Công tác xã hội trong quá trình hỗ trợ giải quyết vấn đề nghèo đói ở các cấp độ khác nhau từ việc hỗ trợ cá nhân người nghèo, hộ nghèo đến tác động thay đổi cộng đồng nghèo. CTXH tham gia vào lĩnh vực này với ý nghĩa hết sức quan trọng và mang tính nhân văn sâu sắc dựa trên nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Đó là phấn đấu cho sự công bằng xã hội.
1.1 Khái niệm công tác xã hội với người nghèo:
Công tác xã hội với người nghèo là cách tiếp cận giúp đỡ gia đình gặp khó khăn về kinh tế, khó khăn trong việc duy trì cuộc sống sinh hoạt bình thường hoặc có nguy cơ rơi vào tình trạng khó có thể duy trì trạng thái cân bằng trong gia đình.
1.2 Mục tiêu công tác xã hội với người nghèo:
Mục tiêu cuối cùng của CTXH với người nghèo là giúp thành viên học cách thực hiện chức năng của mình để đáp ứng các nhu cầu về phát triển cả về mặt tâm lý, tình cảm và xã hội cho tất cả các thành viên trong gia đình (Colins, Jordan và Coleman, 2007). Các mục tiêu cụ thể:
- Tăng cường sức mạnh của cá nhân và gia đình để mọi người sẵn sàng cho những thay đổi tốt hơn;
- Cung cấp thêm những dịch vụ can thiệp cá nhân và gia đình để duy trì thực hiện chức năng một cách hiệu quả;
- Tạo ra những thay đổi cụ thể trong việc thực hiện chức năng của gia đình nhằm duy trì hoạt động để đảm bảo tốt cuộc sống hàng ngày của mọi thành viên trong gia đình.
2. Vai trò của nhân viên xã hội:
Làm việc với gia đình nghèo NVXH thực hiện các vai trò như:
- Cung cấp dịch vụ xã hội: đưa ra nhiều hoạt động khác nhau như hỗ trợ cá nhân, gia đình như trợ giúp học nghề, tìm việc làm, nâng cao thu nhập hướng dẫn cách làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình, vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa tinh thần, hỗ trợ khám chữa bệnh và học tập, tiếp cận với các dịch vụ xã hội khác phù hợp với nhu cầu của đối tượng nhằm giúp họ sử dụng nguồn hỗ trợ này một cách hiệu quả.
- Kết nối dịch vụ: NVXH phối hợp với tổ chức của mình, quan hệ với các nguồn hỗ trợ khác để huy động nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) cộng đồng nhằm giải quyết vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, đáp ứng nhu cầu của người nghèo, hộ nghèo, hỗ trợ phát triển cộng đồng, kết nối thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội cho đối tượng.
- Biện hộ: NVXH làm công tác xã hội trong XĐGN phải am hiểu và cập nhật kịp thời những chính sách, luật pháp trong lĩnh vực giảm nghèo để nhân danh người nghèo, hộ nghèo yêu cầu các tổ chức, đơn vị thực hiện đầy đủ các quyền lợi chính đán và hợp pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho đối tượng.
- Giáo dục: xây dựng niềm tin trong cuộc sống, NVXH trực tiếp làm công tác giáo dục cho người nghèo vướng vào tệ nạn xã hội, chấp nhận số phận, mất niềm tin, ý chí vượt qua khó khăn; Nâng cao năng lực cho cán bộ liên quan ở cộng đồng, thành viên các gia đình nghèo để họ tự giải quyết các vấn đề phát sinh, vượt qua hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động truyền thông tại các nhóm gia đình và cộng đồng nghèo.
- Trị liệu: cùng cá nhân giải quyết các vấn đề tâm lý, tình cảm, xã hội giúp các thành viên thực hiện chức năng của mình, trị liệu, hỗ trợ phục hồi tâm lý. Tham vấn để giải quyết các vấn đề, trợ giúp các đối tượng tiếp cận các dịch vụ xã hội; tổ chức các cuộc tiếp xúc trao đổi để tìm ra khó khăn và cách thức giải quyết. NVXH hỗ trợ cải thiện an sinh cho các thành viên trong gia đình.
- Tư vấn cá nhân và xử lý từng vấn đề: Tất cả các hoạt động của NVXH là giúp đối tượng tự lập và có khả năng tự quyết, giúp đối tượng đưa ra các giải pháp khác nhau để đối tượng cân nhắc, lựa chọn giải pháp thích hợp với mình hoặc một quyết định đúng đắn trong việc giải quyết vấn đề của chính mình.
- Tư vấn hôn nhân gia đình: Vơi kiến thức tâm lý, hành vi con người NVXH tham gia tư vấn hôn nhân gia đình.
- Quản lý, điều phối theo các trường hợp.
- Làm việc theo nhóm: NVXH tiếp cận các nhóm hoặc thành lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ giải quyết vấn đề của người nghèo, hộ nghèo.
- Làm việc tại cộng đồng nghèo: Với vai trò là tác viên cộng đồng, NVXH tìm hiểu về cộng đồng yếu kém hoặc một vài lĩnh vực nào đó của cộng đồng còn yếu kém giúp cộng đồng tự vươn lên phát triển.