Nhờ vài viên aspirin, bệnh nhân đã quay lại sở làm việc, nhưng cái ung thư trong gan ruột vẫn chờ ngày giải phẩu. Đây là chiến thuật mà người phương Tây gọi là “giấu bụi dưới thảm” (swept under the rug) hay “đá cái thùng (rác) xuống cuối đường” (kick the (trash) can down the road). Tạm ổn, nhưng một ngày nào đó, trong nhiệm kỳ mới, có lẽ một người nào khác sẽ
phải làm cái việc dơ bẩn là hốt bụi hay đổ rác.
Một chuyên gia kinh tế Việt hưng phấn bảo tôi,” Mọi vấn đề về ngân hàng, chứng khoán và bất động sản sẽ được chánh phủ giải quyết xong trước tháng 8 năm nay. Tất cả thị trường tài chánh sẽ phục hồi và sẽ lập đỉnh cao mới trong 2013. Lãi suất và lạm phát sẽ giảm xuống dưới 9%, cán cân thương mại sẽ cân bằng và ngân sách sẽ ổn định”. Hallelujah (Lạy Chúa tôi) !!! Phép mầu đã hiện ra, mà không cần một cuộc hành hương nào.
Giải pháp của Mỹ
Tôi gọi nó là một phép mầu vì hiện tượng này sẽ đi ngược lại tất cả nguyên lý về kinh tế tài chánh mà tôi được học. Chắc tại mình học chưa đủ? Nhưng dù sao, nó cũng đã được áp dụng khá thành công tại Mỹ khi Cục Dự Trữ Liên Bang (Fed) bơm tiền cứu các ngân hàng, bắt đầu với gói QE 1 vào 2008, và liên tục in tiền với QE 2 và sắp cho ra QE 3 trong vài tháng tới. Thường thì khi in tiền, lạm phát và lãi suất sẽ gia tăng vì lượng cung của trái phiếu tràn ngập. Tuy nhiên, với sự suy thoái về nhu cầu tiêu dùng và mức độ thất nghiệp; cùng với số lượng tiền khổng lồ đang được các nhà đầu tư thế giới nắm giữ (nhất là Trung Quốc và Nhật Bản), thị trường chấp nhận dễ dàng lãi suất thấp (gần như zero) từ trái phiếu chánh phủ vì sự vững chắc của đồng đô la Mỹ giữa những biến động nguy hiểm của tình thế.
Kết quả là Fed đã cứu được hệ thống ngân hàng mà không phải trả giá bằng lạm phát và lãi suất. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ đã tiếp tục trì trệ suốt 3 năm qua vì tiền các ngân hàng nhận được đã không đem cho doanh nghiệp vay lại vì nợ xấu và rủi ro vẫn còn cao. Họ giữ tiền cứu trợ để mua trái phiếu của các chánh phủ cho an toàn và hạnh phúc với số tiền lời khủng qua sai biệt về lãi suất mua và bán.
Cuối cùng, nhờ sự năng động của nền kinh tế thị trường và những sáng tạo của tầng lớp doanh nhân trẻ, nền kinh tế Mỹ cho thấy vài tín hiệu của sự hồi phục vào giữa năm nay. Nhưng ngoài điểm sáng này, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, giá địa ốc vẫn suy giảm, nợ công và tư vẫn đầm đìa và lạm phát vẫn là một đe
dọa qua giá dầu và lãi suất. Nói tóm lại, nhờ vài viên aspirin, bệnh nhân đã quay lại sở làm việc, nhưng cái ung thư trong gan ruột vẫn chờ ngày giải phẩu.
Đây là chiến thuật mà người phương Tây gọi là “giấu bụi dưới thảm” (swept under the rug) hay “đá cái thùng (rác) xuống cuối đường” (kick the (trash) can down the road). Tạm ổn, nhưng một ngày nào đó, trong nhiệm kỳ mới, có lẽ một người nào khác sẽ phải làm cái việc dơ bẩn là hốt bụi hay đổ rác.
Ứng dụng cho Việt Nam
Câu hỏi kế tiếp là Mỹ nó làm được thế thì tại sao Việt Nam không bắt chước mà áp dụng giải pháp tương tự? Dĩ nhiên, chánh phủ Việt Nam đang áp dụng chính sách này và cũng có cơ may thành công như chánh phủ Mỹ. Tuy nhiên, có 5 sự khác biệt khá sâu rộng giữa hai nền kinh tế.
