng giữa truyền hình và điện ảnh đó là hình ảnh. Hình ảnh của điện ảnh là nguồn cội là những cơ sở ban đầu để truyền hình học hỏi những tinh hoa để phát triển. Truyền hình học hỏi ở điện ảnh các cách khai thác và sử dụng các cỡ cảnh, động tác máy, cách montage (dựng)… Điện ảnh nói chung và hình ảnh của điện ảnh nói riêng góp phần giúp cho truyền hình ra đời, thăng hoa và phát triển. Tuy nhiên, giữa truyền
hình và điện ảnh có những điểm khác biệt. Điện ảnh thiên về nghệ thuật dàn dựng, diễn xuất và hình tượng hóa trong khi đó truyền hình nói chung, báo truyền hình nói riêng thiên về sự chân thực. Hình ảnh của truyền hình khách quan, chân thực, được máy qây ghi chép lại như nguyên bản và thông tin cho công chúng. Chính sự thông tin chân thực - điều đó góp phần tạo nên sự sinh động, hấp dẫn của truyền hình so với điện ảnh. Hình ảnh truyền hình là những điều chân thực trong cuộc sống được người quay phim ghi lại, công chúng đươch chứng kiến chứ không phải nghe kể lại như ở các loại hình khác (báo viết, phát thanh…) - và chính điều này đã tạo sức hút đặc biệt đối với khán giả. Khán giả được tiếp nhận thông tin chân thực, khách quan và sinh động. Khán giả được nhìn thấy, được lắng nghe chia sẻ từ những con người thật, việc thật, trạng thái thật của sự kiện, thấy được nét mặt, cử chỉ thái độ tâm tư tình cảm của người nói…. Chẳng hạn trong phóng sự “Những vệt trắng trên
đường” của Đài PTTH Cần Thơ, thông qua việc sử dụng tài tình những hình
ảnh “vệt trắng trên đường”, “nỗi dày vò, ân hận của một lái xe trong tù giam”, “một chiếc dép văng ra vệ đường”, “bố vén tóc gọi đầu cho con gái”, … phóng viên đã tạo ra sức cảm hóa mãnh liệt làm cho người xem cảm thấy mình đang như ở trong cuộc, từ đó tác động thay đổi hành động, suy nghĩ của người xem với vấn đề an toàn giao thông.