Yêu cầu về sử dụng hình ảnh trong phóng sự truyền hình

Một phần của tài liệu Sử dụng hình ảnh trong phóng sự truyền hình (khảo sát một số tác phẩm dự thi đạt giải liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 35 (Trang 42 - 49)

1.4.1. Hình ảnh được lựa chọn sử dụng phải có giá trị thông tin, góp phần làm rõ câu chuyện

Giá trị thông tin của hình ảnh là qua hình ảnh đó, người xem có thể biết sự kiện, sự việc gì diễn ra? diễn ra ở đâu? khi nào? và như thế nào?. Hình ảnh có giá trị khi khán giả xem xong có thể dễ dàng “gọi tên” được sự kiện và nắm bắt được những thông tin chính mà hình ảnh mang lại.

Giá trị thông tin của hình ảnh là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá chất lượng hình ảnh của một tác phẩm truyền hình. Giá trị thông tin là yêu cầu đầu tiên để xem xét chất lượng hình ảnh. Với một sự

kiện bất kỳ thì nhu cầu được cung cấp thông tin luôn là nhu cầu quan trọng nhất đối với công chúng. Đôi khi hình ảnh có thể chưa tốt về bố cục, còn rung khi quay nhưng cần đáp ứng được những thông tin mà khán giả cần thì hình ảnh đó xét về góc độ thông tin vẫn được đánh giá là tốt.

1.4.2. Hình ảnh được sử dụng phải chân thực, khách quan

Muốn thông tin chính xác, khách quan, chân thật thì từng hình ảnh được phóng viên sử dụng cũng phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, chân thực. Chính xác từ những số liệu đến bối cảnh, hoàn cảnh, cảm xúc của đối tượng phản ánh. Khách quan là không thiên kiến, không sử dụng quá nhiều những bình luận, nhận xét một cách thiên vị, nhằm nhấn mạnh nội dung không cần thiết để làm giảm đi tính khách quan. Sự việc diễn ra như thế nào thì những hình ảnh sử dụng chỉ đủ tầm của sự kiện, không cố gắng “lên gân lên cốt” để những chi tiết “gánh” trên mình quá nhiều nội dung thông tin, thông điệp theo cái nhìn “thiên vị” của phóng viên. Theo nguyên tắc, người phóng viên phải hạn chế tối đa việc dàn cảnh để ghi hình nhằm đảm bảo tính trung thực của sự kiện. Tuy nhiên, đó không phải là lý thuyết tuyệt đối, bởi vì không phải cứ tiếp cận hiện trường là phóng viên ghi được những hình ảnh của hiện thực khách quan. Phóng viên phải tìm hiểu kỹ lưỡng, thẩm định bằng nghiệp vụ, xem sự vật, sự kiện ngày thường diễn ra như thế nào và giờ đây phải làm thế nào để tái hiện lại. Ví dụ trong một sự kiện rất gần đây đó là biên tập biên Phạm Hương của Đài Truyền hình Việt Nam khi đi thực hiện phóng sự về một ngôi làng mà người dân đã dùng chổi quét lá rau khiến lá rau bị thủng như bị sâu ăn. Tuy nhiên, khi đến ngôi làng này tác nghiệp, người dân đã đi họp, áp lực về công việc đã khiến nữ phóng viên không thể quay lại để ghi hình, từ đó nhóm phóng viên đã quyết định tái hiện hình ảnh. Tuy nhiên, việc dàn dựng lại còn thiếu nhạy cảm và tinh tế khiến cho xảy ra rất nhiều hệ lụy sau đó. Phóng sự đó của nhóm phóng viên đã bị tố cáo là dàn dựng, đặt điều, vu khống cho làng trồng rau lừa dối người tiêu dùng. Tuy sự việc là có

thật nhưng do cách thể hiện thiếu tinh tế của phóng viên đã khiến cho sự việc bị bóp méo và sai lệch đi rất nhiều.

Phóng viên luôn phải tinh tường trong quan sát, có vốn hiểu biết về vấn đề đang thực hiện, có kinh nghiệm và vốn sống để “sàng lọc” và kiểm chứng những hiện tượng như vừa nêu để thực sự có những chi tiết khách quan và chân thật.

1.4.3. Hình ảnh được sử dụng phải mang giá trị thẩm mỹ

Thẩm mỹ có thể hiểu là cái đẹp. Những hình ảnh đảm bảo giá trị thẩm mỹ phải là những hình ảnh bố cục chặt chẽ, màu sắc đẹp, ánh sáng đủ tiêu chuẩn, động tác máy, góc độ đa dạng; hình ảnh chân thật, khách quan, giúp cho người xem thêm hiểu, thêm chia sẻ và yêu cuộc sống xung quanh họ...

