+) Hành lang pháp lý về buôn bán qua biên giới của Campuchia đang hoàn thiện, hiệu quả pháp lý chưa cao cũng là trở ngại cho các nhà đầu tư và doanh nhân khi đầu tư xâm nhập thị trường này. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp phân phối hàng hóa tại Campuchia còn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa hình thành được mạng lưới phân phối lớn, những doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, các doanh nghiệp Thái Lan đã liên kết, xây dựng hệ thống phân phối tại thị trường này rất tốt và là đối thủ nặng ký trong thời gian tới đây. Rõ ràng là năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường này còn thấp so với hàng hóa của các nước trong khu vực.
+) Môi trường chính trị Campuchia bất ổn, chính sách hay thay đổi, không minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thủ tục hành chính rườm rà… khiến các doanh nghiệp Việt Nam không yên tâm khi đầu tư, kinh doanh tại đây. Môi trường đầu tư tại Campuchia tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý, việc giải tỏa, bàn giao đất tại Campuchia chậm, phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.
+) Thủ tục tạm nhập tái xuất, nhập khẩu miễn thuế máy móc thiết bị vật tư cho các dự án đầu tư tại Campuchia rất khó khăn, còn nhiều phiền hà, chi phí tốn kém, mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ triển khai các dự án. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng thuế 2 lần khi vận chuyển thiết bị vật tư sang đầu tư và sử dụng tại các dự án ở Campuchia.
+) Trong hoạt động vận tải giữa Việt Nam và Campuchia, đối tượng được cấp phép liên vận quá ít, chưa đáp ứng yêu cầu cho hàng hóa vận chuyển qua biên giới. Campuchia giới hạn số lượng phương tiện được cấp phép xe liên vận, quy định số ngày phương tiện được lưu hành trong lãnh thổ Campuchia không rõ ràng.
+) Việc nghiên cứu khả thi của một số doanh nghiệp Việt Nam trước khi quyết định đầu tư còn chưa đủ mức cần thiết. Một số nhà đầu tư chưa nắm vững luật pháp, chính sách của Campuchia.
- Ngoài ra còn các DN Việt Nam còn gặp một số khó khăn khác như: Thời hạn cấp thị thực cho hộ chiếu phổ thông còn quá ngắn, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Campuchia còn mất nhiều thời gian vì các tỉnh chưa được ủy quyền. Các ưu đãi đặc thù về ngoại hối, tín dụng cho hoạt động kinh doanh để khuyến khích giao lưu hàng hóa giữa các tỉnh của 3 nước chưa có. Việc xin giấy phép đầu tư qua các tỉnh Campuchia cũng còn mất nhiều thời gian.