Vì chúng ta còn sống trong quá khứ, tôi hiểu ra là thế hệ “trí thức” tiếp nối của Việt Nam vẫn coi chuyện làm quan là con đường của lựa chọn. Làm doanh nhân vất vả và mất nhiều thời gian quá… Có lẽ vì văn hóa và truyền thống, người dân vẫn phải co rúm như một con sâu khi đối diện với một ông quan, dù là quan làng. Khác với tư duy cùa các dân tộc Âu Mỹ: lương anh chị lấy từ tiền thuế của tôi thì tôi là người chủ, trả lương cho anh chị để
được phuc vụ.
Cuối tuần qua, tôi được mời đến Đại Học Ngân Hàng ở Thủ Đức để tản mạn cùng các bạn sinh viên trẻ về cơ hội khởi nghiệp trong năm Thìn mà nhiều kinh tế gia thế giới dự đoán là năm của biến động và suy thoái. Nhóm tổ chức hội thảo gồm 6 đại học liên đới có tổng cộng 45 ngàn sinh viên. Chỉ khoảng 100 người hiện diện, dù sáng Thứ Bẩy 19/11 là một ngày đẹp trời. Tôi nhớ buổi nói chuyện, cũng miễn phí và cùng đề tài, ở đại học Fudan, Thượng Hải 10 năm về trước. Có đến hơn 2,000 sinh viên chen nhau trong mưa, ban tổ chức phải dời địa diểm đến nơi lớn hơn.
Máu kinh doanh?
Có lẽ các bạn trẻ Việt không hứng thú nhiều đến chuyện làm ăn như chúng ta đã lầm tưởng? Hay là vì ngày hôm đó, một bạn trẻ giải thích, các sinh viên đều muốn nghỉ ngơi để lấy sức tối nay đi bão. Trận bóng đá với Indonesia để vào chung kết giải SEA games là một chờ đợi từ hai năm nay và rất quan trọng cho niềm tự hào dân tộc. Nhưng dù thế nào, đơn giản đây chỉ là một buổi nói chuyện không lấy gì làm thú vị cho các sinh viên ngành kinh tế và ngân hàng. Hay tại hai diễn giả, tôi và T/S Nguyễn Mạnh Hùng, không đủ kỹ năng và kinh nghiệm?
Trong cái quan sát phiến diện của tôi qua nhiều quốc gia, những dân tộc thích làm ăn thường có mức sống và thu nhâp khả quan hơn các bạn láng giềng. Phi thương bất phú mà? Dĩ nhiên, còn rất nhiều yếu tố khác liên quan và ảnh hưởng, như môi trường văn hóa, cơ chế chánh phủ, thời cơ thuận lợi hay tài nguyên dồi dào. Tuy nhiên, nếu giữ các mẫu số chung khác đồng đều, thì tựu trung, một người Mỹ vẫn thích kinh doanh hơn một người Mexican, người Tàu thích buôn bán hơn người Mã Lai, người Đức thích làm ăn hơn người Tây Ban Nha?
Máu làm quan?
Riêng về chúng ta, một ông Pháp nào đó có câu phê bình là trong mỗi người Việt Nam đều hiện diện một ông quan nhỏ (un petit mandarin). Qua bao thời đại,
mộng ước của phần lớn thanh niên Việt là học giỏi để đỗ cao và làm quan. Bài thơ “Trăng Sáng Vườn Chè” là một thể hiện của giấc mơ Việt. Lấy được công chúa để làm phò mã là trúng số độc đắc.
Gần đây, sau khi một số đại gia mua máy bay riêng, biểu diễn siêu xe và cặp kè chân dài, giới doanh nhân mới được để ý và tạo vài ấn tượng đến các bạn trẻ. Tuy nhiên, lấy tiền của bố mẹ để khoe khoang thì vẫn thỏai mái hơn là đầu tư vài chục năm công sức vào một dự án kinh doanh. Lý tưởng tuyệt vời nhất là dùng thế lực “con cháu” để được bổ nhiệm làm quản lý một tập đoàn quốc doanh. Vừa có tiền vừa có quyền.
