- Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư - thương mại giữa Việt Nam và
Campuchia trong thời gian tới, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp về cơ chế chính sách nhằm khai thông những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng…
+ Phát triển giao thông và kinh tế dọc các Hành lang phía Nam và Hành lang kinh tế Đông Tây nối liền các nước trong Tiểu vùng Mê Công và mở rộng ra các tuyến đường liên quan. Sự phát triển của Hành lang phía Nam và Hành lang kinh tế Đông Tây cũng như các tuyến đường liên quan trong tiểu vùng Mê Công sẽ có tác dụng thúc đẩy hoạt động thương mại của Việt Nam với Campuchia phát triển.
+ Đầu tư xây dựng các tuyến đường ra cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, và hành khách giữa Việt Nam và Campuchia do cùng chung đường biên giới. Nhiều năm qua, vấn đề qua lại của các phương tiện cơ giới, vận tải hàng hóa luôn gặp nhiều ách tắc, nhất là ở khu vực giáp biên hoặc tại hành lang kinh tế nối liền giữa hai quốc gia. Điều này là nguyên nhân làm chậm hoạt động đầu tư và trao đổi thương mại giữa các doanh nghiệp 2 nước.
+ Xem xét đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, bao gồm hệ thống kho hàng, bãi công-ten-nơ, bãi kiểm hóa và giao nhận hàng, hệ thống trung tâm
thương mại, hệ thống chợ tại các khu vực cửa khẩu và biên giới. Quá trình đầu tư cần đảm bảo tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, tuân thủ các Hiệp định đã ký kết giữa các bên và các điều ước quốc tế; đồng thời căn cứ vào vai trò, vị trí và đặc điểm của từng cửa khẩu cụ thể, quy mô và xu hướng phát triển thương mại tại mỗi cửa khẩu để quyết định nội dung và quy mô đầu tư cho thích hợp, đảm bảo hiệu quả. Ngoài ra, cần đảm bảo mức độ tương đồng giữa hai bên cửa khẩu, cần có sự bàn bạc cụ thể giữa hai bên khi triển khai các hoạt động nhằm tạo ra sự hợp tác nguồn lực giữa hai bên; đảm bảo việc dễ dàng kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thương mại, bảo vệ được môi trường, trật tự an ninh biên giới, phòng chống được buôn lậu, gian lận thương mại và các tệ nạn xã hội; đảm bảo khả năng mở rộng và phát triển bền vững trong tương lai.
+ Chính phủ hai nước quan tâm củng cố và phát triển hệ thống chợ biên giới theo quy hoạch Chợ biên giới đã được phê duyệt, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động buôn bán trao đổi qua biên giới giữa các nước. Hiện tại, giữa Việt Nam và Campuchia đã có Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới đến năm 2020, có thể xem xét đầu tư phát triển từng bước theo quy hoạch này, hợp tác phát triển thương mại truyền thống, thúc đẩy sự thịnh vượng hai nước, thu hẹp khoảng cách với các nước ASEAN còn lại.
+ Hoàn thiện các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử tại các cửa khẩu biên giới nhằm thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả việc giao lưu, trao đổi hàng hóa, người và phương tiện qua lại theo lộ trình và điều kiện cho phép: Thủ tục xuất nhập cảnh điện tử, kê khai hải quan, thuế quan điện tử, cấp phép điện tử.
+ Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức phát triển quốc tế để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại giữa Việt Nam với Campuchia. + Các bộ, ngành tiếp tục nỗ lực, hoàn thiện các quy định pháp luật, hỗ trợ và phục vụ cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước tăng cường sáng tạo, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực.
+ Các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư vào Campuchia trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, vận tải và logistics, xây dựng, vật liệu xây dựng, giáo dục và đào tạo kỹ thuật nghề nghiệp... những lĩnh vực tiềm năng và Campuchia đang có nhiều nhu cầu.
+ Các nhà đầu tư Campuchia đến Việt Nam và yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đầu tư vào Campuchia có trách nhiệm, bền vững và đóng góp nhiều mặt về kinh tế, xã hội cho đất nước Campuchia. Mỗi doanh nghiệp cần trở thành một đại sứ về hợp tác, đem lại nhiều lợi ích, uy tín cho mỗi quốc gia.