Dự báo thị trường tiêu thụ ngoài thị xã

Một phần của tài liệu Quy hoạch vùng SXNN hàng hóa tập trung thị xã Quảng Yên đến năm 2015, định hướng năm 2020 (Trang 54 - 55)

I. DỰ BÁO NHỮNG TÁC ĐỘNG TỚI SXNN HÀNG HÓA TẬP TRUNG

1.6.Dự báo thị trường tiêu thụ ngoài thị xã

1.6.1. Thị trường trong nước.

Ngoài thị trường là thị xã Quảng Yên thì xác định thị trường chính là các huyện, thành phố lân cận lân cận trong địa bàn tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố chính khác, cụ thể:

- Thị trường Hà Nội: Đây là thị trường có triển vọng tiêu thụ các sản phẩm của Thị xã như: hải sản và rau sạch, thông qua một số doanh nghiệp và tư thương thu mua nông sản thực phẩm của nông dân trong thị xã.

- Thị trường Hải Phòng: có nhu cầu về tiêu thụ rau xanh, hải sản thịt lợn và gia cầm.

- Thị trường trong tỉnh Quảng Ninh: là thị trường tiêu thụ lớn nhất các mặt hàng thực phẩm: gia cầm, cá, mực, chả mực, rau xanh các loại… của thị xã. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã lập các cơ sở, hình thành mạng lưới buôn bán hai chiều.

Quá trình phát triển kinh tế xã hội nước ta những năm tới, nhu cầu nông sản thị trường trong nước sẽ rất lớn. Theo tài liệu dự báo dân số đến năm 2020 nước ta sẽ có 100 triệu người, trong đó dân số đô thị sẽ chiếm khoảng 40%. Nhu cầu sử dụng tăng nhanh, cùng với đó là yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh thực phẩm, nhất là các khu dân cư tập trung.

Theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tiêu thụ rau tươi tại các vùng đô thị và ven đô thị đạt 0,3-0,4 kg/người/ngày. Dự báo đến 2020, nhu cầu tiêu thụ của người dân thành thị là 150 kg/người/năm, cao hơn mức trung bình của các vùng nông thôn là 120 kg/người/năm.

Dự báo một số xu hướng sẽ tiếp tục phát triển:

- Nhu cầu về thịt gia cầm, thịt lợn và các sản phẩm chế biến sẽ ngày càng lớn, đặc biệt là yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh thực phẩm ngày càng cao.

- Các sản phẩm rau quả chế biến, đóng hộp, đóng lọ và các loại rau quả thực phẩm tươi thái sẵn để nấu ăn sẽ được tiêu thụ ngày càng nhiều.

- Yêu cầu về sản phẩm rau an toàn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ ngày càng lớn.

1.6.2. Thị trường nước ngoài:

Xuất khẩu nhóm rau chế biến: Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả cả nước đạt 500 - 510 triệu USD, tăng 7,9 % so với năm 2008 (năm 2008 đạt 406,5 triệu USD). Chủng loại rau hoa quả xuất khẩu phong phú và đa dạng hơn so với những năm trước. Năm 2011 có 82 thị trường nhập khẩu rau, quả của Việt Nam, trong đó Nga, Nhật Bản, Mỹ và Đài Loan vẫn là những thị trường đạt kim ngạch cao nhất, chiếm 67% tổng kim ngạch.

Đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu rau các loại nước ta là nhóm rau chế biến. Trong năm 2011, kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến đạt 87,3 triệu USD (chiếm 81,6% tổng kim ngạch xuất khẩu rau, quả).

Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả các loại đến năm 2020 sẽ tăng mạnh ở các loại rau như cải bắp, cải thảo, súp lơ, ớt, bí (rau tươi) và dưa chuột, cà tím chiên, cải bó xôi sấy khô, cà chua đóng hộp (rau chế biến). Đây đều đã là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có một số rau quả thích hợp với thị xã Quảng Yên.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công kể trên vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Sản lượng rau quả tăng cao nhưng chất lượng không đồng nhất, tỷ lệ sản phẩm hư hỏng sau thu hoạch còn cao, giá cả không ổn định… Hiện nay, rào cản lớn nhất đối với sản phẩm rau màu của Việt Nam là tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Đã có một số vùng chuyên canh rau…áp dụng tiêu chuẩn này tuy nhiên chưa nhiều và phần lớn vẫn canh tác theo lối truyền thống.

Xu hướng thị trường xuất - nhập khẩu nông sản thế giới đang được kiểm soát bởi hệ thống đại siêu thị, tập đoàn đa quốc gia với các tiêu chuẩn ngặt nghèo về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, để nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của thị xã Quảng Yên, các vùng chuyên canh rau, hoa, cần đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt.

Một phần của tài liệu Quy hoạch vùng SXNN hàng hóa tập trung thị xã Quảng Yên đến năm 2015, định hướng năm 2020 (Trang 54 - 55)