Tôi không bao giờ nói là một thị trường thực sự tự do luôn luôn “đúng”; nhưng tôi tin rằng thị trường tự do sẽ luôn luôn là “kẻ chiến thắng sau cùng”. Bởi vì nó là đại diện duy nhất và chính thống nhất của người tiêu thụ.
Danh từ “tái cấu trúc” (TCT) lúc này bị lạm dụng hơi nhiều. TCT kinh tế, TCT giáo dục, TCT cơ chế, TCT nhân lực, TCT chánh sách, TCT ngân hàng, TCT giao thông, TCT chứng khoán, TCT ngân sách…chỉ thiếu một phương thức tôi đang muốn biết là TCT vợ con hay TCT hàng xóm mình. Mọi người, từ chuyên gia có giấy phép của chánh phủ đến tài xế xe ôm đều bàn chuyện lạm phát, tỷ giá, vàng, lãi suất, bất động sản và…TCT, thay vì cướp, hiếp, giết, đại gia, chân dài… như thói quen thời còn vàng son?
Tôi đã nóí về vàng cách đây 3 năm trước, và những thứ lăng nhăng khác như lạm phát, tỷ giá, FDI, thanh khoản ngân hàng cách đây khá lâu. Và suy nghĩ của tôi cũng không gì thay đổi để đính chánh hay nói thêm. Tôi cũng nói về “cơn bão năm Thìn” hay “đại họa 2012” về bong bóng tài sản, về hậu quả của các gói kích cầu của các chánh phủ, về những vụ vỡ nợ của nền kinh tế ngầm từ hơn năm nay. Tôi hơi lo vì trong những xã hội khép kín, người nói sai thì được chiều chuộng và an ủi, còn những anh nói trúng thường hay bị đem ra làm vật tế thần.
Tôi nghĩ đến việc lo TCT vào thời điểm này cũng giống như vào năm 1992 khi các cư dân Florida chạy ra các siêu thị vài giờ trước khi cơn bão lịch sử Andrew đến để mua gỗ về đóng trụ các cửa kính. Thường thì tiệm vật liệu đã hết hàng và thời gian không còn nhiều để thay đổi được gì. Thế nhưng, thói quen đợi đến giờ chót vẫn hiện diện. Tôi cũng đã nhiều lần trễ chuyến tàu trong quá khứ nên rất thông cảm. Nhất là khi sự thay đổi thường đem đến những cảm giác không an toàn.
Tôi không bao giờ nói là một thị trường thực sự tự do luôn luôn "đúng"; nhưng tôi tin rằng thị trường tự do sẽ luôn luôn là "kẻ chiến thắng sau cùng".
Với tôi, khi cơn bão đang đi qua, thì mình phải tìm đến một góc nhỏ bình an nào đó trong căn nhà đã chỉnh đốn cho thiên tai, bỏ cuốn DVD của một phim hào hứng hay đọc một cuốn sách thú vị qua Ipad, đợi cơn bão tạnh. Không còn gì để bàn thêm hay suy nghĩ, nhất là về chuyện TCT.
Dĩ nhiên, căn nhà sẽ phải sửa lại hay phải vẽ đồ án để xây mới lại hoàn toàn, tùy theo sự hư hại do cơn bão đem lại. Còn suy nghĩ về chuyện sửa hay đập bỏ trước khi bão đến thì hơi… thừa thãi. Nhưng nếu có vài bạn tâm tình, ta có thể
quay quần cạnh lò sưởi, trao đổi với nhau những tư duy và phản biện về thế thái nhân tình thì cũng là những khoảnh khắc êm đềm của đời sống.
Một anh bạn quyết đoán rằng tôi và những tên tư bản ngoan cố đã sai lầm từ căn bản khi nghĩ rằng thị trường luôn luôn đúng và để mặc thị trường chỉnh sửa mọi khủng hoảng. Chính cơ chế thị trường đã gây ra những cuộc khủng hoảng này vì 4 nhân tố chính: tâm lý ngu dốt dễ xao động của đám đông; sự đầu cơ và thao túng của các nhóm tài phiệt; sự xáo trộn mọi trật tự xã hội khi thị trường điều chỉnh hay thay đổi; và luật cung cầu luôn có khuynh hướng đi quá đà tạo nên những bất ổn không cân đối về giá cả. Anh nói thêm về hiện tượng “Chiếm Phố Wall” như một dấu hiệu trở lại của nền kinh tế chỉ huy.
