Hiện nay mô hình bệnh tật rất đa dạng, với tỷ lệ lớn người dân mắc các bệnh mạn tính phải dùng thuốc kéo dài, đặc biệt là hiện tượng đa bệnh lý nên việc kết hợp nhiều thuốc trong điều trị là tất yếu và tương tác thuốc là điều khó tránh khỏi. Nhằm đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn cho bệnh nhân, các bác sĩ, dược sĩ thường phải tra cứu thông tin trong các cơ sở dữ liệu (CSDL) khác nhau như sách chuyên khảo, phần mềm cài trên máy, tra cứu trực tuyến …
Tuy nhiên, trong thực tế việc này còn gặp nhiều khó khăn do các CSDL không thống nhất, chưa đồng bộ phân loại TTT về mức độ nghiêm trọng của mỗi cặp tương tác thuốc nên các CSDL khác nhau sẽ đưa ra các cảnh báo khác nhau gây khó khăn cho người tra cứu khi đưa ra nhận định về mức độ nghiêm trọng và thái độ xử trí TTT, hơn nữa việc tra cứu các tài liệu khác nhau đòi hỏi cần nhiều thời gian, trong khi trên thực hành lâm sàng lại phải nhanh chóng đưa ra quyết định để kê đơn phù hợp nhất, các cơ sở dữ liệu đưa ra cảnh báo quá nhiều, mức cảnh báo khác nhau khiến các bác sĩ, dược sĩ có xu hướng bỏ qua hoặc nghi ngờ những cảnh báo đưa ra. Vì vậy, nhóm nghiên cứu tiến hành thực hiện đề tài với mục đích xây dựng một danh sách tương tác thuốc - thuốc ngắn gọn, dễ nhớ, nằm trong danh mục thuốc kê đơn ngoại trú tại đơn vị - đây cũng là mong muốn của phần lớn các bác sĩ trực tiếp tham khám bệnh và kê đơn thuốc cho bệnh nhân điều trị ngoại trú nói riêng các bác sĩ lâm sàng bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang nói chung. Từ đó xây dựng bộ công cụ tra cứu, cảnh báo sớm tương tác thuốc - thuốc để các Bác sĩ cân nhắc và lựa chọn khi phối hợp, đồng thời xây dựng quy trình giám sát việc sử dụng thuốc, phát hiện và xử trí kịp thời các tương tác bất lợi góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn cho người bệnh.
36
Trong quá trình hiện đề tài này, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu và thống nhất chọn 3 cơ sở dữ liệu là phần mềm tra cứu trực tuyến Micromedex 2.0, Drug interactions facts (DIF 2015) và tờ HDSD, trong đó Micromedex (MM) là nguồn thông tin tra cứu ban đầu để sàng lọc các tương tác thuốc nghiêm trọng vì đây là một trong những phần mềm tra cứu tương tác thuốc được sử dụng phổ biến, do có độ tin cậy và tiện dụng cao, cho phép nhập tất cả các thuốc trong danh mục thuốc để tra cứu. Micromedex có ưu điểm: phân loại tương tác theo mức độ nặng, mức độ bằng chứng y văn ghi nhận và có biện pháp xử lý tương tác.
Với Drug Interactions Facts (DIF 2015) nhóm nghiên cứu cũng tra các hoạt chất để tìm ra sự đồng thuận về các các cặp tương tác thuốc - thuốc, đây là một CSDL tra cứu tương tác thuốc uy tín của tác giả David S.Tatro do Wolters Kluwer Health® phát hành. Tài liệu bao gồm trên 2000 chuyên luận với thông tin tương tác cho hơn 20000 thuốc, cung cấp thông tin về tương tác thuốc - thuốc, thuốc - dược liệu, thuốc - thức ăn. Mỗi chuyên luận bao gồm: tên thuốc (tên chung và tên thương mại), nhóm thuốc tương tác, thời gian tiềm tàng, mức độ nặng của tương tác, mức độ y văn ghi nhận về tương tác, hậu quả, cơ chế, biện pháp xử trí, bàn luận và tài liệu tham khảo. Mức độ ý nghĩa của tương tác được đánh giá dựa trên mức độ nặng và mức độ y văn ghi nhận về tương tác.
Tờ HDSD là tài liệu đáng tin cậy, các thông tin trong đó đều được Cục Quản lý dược – Bộ Y Tế kiểm duyệt, được dùng để tra cứu các tương thuốc - thuốc và các thông tin liên quan, nhưng thông tin trong tờ HDSD chưa phân loại mức độ tương tác thuốc.
Ngoài các tài liệu trên, nhóm nghiên cứu sử dụng thêm sách Dược thư quốc gia Việt Nam, sách Tương tác thuốc & chú ý khi chỉ định và thông tin trên trang www.medicines.org.uk làm CSDL tra cứu các cặp tương tác bất lợi tiềm tàng, vì đây là những nguồn thông tin mang tính pháp lý, thường được các bác sĩ, dược sĩ của bệnh viện tra cứu.