III. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TTCN TẠI HẢI DƯƠNG NHỮNG
8. Thực trạng môi trường trong các làng nghề tại tỉnh
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều làng nghề trong tỉnh những năm qua khá nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm song chưa được giải quyết.
+ Ô nhiễm môi trường không khí, do sử dụng các loại nhiên liệu, hóa chất và vật tư trong công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm, trong đó, tỷ lệ lượng khói, bụi tạo ra trong sản xuất gây ô nhiễm nhiều nhất. Hiện tại có 16 làng nghề, chiếm tỷ trọng 26,2% tổng số làng nghề, có mức độ ô nhiễm môi trường không khí cao như: Mật Sơn, Trại Mới, Làng Tường (TX Chí Linh); An Thủy, Dương Nham (Kinh Môn); Dưỡng Thái Bắc (Kim Thành); Tráng Liệt, Trại Như, Phương Độ (Bình Giang); Đông Giao, Lê xá (Cẩm Giàng); Lấu Khê (Nam Sách).v.v.
+ Ô nhiễm môi trường nước (nước mặt và nước ngầm) do nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất, nhất là ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm. Tổng số có khoảng 15 làng nghề, chiếm tỷ trọng 24,6% tổng số làng nghề, có mức độ ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Điển hình là các làng nghề sản xuất bún ở xã Tân Tiến (Gia Lộc); bánh đa Lộ Cương (thành phố Hải Dương); chế biến nông sản ( Kinh Môn); sản xuất vật liệu xây dựng Trại Mới, Làng Tường (TX Chí Linh); chế tạo đồ mộc Đông Giao và sản xuất rượu Phú Lộc (Cẩm Giàng).v.v.
+ Ô nhiễm môi trường đất, do các chất thải rắn sinh ra, như ở các làng nghề sản xuất giày, dép da ở xã Hoàng Diệu. Vấn đề ô nhiễm rác thải rắn từ sản xuất giày dép đã và đang trở nên rất nghiêm trọng. Hiện tại có 6 làng nghề, chiếm tỷ trọng 9,8% tổng số làng nghề, có mức độ ô nhiễm môi trường rác thải cao.
Tính chung trong tổng số 61 làng nghề trên địa bàn tỉnh; hiện có 32 làng nghề, chiếm tỷ trọng 52,5% tổng số làng nghề, có ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Trong đó, có nhiều làng nghề tác động đến môi trường trên cả 3 khía cạnh: nước thải, khí thải và rác thải; những làng nghề này mức độ ô nhiễm môi trường đã ở mức rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng.
Trong 61 làng nghề khảo sát thì số làng có đội thu gom rác thải là 35 làng (chiếm tỷ lệ 57,4%) và số làng có bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh là 25 làng (chiếm tỷ lệ 41%). Hiện nay chưa có làng nào có hệ thống xử lý nước thải, kể cả các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm.
Ô nhiễm làng nghề là nguyên nhân gây ra các bệnh, dịch cho người dân lao động và sinh sống ở chính làng nghề và khu vực phụ cận. Xu hướng này đang gia tăng trong những năm gần đây. Ô nhiễm môi trường làng nghề làm giảm năng suất nông nghiệp tại các địa phương, tác động xấu tới phát triển kinh tế xã hội, kìm hãm sự phát triển du lịch làng nghề; gây ra các tổn thất kinh tế không nhỏ và dẫn tới xung đột môi trường tại làng nghề.
Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất ở làng nghề thiếu ý thức bảo vệ môi trường, việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường chưa được triển khai triệt để. Các cụm công nghiệp làng nghề triển khai chậm, không đồng bộ về hạ tầng, chi phí cao, chưa tạo thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ sở ô nhiễm, bố trí lại các doanh nghiệp làng nghề.
Ô nhiễm tại làng nghề không chỉ ảnh hưởng trực tiếp gây ra các bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ của cư dân làng nghề mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống và sự phát triển kinh tế, xã hội của nhân dân nhiều vùng xung quanh.