1. Trước hết, dù chịu nhiều thách thức, đồng đô la vẫn là bản vị chính trong các thanh toán quốc tế. Sự sụt giảm tỷ giá đồng đô la sẽ khiến các dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore…mất giá trị nhanh chóng. Các nhà cầm quyền nơi đây đã làm đủ cách để giúp Mỹ và giúp chính họ giữ sự bình ổn. Không ai quan tâm đến đồng Việt Nam.
2. Nền kinh tế Mỹ phần lớn vẫn dựa trên vận hành thị trường, với những doanh nghiệp tư nhân năng động, sáng tạo và mạo hiểm. Nhiều nhà sáng lập các doanh nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế là những di dân từ Á Châu, Đông Âu…với mộng ước xây dựng những sự nghiệp lớn lao trên sân chơi lớn nhất toàn cầu. Trong khi đó, đầu tàu của kinh tế Việt vẫn là những doanh nghiệp nhà nước, với sự bảo bọc của đặc quyền, đặc lợi.
3. Doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn chiến đấu bền bỉ trong trận bão hiện nay. Tuy nhiên, đối diện với lãi suất trên 20%, lạm phát thực sự hơn 15% và tỷ giá USD thấp hơn 16% giá trị thực của tiền đồng; các doanh nghiệp này chịu quá nhiều gánh nặng để cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và ngay cả nội địa so với hàng Trung Quốc. Trong khi đó, doanh nhân Mỹ chỉ chịu lãi suất khoảng 6%, lạm phát 2%; nên sự hồi phục xẩy ra nhanh chóng hơn.
4. Thêm vào đó, đầu tư FDI và FII vào Mỹ lại gia tăng trong các khủng hoảng kinh tế toàn cầu vì sự ổn định và minh bạch của cơ chế quản lý. Các suy giảm về FDI và FII cho Việt Nam là những tín hiệu ngược lại.
5. Trong khủng hoảng tài chánh năm 2008 do nợ xấu từ suy sụp của giá bất động sản, các ngân hàng Mỹ đã công khai các số liệu và tình trạng các sản
phẩm tài chánh để chánh phủ Mỹ và các nhà đầu tư có thể đánh giá (stress test) khả năng sinh tồn của mình. Nhiều định chế hàng đầu như Lehman Bros hay Countrywide…phải phá sản và nhiều ngân hàng hay hãng bảo hiểm siêu cấp phải bán đi phần lớn vốn cho các nhà đầu tư mới, kể cả chánh phủ. Mọi biện pháp của chánh phủ Việt Nam và các nhóm sở hữu ngân hàng vẫn diễn ra sau bức màn tre, nên không ai bên ngoài có thể tiên đoán bất cứ điều gì về vấn đề hay diễn biến.
Liệu Việt Nam có thành công (dù tạm bợ) như Mỹ trong bài toán kinh tế hiện tại? Chánh phủ thì khá tự tin, giống như quản lý EVN vừa bảo đảm là những rò rỉ của đập thủy điện sông Tranh không nhằm nhò gì. Theo kinh nghiệm sống ở nhiều quốc gia đang phát triển, các quan chức càng tự tin thì tôi càng lo.
Cách đây một năm, tôi lấy tàu hỏa cao tốc mới xây của Trung Quốc đi từ Thượng Hải đến Bắc Kinh. Tôi đùa hỏi ông quản lý đoàn xe là ông chắc không có sự cố gì chứ? Ông bảo anh hãy tin vào công nghệ cấp tiến chất lượng của Trung Quốc đi. Chúng tôi đang chiếm lĩnh vị trí số một về tàu cao tốc trên thế giới. Chỉ 3 tuần sau, đoàn tàu đó bị trật rầy ở Wenzhou, khiến hơn 50 người thiệt mạng (con số chính xác vẫn bị giấu).
Các vị quản lý có thể đúng đến 80% về xác suất. Nhưng nếu tôi có một căn nhà ở phía dưới đập, tôi sẽ dọn đi để ngủ ngon hơn. Và chắc chắn sẽ tránh xa các đoàn tàu cao tốc ở Trung Quốc.
Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa 22 March 2012