II.Giải thích:
Trong cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem, các môn đệ “chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).
Hiệp thông trước hết là hiệp thông trong đức tin. Khởi đi từ mầu nhiệm hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi như lời thánh Phaolô chào chúc cộng đoàn Côrintô:“Cầu chúc toàn thể anh chị em được tràn đầy ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, tình yêu của Thiên Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” ( 2Cr 13, 13), rồi mới đến sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với loài người, sự hiệp thông trong Giáo Hội, trong giáo xứ, trong mỗi gia đình kitô hữu …
Hiệp thông Thiên Chúa Ba ngôi Thiên Chúa là sự hiệp thông tình yêu sâu xa đến nỗi không còn là ba, mà là một. Các ngôi vị hướng về nhau, đến với nhau, gắn bó với nhau, tự hiến cho nhau, ở trong nhau và nên một với nhau.
Hiệp thông chiều dọc với Thiên Chúa Ba Ngôi: trong Chúa Thánh Thần chúng ta nên một với Chúa Giêsu, và nhờ Chúa Giêsu chúng ta nên một với Thiên Chúa. Đến chiều ngang, nhờ kết hợp với Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, chúng ta nên một với nhau, làm thành Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Giáo Hội được sinh ra bởi Tình yêu Ba Ngôi, sống trong Tình yêu ấy, nhờ Tình yêu ấy và cho Tình yêu ấy. Nên
“Giáo Hội là một cộng đoàn sống ơn hiệp thông yêu thương theo mẫu gương hiệp thông yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi”. (Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI 29-3-2006).
Nhờ “Phép Rửa”, người Kitô hữu được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba ngôi, nghĩa là được tham dự vào sự hiệp thông yêu thương nối liền Chúa Con với Chúa Cha và Chúa Thánh thần, và qua đó, họ cũng phải sống tình yêu thương hiệp nhất ấy với nhau theo mẫu gương và từ suối nguồn yêu thương của Ba ngôi Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mời gọi: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (x. Ga 15,12; 13,34). "Xin cho chúng nên một như chúng ta là một” (Ga 17,21.22).
Nhờ Bí tích Thánh Thể, chúng ta càng được hiệp thông sâu xa hơn nữa với Ba Ngôi Thiên Chúa. Thực vậy, trong Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người,
chúng ta được thông phần Mình và Máu Người, và nhờ đó trở nên chi thể của Thân Mình Người là Giáo Hội. Trong Chúa Thánh Thần, chúng ta cùng ra đi với Chúa Kitô hướng về Chúa Cha.
Chính sự hiệp thông với Chúa là nền tảng và điều kiện của mối hiệp thông đích thực giữa các tín hữu với nhau. Để có sự hiệp thông đích thực trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ cũng như trong Giáo Hội, mỗi người cần củng cố mối hiệp thông với Thiên Chúa; đồng thời mỗi người trong gia đình và cộng đoàn phải hướng về Chúa như tâm điểm và mục đích. Trong thực tế, nhiều khi ta hô hào sự hiệp thông nhưng lại hàm nghĩa phải lấy tôi làm trung tâm và phải giống như tôi… cho nên mãi mãi chẳng có hiệp thông. Khi tất cả chúng ta đều có Chúa là tâm điểm và cùng đích, thì ta mới được hiệp thông với nhau cách sâu xa và trọn vẹn, mới có thể trở thành những người kiến tạo hòa bình trong các giáo xứ.
Như vậy, cộng đoàn giáo xứ chỉ thực sự là một cộng đoàn hiệp thông khi các tín hữu biết dành ưu tiên cho việc tập họp quanh Bàn tiệc Thánh Thể, trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình kitô giáo. Ở đây, mỗi người được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể như nguồn mạch và chóp đỉnh của hiệp thông, nên dễ dàng quên đi những lỗi lầm để tha thứ, bao dung và sống vì nhau.
Nhờ siêng năng tham gia dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, cộng đoàn giáo xứ mặc lấy tâm tình Đức Kitô (x. Pl 2, 5), và khi được sinh động và trổ sinh hoa trái hiệp thông bởi Chúa Thánh Thần, giáo xứ trở thành cộng đoàn “luôn
luôn hiệp thông với nhau”, giữa linh mục và giáo dân cũng như giữa giáo dân với nhau" (Thư mục vụ, số 4).
III. Bài học:
1. H: Hiệp thông theo tinh thần công giáo nghĩa là gì? T: Theo tinh thần công giáo, hiệp thông là sự chia sẻ sự
sống và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
2. H: Để xây dựng mối hiệp thông trong cộng đoàn giáo xứ, chúng ta phải làm gì?
T: Chúng ta phải dành ưu tiên cho việc tập họp quanh bàn tiệc Thánh Thể là trung tâm đời sống phụng vụ của cộng đoàn.
IV. Quyết tâm:
Quyết tâm xây dựng cộng đoàn quanh bàn tiệc Thánh Thể là nguồn mạch của hiệp thông và bác ái yêu thương.
Bài 10:
GIÁO XỨ: GIA ĐÌNH
CỦA NHỮNG NGƯỜI CON CÁI THIÊN CHÚA.