Vì vậy, hình ảnh có thẩm mỹ luôn góp phần không nhỏ vào việc thu hút, hấp dẫn người xem, kéo người xem nán lại với màn hình tivi lâu hơn nếu như những hình ảnh mà họ nhìn thấy là những hình ảnh đẹp, chân thực, có ý nghĩa. Những hình ảnh có giá trị thẩm mỹ vừa cung cấp thông tin cho người xem, đồng thời nó còn thỏa mãn nhu cầu về thị giác. Các tiêu chí chủ yếu để đánh giá chất lượng - giá trị thẩm mỹ của hình ảnh trong một tác phẩm truyền hình, đó là: Bố cục khuôn hình, ánh sáng, màu sắc, cỡ cảnh, động tác máy…

1.4.4. Hình ảnh được sử dụng đặc sắc, mới lạ

Mới, lạ và đặc sắc luôn là những giá trị chung của thông tin báo chí. Phóng sự truyền hình cũng vậy, luôn phải có những hình ảnh mới, lạ, đặc sắc biểu đạt nội dung thông tin tới công chúng. Ví dụ như trong phóng sự về tình hình lũ lụt tại miền Trung thực hiện bởi phóng viên Văn Thành, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam. Cảnh kết của phóng sự đó là hình ảnh một mầm cây nhỏ vẫn đang vươn lên sau cơn lũ. Đó là một hình ảnh ẩn dụ vô cùng mới, lạ và đặc sắc thể hiện sức sống, ý chí vươn lên của con người sau những mất mát, đau thương của cơn lũ gây ra.

1.4.5. Hình ảnh được sử dụng đảm bảo tính nhân văn

Hình ảnh truyền hình rất trực quan, sinh động và ngay lập tức tạo ra hiệu ứng đối với công chúng. Những hình ảnh của sự kiện được cho là đắt giá sẽ rất có giá trị tạo nên chấn động trong dư luận xã hội và sẽ lưu lại rất lâu trong tâm trí người xem. Quá trình thẩm định, lựa chọn sử dụng hình ảnh nào cần phải chú ý đến tính nhân văn vì nó có thể gây bất lợi đến một cá nhân hay tổ chức được phản ánh. Nhắc lại phóng sự “Dùng chổi quét rau” của biên tập viên Phạm Hương. Do thiếu tinh tế trong cách phản ánh mà người dân xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã bị hiểu lầm là bán rau “bẩn” khiến họ rất lâu sau đó không thể bán được rau. Từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Vì vậy, phóng viên luôn phải thận trọng trong việc sử dụng hình ảnh của mình.

1.4.6. Hình ảnh được sử dụng đa dạng, phong phú

Phóng sự truyền hình là một câu chuyện của phóng viên kể lại bằng hình ảnh kết hợp với âm thanh và lời bình. Sẽ chẳng có một phóng viên truyền hình nào giữ chân công chúng được lâu khi mà phóng sự của mình nghèo nàn về hình ảnh. Bằng nhiều biện pháp và phương tiện nghiệp vụ, người phóng viên phải biết thu thập, cùng phóng viên quay phim khai thác và sử dụng sáng tạo hình ảnh trong phóng sự của mình để hình ảnh trong tác phẩm phóng sự được đa dạng, phong phú thể hiện một bức tranh đa diện về câu chuyện mình đang kể.

Để có những hình ảnh đa dạng phong phú, sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và có giá trị thì mỗi phóng viên cần phải hiểu đặc trưng, hiểu các dạng hình ảnh của truyền hình, những nguồn hình ảnh có thể khai thác…Và hơn hết, phóng viên phải hiểu thấu nội dung mình định chuyển tải thì mới có thể khai thác, sử dụng hình ảnh hợp lý.

1.4.7. Hình ảnh được sử dụng phải phù hợp, logic

Sử dụng hình ảnh trong sáng tạo tác phẩm phóng sự truyền hình là chọn lọc, sắp xếp, xử lý hình ảnh tạo nên một câu chuyện bằng hình ảnh để chuyển tải thông tin, nội dung, tư tưởng đến với công chúng. Muốn công chúng hiểu được ý đồ thông tin mà phóng viên muốn chuyển tải thì sau khi có được nguồn hình ảnh nhờ thu thập và tác nghiệp, phóng viên tiếp tục phải xem lại, chọn lọc, sắp xếp những hình ảnh đó thành một câu chuyện có logic, phù hợp.

Sự phù hợp, logic trong sử dụng hình ảnh thể hiện ở việc lựa chọn đúng hình ảnh (chi tiết hình ảnh điển hình, đắt giá, có thông tin, đảm bảo giá trị thẩm mỹ, tính nhận văn…) để kể câu chuyện. Nhờ những hình ảnh đó mà câu chuyện trở nên mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu… xem một lần có thể hiểu được nagy thông tin, ý đồ của tác giả.

