Điều 1 Hiến pháp khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
Câu 39: Đặc điểm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây là đặc điểm rất quan trọng mà Nhà nước pháp quyền tư sản không thể có được. Thực chất đặc điểm này của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm bảo đảm tính giai cấp, tính nhân dân của Nhà nước ta. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và do nhân dân định đoạt, nhân dân quyết định phương thức tổ chức, xây dựng và vận hành của bộ máy quyền lực Nhà nước nhằm đáp ứng ngày càng cao lợi ích của nhân dân và của toàn bộ dân tộc. Đây còn là sự thể hiện về tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa so với các chế độ khác.
Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Nhà nước để thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là phương thức tổ chức và thực hiện quyền lực Nhà nước rất mới mẻ, chúng ta phải lấy hiệu quả thực tiễn để kiểm nghiệm. Về nguyên tắc, chúng ta không thừa nhận học thuyết “tam quyền phân lập” vì nó máy móc, khô cứng theo kiểu các quyền hoàn toàn độc lập, không có sự phối hợp, thậm chí đi đến đối lập, hạn chế sức mạnh của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể trở lại với nguyên tắc tập quyền, tức là tập trung toàn bộ quyền lực cao nhất của Nhà nước lập pháp, hành pháp và tư pháp cho một cá nhân, hoặc một cơ quan tổ chức Nhà nước. Bởi vì, làm như vậy là đi ngược lại lịch sử tiến bộ của nhân loại.
Vấn đề đặt ra yêu cầu chúng ta phải nghiên cứu giải quyết đó là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải có sự phân công, phân định thẩm quyền cho rõ ràng, minh bạch để thực hiện có hiệu quả với chất lượng cao ba quyền, tránh tình trạng chồng chéo, tùy tiện, lạm quyền…
Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở HP, PL và đảm bảo cho Hiến pháp và các đạo luật giữ vị trí tối thượng
Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; nâng cao trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước và công dân, thực hành dân chủ, đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do một Đảng duy nhất lãnh đạo, có sự giám sát của nhân dân, sự phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận.
Câu 40: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò như thế nào trong hệ thống chính trị Việt Nam?
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về việc tham gia xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong góp phần xây dựng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, phản ánh ý kiến của nhân dân về các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, để Đảng kịp thời đề ra
những chủ trương, chính sách hợp lý trong quá trình lãnh đạo, nhằm giải quyết, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Trong quá trình vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, thông qua ý kiến quần chúng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kịp thời đề xuất với Đảng về những hạn chế trong đường lối, chính sách của Đảng. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua hoạt động của mình quy tụ, phối hợp các tổ chức thành viên thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác xây dựng Đảng, góp phần xây dựng bộ máy tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh ở các cấp và vận hành thống nhất trong phạm vi cả nước. Vận động toàn thể nhân dân phát huy tinh thần làm chủ trong việc xây dựng và bảo vệ Đảng; giám sát hoạt động của cấp ủy đảng tại địa phương để kịp thời phát hiện những sai sót, khiếm khuyết trong công tác lãnh đạo ở địa phương…; qua đó, làm cho Đảng ngày càng liên hệ chặt chẽ với nhân dân, phát huy trí tuệ của nhân dân trong quá trình lãnh đạo của Đảng, từ đó nâng cao sức mạnh và trí tuệ của Đảng.
Về tham gia xây dựng Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần phát huy sức mạnh tổ chức và hoạt động của Nhà nước, tham gia tổ chức bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân, góp phần nâng cao sức mạnh của cơ quan quyền lực Nhà nước; tổ chức hiệp thương với các tổ chức thành viên, giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn làm hội thẩm nhân dân của tòa án nhân dân các cấp, tham gia vào hoạt động hành pháp của Nhà nước; phát huy sức mạnh của hệ thống các cơ quan quản lý hành chính; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào quần chúng, cùng Nhà nước thực hiện các chương trình kinh tế – xã hội, phát huy hiệu quả quản lý Nhà nước.
Câu 41: Phân biệt hai khái niệm “quyền con người” và “quyền công dân” 1. Khái niệm Quyền con người
+ Theo định nghĩa của Văn phòng cao ủy Liên Hợp Quốc thì: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được cho phép và sự tự do cơ bản của con người”.