Con đường vất vả
Trong buổi hội thảo, tôi nói về 6 yếu tố căn bản của mọi thành công bền vững trên thương trường: động lực, sức khỏe, thời gian, hành động, kiến thức và may mắn. Tôi nói thêm về những thất bại sẽ đến, ý chí để tiếp tục giữ lửa, và những sáng tạo liên tục để duy trì lợi thế cạnh tranh. Sau đó, một bạn trẻ phê bình là sao quy trình thành công của chú mệt mỏi quá vậy? Chú chỉ cho cháu “một con đường tắt để đón đầu” đi. Tôi trả lời là nghe nói ở đây, đường tắt cũng vất vả, sao cháu không thử gõ cửa sau của căn nhà cháu muốn đến?
Tôi cũng nói về mặt trái của kinh doanh: những áp lực hàng ngày từ mọi phía, những trách nhiêm với nhân viên, cộng đồng và những chuẩn mực đạo đức để tạo một thương hiệu lâu dài. Đây là những gánh nặng có thể làm suy sụp sức khỏe cá nhân, hạnh phúc gia đình và mục tiêu đời sống. Do đó, tôi hoàn toàn thông cảm với lựa chọn của bạn trẻ về một con đướng an nhàn hơn khi ra trường; việc tốt nhất là chạy chọt được một chỗ trong các công sở nhiều bổng lộc.
Con đường mơ ước
Sau 5 ngàn năm tiến hóa của nhân loại, định luật Darwin không ứng dụng ờ Viêt Nam. Một anh trưởng thôn hay trưởng xã vẩn oai quyền và sống sung túc như thời phong kiến hơn trăm năm trước. Có lẽ vì văn hóa và truyền thống, người dân vẫn phải co rúm như một con sâu khi đối diện với một ông quan, dù là quan làng. Khác với tư duy cùa các dân tộc Âu Mỹ: lương anh chị lấy từ tiền thuế của tôi thì tôi là người chủ, trả lương cho anh chị để được phuc vụ.
Vào năm 2007, tôi có dịp đến Sở Kế Hoạch Thành Phố để ký vào một văn kiện gì đó trong việc xin giấy phép kinh doanh. Buổi trưa trời nóng như thiêu đốt và tôi muốn đi bộ sau bữa ăn no cho tiêu cơm. Chiếc quần ngắn và cái áo thun là một giải pháp hợp lý. Khi đến cổng, hai ông bảo vệ không cho tôi vào. Tôi hỏi lý do và được biết là lối ăn mặc của tôi “tỏ thái độ vô lễ” với các ông công bộc đang ngồi trong phòng lạnh. Sau một biện luận chừng 5 phút, tôi phải rút lui vì phản
hồi của hai ông bảo vệ rất logic và vững vàng. Thuyết phục nhất là lời đe dọa sẽ “nhốt tôi” nếu còn cãi bậy.
Thế giới chúng ta
Cũng trong buổi mạn đàm, tôi nói về một chuyến xe buýt buổi sáng ở Copenhagen năm 1966. Tôi đứng cạnh ông Otto, Thủ Tướng Đan Mạch, vì xe đông người không còn chỗ ngồi. Ông ta đang trên đường đi làm hàng ngày và dù chào hỏi nhau thân mật, không hành khách nào có ý định nhường chỗ cho ông quan lớn. Sau khi nghe chuyện, một cô sinh viên nói là cô nghe như chuyện khoa học giả tưởng. Cô hỏi tôi cái thế giới ngoài kia đã vào thế kỷ 21 rồi phải không thầy?
Vì chúng ta còn sống trong quá khứ, tôi hiểu ra là thế hệ “trí thức” tiếp nối của Việt Nam vẫn coi chuyện làm quan là con đường của lựa chọn. Làm doanh nhân vất vả và mất nhiều thời gian quá. Chỉ có một ít anh chị ngu và liều hay nghèo và cô đơn mới đi vào đường này. Tôi ra về, buổi trưa nắng gắt, nhưng ở chân trời, những đám mây đen đã mù mịt. Trời sẽ mưa to chiều nay. Một bài hát xưa cũ bổng vang vọng…
“Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn… còn nhiều em ơi…”
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa 21 November 2011