1.4.8. Hình ảnh và âm thanh kết hợp nhuần nhuyễn

Bên cạnh hình ảnh, âm thanh cũng đóng một vai trò không kém phần quan trọng. Âm thanh trong truyền hình bao gồm tiếng động tự nhiên, tiếng động nhân tạo, âm nhạc nhưng để biểu đạt nội dung thông tin thì yếu tố lời (bao gồm lời nói và lời bình) là quan trọng nhất. Lời trong truyền hình đóng vai trò khẳng định nội dung mà hình ảnh không thể diễn tả được hết. Nhưng chính yếu tố lời đã nhấn mạnh thông điệp mà chương trình truyền hình muốn gửi tới công chúng.

Tuy nhiên, xét về mặt cấu trúc thông tin, mỗi tác phẩm dù là hình ảnh được quay trong một khoảng thời gian ngắn hay dài, thông thường bao gồm hai thành phần. Đó là phần hình ảnh và phần âm thanh (lời bình). Hình ảnh làm nhiệm vụ cung cấp thông tin chính, thông tin cơ bản, còn âm thanh làm nhiệm vụ gọi tên con người, sự vật, hiện tượng. Mặt khác âm thanh sẽ bổ sung những thông tin mà hình ảnh không thể truyền đạt được, tránh tình trạng hiểu lầm vấn đề. Bên cạnh đó, âm thanh còn làm nhiệm vụ giải thích, bình

luận và xây dựng mối liên hệ giữa hình ảnh và âm thanh cho chặt chẽ, giúp người xem hiểu một cách đúng nhất về hình ảnh.

Nếu biết lựa chọn và sử dụng hợp lý, âm thanh sẽ làm cho chương trình truyền hình sinh động và giàu sức thuyết phục hơn. Một tiếng gà gáy sáng, một nét nhạc đồng quê gợi trong sâu thẳm miền ký ức của mỗi con người xa xứ nhớ quê hương…v.v. Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố hình ảnh và âm thanh không chỉ tạo nên chất lượng, hiệu quả của chương trình truyền hình mà còn là cơ sở để công chúng nhận biết về năng lực chuyên môn, cái tâm, cái tài của người làm truyền hình.

Tiểu kết chƣơng 1

Trong chương 1, tác giả luận văn đã phân tích, khái quát thành một số lý luận chung liên quan đến đề tài nghiên cứu. Cụ thể tác giả đã đưa ra những phân tích từ đó nêu lên những khái niệm công cụ làm nền tảng cho các phần nghiên cứu. Các khái niệm đó là: “Sử dụng”, “Hình ảnh”, “Hình ảnh truyền

hình”, “Phóng sự truyền hình”, đặc biệt là khái niệm “Sử dụng hình ảnh trong phóng sự truyền hình”. Đây là phần cơ bản để tác giả làm cơ sở cho việc

nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về chất lượng sử dụng hình ảnh trong tác phẩm truyền hình trong những chương tiếp theo.

Cùng với những khái niệm công cụ, luận văn cũng đã cố gắng phân tích và chỉ ra những cách phân dạng hình ảnh. Các dạng hình ảnh đó bao gồm: hình ảnh động, hình ảnh tĩnh; hình ảnh do phóng viên tự ghi hình; hình ảnh tư liệu; hình ảnh từ công chúng gửi tới… Với mỗi dạng hình ảnh nêu trên, luận văn cũng đã chỉ ra ưu thế cũng như hạn chế của từng dạng hình ảnh.

Một nội dung quan trọng nữa trong chương này là tác giả đã đưa ra được các yêu cầu đối với việc sử dụng hình ảnh trong phóng sự truyền hình.

Có 8 yêu cầu cơ bản đó là: (1) Hình ảnh được sử dụng phải có giá trị thông tin, góp phần làm rõ câu chuyện; (2) Hình ảnh được sử dụng phải chân thực, khách quan; (3)Hình ảnh được sử dụng phải mang giá trị thẩm mỹ; (4) Hình ảnh được sử dụng có chi tiết mới, lạ, đặc sắc; (5) Hình ảnh được sử dụng đảm bảo tính nhân văn; (6) Hình ảnh được sử dụng phải đa dạng, phong phú; (7) Hình ảnh được sử dụng phải phù hợp, logic; (8) Hình ảnh và âm thanh kết hợp nhuần nhuyễn

Tất cả những phân tích ở chương 1 là khung lý thuyết quan trọng để thực hiện những chương tiếp sau của luận văn.

Chƣơng 2

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG HÌNH ẢNH TRONG PHÓNG SỰ TRUYỀN HÌNH

(Khảo sát các tác phẩm đoạt giải vàng và giải bạc Liên hoan THTQ lần thứ 35)

Một phần của tài liệu Sử dụng hình ảnh trong phóng sự truyền hình (khảo sát một số tác phẩm dự thi đạt giải liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 35 (Trang 42 - 49)