Anh bạn nhận xét chính xác về thực thể của nền kinh tế thị trường. Đa số người dân dễ bị tâm lý bầy đàn; lòng tham của con người thường không có đáy nên họ sẽ lợi dụng quyền lực và tiền bạc để kiếm chác thêm khi có cơ hội; giá cả thị trường thì chong chanh như con tàu trong sóng lớn, lúc quá thấp, khi quá cao; và trên hết, mỗi khi thị trường điều chỉnh, trước hay sau khủng hoảng, đều gây những biến chứng vô cùng khó chịu.
Vì vậy, các nhà đại trí thức và lý thuyết gia đẳng cấp, các chánh trị gia siêu việt và các tâm hồn trẻ đầy nhiệt huyết đã cùng nhau làm một thí nghiệm cải tổ tận gốc rễ nền kinh tế thị trường. Họ may mắn được nhiều quốc gia tham dự, trong đó Liên Bang Sô Viết đăng ký 70 năm và Trung Quốc hơn 30 năm. Những nhân vật tự cho là “tài giỏi khôn ngoan” này được toàn quyền quyết định về mọi việc liên quan đến nền kinh tế, từ phối trí nguồn vốn, nhân công, sản phẩm, giá cả, đến các chương trình nghiên cứu, sử dụng công nghệ, tiếp thị và hậu mãi. Đây là một cuộc thí nghiệm về kinh tế lớn lao và sâu rộng nhất trong lịch sử loài người. Kết quả là một trải nghiệm quý giá gấp ngàn lần các học thuyết đã đoạt giải Nobel về kinh tế và xã hội.
Các đỉnh cao trí tuệ này đã kiên trì theo đuổi lý thuyết mình suốt vài thế hệ. Ngay cả khi các bộ lạc hoang dã ngu ngơ từ Phi Châu thí nghiệm thử vài năm rồi bỏ cuộc, các quan chức Sô Viết vẫn tiếp tục hành trình và những ai muốn phản đối thì đã có Siberia hay bức tường Berlin. Thành tich duy nhất họ đạt được là một xứ Nga, một xứ Tàu nghèo hơn là lúc trước khi thí nghiệm, tính theo GDP và thu nhập cá nhân.
Dĩ nhiên, trong suốt thời gian thí nghiệm, nền kinh tế Liên Sô và Trung Quốc không bao giờ gặp khủng hoảng hay xáo trộn về giá cả, lãi suất hay tỷ giá. Cái giá phải trả cho sự ổn định về xã hội này chắc người dân Bắc Triều Tiên, xứ duy nhất còn đang thí nghiệm, biết rất rõ. Thực sự, cả thế giới phải tri ân sâu đậm nhân dân Liên Sô và Trung Quốc đã hy sinh làm vật thí nghiệm để chúng ta
tránh xa cái hoang tưởng tuyệt vời của ý tưởng này. Điều nghịch lý là cho đến thế kỷ 21 của nền kinh tế Internet này, nhiều chuyên gia vẫn còn muốn tiếp tục cuộc thí nghiệm, dù chỉ một phần, lý thuyết quái dị này.
Sau cùng, tôi không bao giờ nói là một thị trường thực sự tự do luôn luôn “đúng”; nhưng tôi tin rằng thị trường tự do sẽ luôn luôn là “kẻ chiến thắng sau cùng”. Bởi vì nó là đại diện duy nhất và chính thống nhất của người tiêu thụ. Và người tiêu thụ là người duy nhất bỏ tiền của mình ra để hưởng thụ hay bị “tiền mất tật mang”. Những ai lấy tiền người khác để làm lợi cho mình và phe nhóm mình thường được vinh danh là kẻ cắp.
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa (Bài đã đăng trên Vietnamnet/VEF ngày 3 tháng 11 năm 2011)